Việt Nam đã đạt được những thành tựu ngoạn mục trong thu hút FDI, khiến thế giới nhiều khi phải ghen tỵ. Nhưng với người Việt Nam, điều quan trọng hơn hết là khi các tập đoàn lớn trên thế giới xuất hiện, cuộc sống của hàng triệu người đã thay đổi, cơ cấu kinh tế được chuyển dịch tích cực và nền kinh tế đã có bước phát triển đáng kinh ngạc.
Từ ước mơ của cậu bé nghèo
Chỉ một thời gian ngắn nữa, chàng thanh niên 22 tuổi Tạ Quốc Oai (Phú Mỹ, Phú Thọ) sẽ lên đường sang Nhật Bản du học. Còn hiện tại, cậu vẫn vui vẻ là nhân viên sản xuất tại Bộ phận Component của Nhà máy Samsung Electronics Việt Nam (SEV) ở Bắc Ninh.
Oai là con út trong một gia đình nghèo có 7 anh chị em. Khi Oai học lớp 7 thì bố mắc bệnh hiểm nghèo và qua đời. Người mẹ dù tần tảo sớm hôm nhưng cái nghèo vẫn đeo đuổi. Gia tài của gia đình chỉ là ngôi nhà tranh vách đất nằm xiêu vẹo giữa đồi chè xanh bạt ngàn.
Ngày qua ngày, các anh chị của Oai đã được dựng vợ, gả chồng cả, chỉ còn cậu sống với mẹ. Nhưng 4 năm trước, Oai cũng dứt áo ra đi, với khát khao lớn nhất là kiếm việc làm để có tiền xây cho mẹ ngôi nhà mới.
Năm ngoái, Oai đã thực hiện được ước mơ ấy, bằng số tiền dành dụm được sau 3 năm làm nhân viên sản xuất cho SEV. Số tiền lương 7-8 triệu đồng/tháng, có lúc lên tới cả chục triệu đồng/tháng, đã giúp Oai và mẹ cậu “đổi đời”. Không chỉ có thu nhập tốt, từ ngày bước chân vào nhà máy Samsung, Oai còn được tiếp cận máy móc, công nghệ hiện đại, mà khi còn ở nhà giúp mẹ làm nương, Oai chẳng bao giờ nghĩ mình có cơ hội được chạm tay vào.
Lúc rảnh rỗi, Oai còn theo học chương trình cao đẳng nội bộ của Samsung. Khi tấm bằng vừa đến tay cũng là lúc chàng thanh niên đầy nghị lực quyết tâm đi du học Nhật Bản, đúng chuyên ngành mà mình vừa theo học cao đẳng, bằng tiền dành dụm được và bằng cả tiền vay mượn thêm. Hành trình Đông du của Oai còn chưa bắt đầu, nhưng dường như cả một tương lai xán lạn đang mở ra trước mắt chàng trai đến từ một vùng quê nghèo.
Ở Samsung, có hàng ngàn, đúng hơn là cả trăm ngàn những chàng trai, cô gái như Oai, đều bước ra từ ruộng đồng, từ nghèo khó để rồi đã thay đổi được cuộc sống nhờ có công việc với thu nhập tốt, cơ hội học hỏi và nâng cao tay nghề. Ở Việt Nam, hàng triệu triệu người cũng đã có được cuộc sống đủ đầy hơn kể từ khi đất nước bắt đầu công cuộc Đổi mới và kể từ khi mở cửa thu hút đầu tư nước ngoài.
30 năm trước, Việt Nam chỉ là một nước nông nghiệp lạc hậu. Nhưng kể từ khi có FDI, từ ruộng đồng, nhiều người Việt Nam đã bước thẳng tới công xưởng, nhà máy. Câu chuyện không chỉ là giải quyết việc làm, mà là việc “đưa một đứa trẻ từ nông trại vào nhà máy chính là bước đầu tiên để tiến tới công nghiệp hóa”.
Samsung và hàng chục ngàn doanh nghiệp FDI, đặc biệt là ở các nhà máy công nghệ cao như Samsung, LG, Intel, Bosch, Canon… đang thực sự có những đóng góp quan trọng để Việt Nam thực hiện được điều đó - chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thực hiện công nghiệp hóa - hiện đại hóa nền kinh tế. Trình độ người lao động theo đó mà tăng lên và nhờ vậy, năng suất lao động của nền kinh tế cũng đã được cải thiện.
Đến niềm tự hào của Vĩnh Phúc
Một cách hồ hởi, ông Lê Duy Thành, Phó chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc kể rằng, ông vô cùng tự hào khi sang Mỹ, loanh quanh đi mua quần áo, giày dép một hồi, thì phát hiện ra, đó chính là sản phẩm được sản xuất tại Việt Nam.
“Rất nhiều hàng may mặc xuất khẩu đã được sản xuất tại Vĩnh Phúc. Nhiều linh kiện, phụ tùng ô tô cũng được sản xuất tại Vĩnh Phúc để xuất khẩu sang Bắc Mỹ. Sản phẩm sản xuất tại địa phương chúng tôi đã có mặt tại 20 quốc gia trên thế giới”, ông Thành tự hào.
Ông Thành khẳng định, Vĩnh Phúc có được hôm nay là nhờ FDI. Năm 1997, khi bắt đầu tái lập tỉnh, Vĩnh Phúc đứng gần áp chót (thứ 57) trong số 61 tỉnh, thành phố về phát triển kinh tế - xã hội, thu ngân sách chỉ 80 tỷ đồng/năm, còn thu nhập bình quân đầu người chỉ 2 triệu đồng/năm.
Khi ấy, sản xuất công nghiệp của Vĩnh Phúc chỉ có máy cày bừa bông sen và khát khao của lãnh đạo tỉnh là làm sao kéo kinh tế - xã hội tỉnh lên cho kịp các tỉnh lân cận. Và rồi, sau khi hàng loạt nhà đầu tư lớn đổ vào đây (Honda, Toyota, Piaggio…), tất cả đã thay đổi. “Năm 2016, thu ngân sách của tỉnh đã đạt 33.000 tỷ đồng, tăng hơn 300 lần so với trước đây, thu nhập bình quân đầu người đạt 70 triệu đồng/người/năm, cao hơn mức bình quân chung của cả nước”, ông Thành không giấu được niềm vui.
Nhưng ông Thành vui một, tự hào một, thì ông Nguyễn Tử Quỳnh, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh và cả ông Nguyễn Hồng Bắc, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên còn vui hơn gấp bội. Bởi từ khi Samsung đầu tư tới 6,2 tỷ USD ở Thái Nguyên và hơn 9 tỷ USD ở Bắc Ninh, bộ mặt hai tỉnh này đã thay đổi hẳn. Sản phẩm sản xuất tại đây đã xuất khẩu tới 128 quốc gia và vùng lãnh thổ.
“Từ khi Canon, Foxconn, Samsung… đầu tư vào Bắc Ninh, các ngành công nghiệp mũi nhọn, trọng tâm là công nghiệp điện, điện tử, viễn thông đã được hình thành tại đây. Những dự án lớn của các tập đoàn đa quốc gia đã tạo nên hình ảnh năng động, phát triển và cũng chính là thương hiệu của Bắc Ninh trong quá trình hội nhập”, ông Quỳnh nói.
Còn ông Bắc hẳn nhiên biết rằng, chỉ 5 năm trước, Thái Nguyên chỉ được biết đến có sắt thép, chè, xuất khẩu chỉ đạt trên 135 triệu USD. Nhưng năm nay, con số có thể lên tới 24 tỷ USD, đưa Thái Nguyên đứng top đầu trong các địa phương có xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. “Tất cả là nhờ khu vực FDI”, ông Bắc nói.
Chỉ riêng xuất khẩu của Samsung đã chiếm tới 99% kim ngạch xuất khẩu của Thái Nguyên. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế vì thế đã thay đổi ngoạn mục ở tỉnh này, theo hướng tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp - xây dựng, giảm mạnh tỷ trọng nông nghiệp. Năm 2017, dự kiến tăng trưởng GRDP của Thái Nguyên đạt 12,6%, cao gần gấp đôi so với bình quân chung của cả nước.
Nhưng không chỉ là Bắc Ninh hay Thái Nguyên, đến Vĩnh Phúc hay Đồng Nai, Bình Dương hay Bà Rịa - Vũng Tàu, những địa phương đang dẫn đầu cả nước về thu hút FDI, không quá khó để nhận ra những vùng đất này đã “thay da đổi thịt” thế nào, khi công xưởng, nhà máy của các doanh nghiệp FDI đổ bộ. Sau 30 năm thu hút FDI, tỉnh Bình Dương đã “có trong tay” hơn 29,5 tỷ USD vốn FDI. Và nhờ vậy, giá trị sản xuất công nghiệp của toàn tỉnh năm 2016 đã đạt trên 530.412 tỷ đồng, tăng gấp 2,3 lần so với năm 2011. Còn Đồng Nai, nhờ lực đẩy của 27 tỷ USD vốn FDI đã đăng ký, giá trị sản xuất công nghiệp đã tăng 200 lần so với năm 1985…
Bởi vậy, dễ hiểu vì sao GS. Ohno Kenichi (Viện Chiến lược chính sách Nhật Bản), người đã hơn 20 năm tư vấn chính sách cho Việt Nam, đã thẳng thắn bình luận: “Những thành quả trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế mà Việt Nam đã đạt được trong thời gian qua chủ yếu là do khu vực FDI”.
Và nỗi ghen tỵ của thế giới
Ông Simon Bell, Cố vấn cao cấp Chính sách đầu tư của Ngân hàng Thế giới (WB) khi đánh giá về 30 năm thu hút FDI của Việt Nam đã dẫn chứng con số 317 tỷ USD mà Việt Nam đã thu hút được, cũng như con số bình quân thu hút FDI trên đầu người…, để không ngần ngại nói rằng, Việt Nam đã đạt được những kết quả ngoạn mục, khiến thế giới phải ghen tỵ.
Theo ông Simon Bell, sự xuất hiện của hàng loạt dự án quy mô lớn và các tên tuổi lớn trên thế giới như Samsung, LG, Intel, Microsoft… tại Việt Nam đã khiến nhiều quốc gia trong khu vực “thèm muốn”. Khu vực FDI đã trở thành động lực của nền kinh tế.
Động lực ấy càng trở nên rõ ràng hơn trong những năm gần đây, khi kinh tế thế giới khủng hoảng, kinh tế trong nước chịu ảnh hưởng tiêu cực. “Trong giai đoạn hiện nay, tăng trưởng của nền kinh tế tiếp tục được dẫn dắt bởi khu vực FDI”, ông Eric Sidgwick, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam nói.
Sản xuất bao bì tại Công ty Goldsun cung cấp cho Samsung - doanh nghiệp FDI có đóng góp lớn nhất vào xuất khẩu của Việt Nam. Ảnh: Đức Thanh
Và thực ra, không chỉ ông Eric Sdidwick, dù vẫn còn những quan điểm phiến diện về vai trò FDI đối với nền kinh tế, thì tất cả các chuyên gia kinh tế cả trong và ngoài nước đều thừa nhận những đóng góp to lớn của khu vực FDI với tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy xuất khẩu, tăng năng lực sản xuất, giải quyết việc làm…
Đóng góp của khu vực FDI lớn đến nỗi, đã xuất hiện những nỗi lo về việc “FDI hóa” nền kinh tế. Nhưng đó là một câu chuyện khác, sẽ được đề cập trong những bài viết tiếp theo.
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI) dù chia sẻ rằng, cảm thấy “ám ảnh” khi Việt Nam xuất khẩu 10 đồng thì 5 đồng, thậm chí là 7 đồng của khu vực FDI, cho thấy khu vực này có vai trò “quá quan trọng”, song vẫn nhấn mạnh, đánh giá về những tác động của khu vực FDI, đừng chỉ nhìn ở những tác động trực tiếp, mà cả những tác động gián tiếp.
“Ở đâu thu hút được FDI nhiều hơn, thì quan chức chuyên nghiệp hơn. Đến Đồng Nai, Bình Dương, Vĩnh Phúc…, đều thấy chất lượng điều hành của chính quyền tốt hơn. Điều này khiến cả các doanh nghiệp trong nước cũng được hưởng lợi”, ông Tuấn nói.
Đó là tác động tràn mà ông Đặng Xuân Quang, Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã nói tới. Và tác động này, về thể chể, chính sách… nằm ngoài tất cả các các yếu tố kinh tế lượng, nên nhiều khi khó đong đếm. “Nhưng đóng góp của khu vực FDI cho kinh tế - xã hội Việt Nam là rất lớn”, ông Quang khẳng định.