Bài 2: Con đường vượt đầm lầy, bước ngoặt Intel và trái ngọt FDI
Sóng sau chờm sóng trước, ngày càng mạnh hơn, đã đưa gần 317 tỷ USD của 24.580 dự án FDI đến với Việt Nam trong 30 năm qua.
Nhưng quan trọng hơn cả, nhờ có tri thức, công nghệ của nhà đầu tư nước ngoài, đã có những con đường vượt đầm lầy được xây dựng; nhiều ngành kinh tế hình thành, phát triển và Việt Nam - một nước nông nghiệp lạc hậu - đã chuyển mình, ghi dấu ấn trên bản đồ công nghệ thế giới.
Con đường vượt đầm lầy
TP.HCM những ngày này thời tiết thật đẹp. Nhấp ngụm trà, phóng tầm mắt về phía hồ Bán Nguyệt, trung tâm của Khu đô thị Phú Mỹ Hưng, càng cảm nhận vẻ hiện đại của khu đô thị này, đâu khác trời Âu, đất Mỹ.
Vậy nhưng, không nhiều người biết, nơi đây từng là vùng đầm lầy hoang vu.
Tất cả đã thay đổi khi Central Trading & Development Group (CT&D - Đài Loan) tới Việt Nam vào năm 1993 và thành lập tới 3 công ty để phát triển Khu chế xuất Tân Thuận; xây dựng nhà máy điện có vốn FDI đầu tiên ở Việt Nam; kiến tạo Khu đô thị Phú Mỹ Hưng.
Song câu chuyện có lẽ phải bắt đầu từ đại lộ Nguyễn Văn Linh, dài 17,8 km, được Phú Mỹ Hưng xây dựng hoàn toàn mới băng qua vùng đầm lầy của huyện Nhà Bè, quận 8 và huyện Bình Chánh (TP.HCM).
Dọc hai bên đại lộ này, Khu đô thị Phú Mỹ Hưng sừng sững mọc lên, trở thành một khu đô thị hiện đại của TP.HCM trong thế kỷ XXI.
“Ngày ấy, nhiều người phản đối cấp phép cho Phú Mỹ Hưng, bởi lo sợ phải giao nhiều đất cho họ. Nhưng chẳng có lý gì để không đồng tình, bởi khu vực ấy lúc đó chỉ toàn là đầm lầy, gần như không có giá trị về kinh tế”, GS-TSKH. Nguyễn Mại, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư (SCCI) nhớ lại.
Nếu nhìn đại lộ Nguyễn Văn Linh từ trên cao, thấy con đường này chẳng khác nào “xương sống của con cá khổng lồ”, với vô số vây cá lớn hai bên, chính là hàng loạt cầu, đường nhánh được xây dựng nối liền các quận, huyện, khu đô thị xung quanh, tạo nên một mạng lưới giao thông liên hoàn cho TP.HCM.
Và trái tim của cả khu vực chính là Khu đô thị Phú Mỹ Hưng. Một vùng đất sau bao năm ngủ yên trong nỗi cơ cực, nhọc nhằn đã thay da đổi thịt. Sự nghèo khó đã thay bằng sự sung túc, hiện đại.
“Khi đó, chỉ xây dựng một tòa nhà cao 10-11 tầng thôi cũng đã khó khăn. Nhưng có doanh nghiệp FDI, mọi chuyện đã thay đổi”, nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc - người gắn bó với hành trình 30 năm thu hút FDI của Việt Nam ngay từ những ngày đầu - cũng đã nói như thế.
Từ khi có Phú Mỹ Hưng và sau đó là hàng loạt nhà đầu tư khác, bộ mặt đô thị Việt Nam đã thay đổi. Tính đến nay, đã có trên 52,7 tỷ USD vốn FDI được đăng ký đầu tư vào lĩnh vực bất động sản. Ngành công nghiệp xây dựng Việt Nam theo đó mà phát triển.
GS-TSKH. Nguyễn Mại còn khẳng định, nhờ có FDI, nhiều ngành công nghiệp khác của Việt Nam cũng phát triển. Ví như, công nghiệp dầu khí. Ban đầu, chỉ có Liên doanh Vietsovpetro, nhưng sau giai đoạn 1991-1992, những tên tuổi lớn như BP, Total, Shell… đã nhảy vào.
Để bây giờ, ngoài Lọc dầu Dung Quất do Việt Nam xây dựng, còn một Lọc hóa dầu Nghi Sơn quy mô gần chục tỷ USD sắp cho ra sản phẩm đầu tiên.
Chưa kể, còn Hóa dầu Long Sơn, Lọc dầu Vũng Rô… Và khi Exxon Mobil đầu tư siêu dự án 10 tỷ USD để khai thác mỏ khí Cá Voi Xanh, công nghiệp dầu khí Việt Nam sẽ có thêm bước phát triển ngoạn mục.
“Không có đầu tư nước ngoài, ngành viễn thông Việt Nam cũng không có được bước phát triển hôm nay”, ông Mai Liêm Trực, nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính - Viễn thông đã khẳng định.
Đấy là ông Trực nhắc đến hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC) mà Tổng công ty Bưu chính - Viễn thông Việt Nam đã ký kết với Telstra (Australia) vào năm 1988.
Hợp đồng BCC này được ông Mai Liêm Trực cho là một trong những lựa chọn hợp lý và hiệu quả nhất vào thời bấy giờ, khi nguồn lực trong nước có hạn và đất nước còn bị bao vây, cấm vận.
Sau BCC, đã có khoảng 500 dự án viễn thông lớn nhỏ được triển khai, hình thành một mạng lưới viễn thông hiện đại, đồng bộ cho Việt Nam.
Bước ngoặt Intel
Nếu CT&D góp phần quan trọng làm nên làn sóng đầu tư thứ nhất vào Việt Nam, thì Intel (Mỹ) là một nhà đầu tư quan trọng của làn sóng đầu tư thứ hai.
Bắt đầu có những cuộc gặp gỡ giữa Chính phủ Việt Nam và Intel vào năm 2001, thông qua Tổng giám đốc của Intel tại Việt Nam khi ấy là ông Thân Trọng Phúc, hiện là Giám đốc điều hành Quỹ DFJ VinaCapital, nhưng phải tới cuối tháng 2/2006, giấy phép đầu tư cho Intel mới được trao.
Con số vừa được Tổng cục Hải quan công bố, tính đến giữa tháng 12/2017, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đã chạm ngưỡng 400 tỷ USD, trong đó, xuất khẩu là gần 204 tỷ USD.
Chỉ riêng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng điện thoại, máy tính, điện tử và linh kiện các loại đạt kỷ lục với 71,6 tỷ USD.
Trong suốt 5 năm đó, là những cân nhắc của Intel giữa Việt Nam với các địa điểm đầu tư khác như Đại Liên (Trung Quốc), Thái Lan, Ấn Độ. “Khi ấy, Intel đã quyết định xây dựng một nhà máy ở Thành Đô vào năm 2004 rồi, nên kế hoạch Đại Liên được loại bỏ.
Thái Lan cũng không thuận vì không nằm gần chuỗi cung ứng cho ngành công nghệ thông tin, tập trung ở Trung Quốc, Đài Loan. Chỉ còn hai lựa chọn là Việt Nam và Ấn Độ”, ông Phúc kể.
Nhưng Việt Nam đã được chọn, dù các chính sách đầu tư mà hai Chính phủ đưa ra tương đương nhau. Một phần, theo ông Phúc, xuất phát từ việc Chính phủ Việt Nam từ Trung ương tới địa phương đều nhất quán quan điểm và hành động.
Phần khác liên quan đến những tình cảm, sự tin tưởng của Chủ tịch Tập đoàn Intel Craig Barrett và CEO Paul Otellini đối với Việt Nam.
Theo lời kể của GS-TSKH. Nguyễn Mại, xác định đây là một dự án trọng điểm, Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải đã thành lập một tổ đặc nhiệm để xem xét, đàm phán với Intel.
28 yêu cầu của Intel được tổ đặc nhiệm phân chia rõ ràng thành những yêu cầu không thể đáp ứng, không cần đàm phán và có thể đàm phán để từng bước “mặc cả”.
“Cách làm khoa học ấy khiến Intel rất ấn tượng. Intel là dự án đầu tiên và duy nhất mà Chính phủ Việt Nam chấp nhận hỗ trợ tài chính, khoảng 70 triệu USD.
Lúc ấy, chúng tôi cũng đã nói với Chính phủ rằng, với dự án này, không nên đặt nặng vấn đề tài chính, bởi ý nghĩa của nó còn lớn hơn thế”, GS-TSKH. Nguyễn Mại nói.
Thực ra, chuyện Chính phủ Việt Nam cam kết hỗ trợ tài chính - theo ông Thân Trọng Phúc - chỉ là để chứng minh rằng, Việt Nam sẽ thực hiện các cam kết hỗ trợ nhà đầu tư, con số bao nhiêu không quan trọng. Bởi Intel không thiếu tiền.
Và bởi khi ấy, sau khi cam kết đầu tư vào Việt Nam giai đoạn đầu là 300 triệu USD, Intel đã nhanh chóng lên kế hoạch tăng vốn đầu tư lên 1 tỷ USD; lúc ấy, các đầu bài được lật lại, xem nên đầu tư ở đâu, thì Dubai thậm chí đã tuyên bố hỗ trợ Intel tới 1 tỷ USD.
Cuối năm 2006, Intel chính thức nhận giấy phép đầu tư dự án 1 tỷ USD. Sự kiện ấy đã gây tiếng vang lớn trong dư luận Việt Nam và toàn cầu.
Chủ tịch Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại TP.HCM khi ấy còn nói, việc Intel đầu tư vào Việt Nam chẳng khác nào “con dấu đảm bảo bằng vàng” xác nhận Việt Nam là địa chỉ đầu tư có đẳng cấp thế giới. Nhờ Intel, Việt Nam chính thức có tên trên bản đồ công nghệ toàn cầu.
Và trái ngọt FDI
GS-TSKH. Nguyễn Mại và tổ đặc nhiệm của Chính phủ khi ấy đã đúng khi đánh giá cao vai trò của Dự án Intel trong thu hút FDI của Việt Nam. Bởi sau cú hích Intel, hàng loạt đại gia công nghệ đã vào Việt Nam.
“Đại diện của Samsung, rồi Foxconn đều đã đến tìm tôi hỏi các thông tin liên quan đến việc Intel đầu tư vào Việt Nam”, ông Thân Trọng Phúc kể.
Foxconn sau đó đã tuyên bố đầu tư 5 tỷ USD vào Việt Nam. Tiếc rằng về sau, kế hoạch này đổ bể. Chỉ có Samsung không ngừng dốc vốn, biến Việt Nam thành cứ điểm sản xuất toàn cầu hoàn chỉnh của mình, với 17,3 tỷ USD.
Rồi lần lượt các tên tuổi lớn như LG, Microsoft, Bosch, Canon, Jabil Circuit Inc, Nidec, Fuji Xerox, Kyocera… đã đến Việt Nam.
Nhờ họ, Việt Nam thực sự trở thành công xưởng lớn của thế giới. Cũng từ đấy, ngày càng nhiều tỷ phú hàng đầu thế giới đã đến Việt Nam trên các chuyên cơ hạng sang.
Cũng nhờ sự xuất hiện của các đại gia công nghệ này, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đã tăng nhanh trong vòng 3-5 năm qua.
Con số vừa được Tổng cục Hải quan công bố, tính đến giữa tháng 12/2017, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đã chạm ngưỡng 400 tỷ USD, trong đó, xuất khẩu là gần 204 tỷ USD.
Chỉ riêng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng điện thoại, máy tính, điện tử và linh kiện các loại đạt kỷ lục với 71,6 tỷ USD.
Kỳ tích này ghi dấu ấn rõ nét của các doanh nghiệp FDI. Bởi họ đã đóng góp tới 70% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Đây là một dấu ấn ngọt ngào cho thành quả 30 năm thu hút FDI của Việt Nam.
(Còn tiếp)