Ngay khi mở cửa, cổ phiếu DPG rơi xuống mức sàn 43.050 đồng/cổ phiếu, sau đó hồi phục dần và được kéo lên 58.000 đồng/cổ phiếu, trước khi trở lại vùng 54.000 đồng/cổ phiếu. Dù biến động giá rất mạnh, tới gần 35%, nhưng giao dịch không mấy sôi động, sau 30 phút giao dịch, tổng khớp mới hơn 40.000 đơn vị.
Lĩnh vực hoạt động chính của DPG là xây dựng và thi công các dự án hạ tầng giao thông, thủy điện và bất động sản. Vốn điều lệ hiên tại của DPG là 300 tỷ đồng và có khả năng sẽ tăng vốn vào cuối năm 2018 hoặc đầu năm 2019 để bổ sung nguồn vốn thực hiện các dự án.
Năm 2017, doanh thu thuần DPG đạt 1.410 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt hơn 191 tỷ đồng, tăng 40% so với năm 2016. EPS đạt 5.277 đồng/cổ phiếu.
Trong cơ cấu doanh thu, mảng xây lắp chiếm 90% tổng doanh thu, 64,4% lợi nhuận gộp. Mảng thủy điện đóng góp 10% doanh thu; 35,6% lợi nhuận gộp; tỷ suất lợi nhuận gộp đạt 78,1%. Dù tỷ trọng mảng xây lắp lớn trong doanh thu, nhưng mảng có tỷ suất lợi nhuận gộp lớn nhất lại là thủy điện hơn 78%; trong khi tỷ suất lợi nhuận gộp xây lắp là 15,7%.
Năm 2018, Công ty đạt mục tiêu doanh thu hợp nhất 1.996 tỷ đồng, tăng 41% so với năm trước. Lợi nhuận ròng hợp nhất dự kiến đạt 189 tỷ đồng, tăng 20%.
Kế hoạch tăng trưởng là bởi trong năm 2018, Công ty ghi nhận thêm mảng bất động sản. Đồng thời, đối với mảng thủy điện, Công ty đưa vào khai thác dự án thủy điện Sơn Trà 1A và Sơn Trà 1B (Quảng Ngãi), tiếp tục đóng góp phần lớn vào tổng doanh thu. Đến năm 2020, Công ty tiếp tục đầu tư khai thác dự án Sơn Trà 1C, nâng tổng công suất của Công ty tối thiểu đạt 130 MW.
Uớc tính, năm 2019, doanh thu DPG sẽ tăng 50-60% nhờ sự đóng góp của mảng bất động sản và có thêm nhà máy thủy điện phát điện thương phẩm. Đến năm 2020, tỷ lệ đóng góp lợi nhuận của mảng bất động sản sẽ là 42,5% tổng lợi nhuận của công ty.