FDI - động lực tăng trưởng
Ba năm đầu 1988 - 1990 là thời gian khởi động của dòng chảy FDI vào Việt Nam, nên số lượng dự án còn ít, chất lượng còn thấp, đóng góp chưa nhiều vào tăng trưởng kinh tế. Tuy vậy, đây lại là giai đoạn có tầm quan trọng để các nhà đầu tư nước ngoài vững tin vào chủ trương của Đảng và Nhà nước về hội nhập kinh tế, mở cửa thu hút nguồn vốn quốc tế.
Theo nhận định của nhiều nhà nghiên cứu, trong khi doanh nghiệp nhà nước - sử dụng lớn nhất nguồn lực quốc gia - đang trong quá trình cơ cấu lại, nhưng chưa hiệu quả, nên không còn là động lực tăng trưởng chủ yếu nữa; còn kinh tế tư nhân phần lớn là doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, tuy đã gia tăng nhanh chóng về số lượng, hình thành một số tập đoàn lớn, nhưng vẫn chưa trở thành động lực tăng trưởng mạnh mẽ, thì từ năm 1991 đến nay, khu vực kinh tế đầu tư nước ngoài đã trở thành động lực tăng trưởng ổn định của nền kinh tế Việt Nam, đóng góp ngày càng nhiều vào giá trị sản lượng công nghiệp, dịch vụ, xuất nhập khẩu, thu ngân sách nhà nước và tổng sản phẩm quốc nội (GDP).
Nhìn lại hành trình thu hút FDI của Việt Nam, có thể thấy, trong 26 năm, từ năm 1991 đến năm 2016, Việt Nam đã thu hút được 151,39 tỷ USD vốn FDI thực hiện. Tính bình quân, mỗi năm giai đoạn 1991 - 2000 giải ngân đạt 1,95 tỷ USD, 10 năm tiếp theo đạt 5,85 tỷ USD, 6 năm gần đây là 12,24 tỷ USD, bằng 6,2 lần của giai đoạn 1991 - 2000 và 2,09 lần của giai đoạn 2001 - 2010.
Giai đoạn 1991 - 2000 phần lớn dự án FDI có quy mô nhỏ, vốn đầu tư trung bình mỗi dự án khoảng 4 triệu USD, tập trung vào may mặc, giày dép, đồ uống, thực phẩm, có một số dự án lớn thăm dò và khai thác dầu khí, sản xuất ô tô, xe máy, khách sạn, dịch vụ ngân hàng, tài chính, bảo hiểm của những tập đoàn kinh tế lớn.
GS-TSKH. Nguyễn Mại
Giai đoạn 2001 - 2010, sau khi khắc phục hậu quả của khủng hoảng kinh tế khu vực, từ năm 2005 đã có thêm nhiều dự án lớn công nghệ cao, dịch vụ hiện đại của Intel, Nokia, Canon, Samsung, LG... làm tăng thêm tỷ trọng của khu vực FDI trong giá trị sản xuất công nghiệp và kim ngạch xuất khẩu.
Giai đoạn 2011 - 2016 có thêm nhiều dự án quy mô lớn, với vốn đầu tư từ 1 tỷ USD trở lên, đưa Việt Nam trở thành cứ điểm sản xuất một số sản phẩm công nghệ cao của thế giới, như điện thoại di động, máy tính bảng, hàng điện tử...
Năm 2016, khu vực kinh tế đầu tư nước ngoài chiếm khoảng 50% giá trị sản xuất công nghiệp, trong đó dầu khí, điện tử, linh kiện điện tử, thiết bị di động, thức ăn gia súc, đồ uống... có tỷ trọng cao hơn nhiều. Khu vực này năm 2016 cũng đã đóng góp trên 72% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, trong đó chủ lực là các mặt hàng chế biến, chế tạo, có giá trị gia tăng cao. Nhờ vậy, khu vực FDI chẳng những bù đắp được nhập siêu của doanh nghiệp trong nước mà còn tạo ra xuất siêu gần 3 tỷ USD, đóng góp khoảng 20% thu nội địa và 20% GDP.
Vốn FDI thực hiện:
* 1991 - 2010 đạt 19,462 tỷ USD.
* 2001 - 2010 đạt 58,497 tỷ USD, bằng 3 lần thập niên trước đó.
* 2011 - 2016 đạt 73,436 tỷ đồng, bằng 3,87 lần giai đoạn 1991 - 2000 và bằng 1,26 lần 10 năm trước đó.
Đối với những địa phương thu hút được nhiều dự án FDI như Bắc Ninh, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Thanh Hóa ở miền Bắc; Bình Dương, Đồng Nai ở miền Nam thì đóng góp của khu vực FDI còn lớn hơn nhiều, làm thay đổi cơ bản cơ cấu kinh tế của từng tỉnh, thành phố, tạo điều kiện để doanh nghiệp trong nước phát triển có hiệu quả cao, người dân trong vùng trở nên giàu có hơn các địa phương lân cận.
Điển hình là Bắc Ninh, nhờ thu hút có hiệu quả FDI mà chỉ trong vòng 5 năm gần đây đã biến đổi cơ bản, từ tỉnh nông nghiệp trở thành tỉnh công nghiệp, hiện nông nghiệp chỉ chiếm khoảng 8%, công nghiệp và dịch vụ chiếm 82% cơ cấu kinh tế.
Và câu chuyện hàng ngày của những địa phương này không phải là lo xóa đói giảm nghèo, mà là giải quyết các vấn đề xã hội của công nghiệp hóa, lao động nhập cư với thu nhập ngày càng tăng đòi hỏi nhà ở, trường học, trung tâm thương mại, khu vui chơi giải trí... Các địa phương này cũng đã có đủ điều kiện về vốn đầu tư, ý tưởng mới để xây dựng đô thị thông minh hiện đại, nông nghiệp công nghệ cao và hoàn thành xây dựng nông thôn mới.
Những con số thống kê trên đây thể hiện quy mô vốn FDI vào nước ta ngày càng lớn, đồng thời chất lượng và hiệu quả kinh tế - xã hội của khu vực kinh tế đầu tư nước ngoài ngày càng cao hơn.
30 năm là thời gian đủ dài để khẳng định rằng, chủ trương của Đảng và Nhà nước mở cửa để hội nhập kinh tế quốc tế, trong đó có thu hút vốn đầu tư quốc tế, đồng thời với chủ trương đổi mới theo kinh tế thị trường, là đúng đắn và kịp thời để đưa đất nước vượt qua khủng hoảng kinh tế sớm hơn dự kiến, tạo tiền đề để chấn hưng đất nước theo các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội.
Một thảm họa, bốn bài học
Thảm họa môi trường biển ở Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế do Tập đoàn Formosa gây ra là sự kiện nổi bật của FDI năm 2016, làm chấn động dư luận trong nước và quốc tế.
Trước thảm họa môi trường sinh thái trên diện rộng, tác động đến việc làm và đời sống của hàng chục vạn người, đã có nhiều bài bình luận đa chiều, đưa ra nhiều kiến nghị khác nhau. Đảng và Chính phủ, lãnh đạo các tỉnh miền Trung đã thực hiện đồng bộ nhiều chính sách và giải pháp để khắc phục hậu quả về môi trường biển, chỉ đạo nhà đầu tư xử lý các vấn đề kỹ thuật và công nghệ, bồi thường thiệt hại cho người dân, các tổ chức sản xuất, kinh doanh, tạo điều kiện chuyển đổi nghề nghiệp...
Không nên thu hút thêm FDI vào một số ngành công nghiệp “cổ điển” như gang thép, xi măng, lọc hóa dầu. Đây là những ngành phát thải nhiều khí CO2 và các khí khác gây ra hiệu ứng nhà kính, làm tăng nhiệt độ trái đất, vượt quá ngưỡng cho phép.
Thảm họa nghiêm trọng như vậy, chỉ trong sáu tháng đã được khắc phục là thành quả đáng ghi nhận, nhưng quan trọng hơn là từ đó rút ra bài học kinh nghiệm để trong tương lai không để xảy ra tình trạng tương tự.
Bài học đầu tiên là việc lựa chọn dự án FDI phải theo đúng định hướng xây dựng nền kinh tế xanh, giảm thiểu khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính, làm tăng nhiệt độ trái đất. Khi đất nước đang trong quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng, khi ngập mặn ở Nam Bộ, hạn hán ở các tỉnh cực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, bão lụt gây thiệt hại lớn trên diện rộng thì vấn đề này càng trở nên cấp bách hơn.
Không nên thu hút thêm FDI vào một số ngành công nghiệp “cổ điển” như gang thép, xi măng, lọc hóa dầu. Đây là những ngành phát thải nhiều khí CO2 và các khí khác gây ra hiệu ứng nhà kính, làm tăng nhiệt độ trái đất, vượt quá ngưỡng cho phép. Thay vào đó, cần thực hiện nhanh hơn và có hiệu quả hơn tái cấu trúc nền kinh tế theo mô hình tăng trưởng mới, lựa chọn và đầu tư tới hạn để hình thành một số ngành công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ hiện đại, tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường.
Bài học thứ hai là khi chính quyền tỉnh và thành phố đã được Chính phủ phân cấp quản lý FDI, thì vấn đề quan trọng nhất là đề cao ý thức trách nhiệm của người đứng đầu UBND và các sở, ban ngành khi lựa chọn dự án và nhà đầu tư trên căn bản lợi ích địa phương và lợi ích dân tộc, ra quyết định đầu tư trên cơ sở năng lực đội ngũ cán bộ đã được nâng lên đủ bảo đảm thẩm định những dự án lớn theo đúng tiêu chí do Trung ương quy định.
Trong trường hợp cán bộ địa phương chưa đủ trình độ thẩm định dự án FDI có nhiều yếu tố phức tạp, thì cách có hiệu quả nhất là mời chuyên gia giỏi từ Hà Nội, TP.HCM làm tư vấn trong quá trình thẩm định. Có như vậy mới khắc phục được tình trạng lãnh đạo tỉnh, thành phố quyết định cấp phép khi chưa có đủ căn cứ, nguồn lực, dẫn đến khá nhiều dự án “đầu tư rởm”, không có tính khả thi.
Bài học thứ ba là chuẩn bị điều kiện để khi nhà đầu tư triển khai dự án có thể theo dõi, hỗ trợ, phát hiện kịp thời những sai sót, chỉ đạo việc khắc phục. Ví dụ, vấn đề xử lý nước thải của Formosa đã được lưu ý trong quá trình xây dựng, nhưng do Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Tĩnh không có thiết bị quan trắc, thiếu cán bộ có đủ năng lực, nên không thể phát hiện được sự cố gây ô nhiễm môi trường.
Nước ta có Luật Bảo vệ môi trường, có cả hệ thống từ Trung ương đến địa phương, gồm cả cảnh sát môi trường, làm công tác quản lý môi trường, nhưng đã xảy ra nhiều vụ vi phạm nghiêm trọng, nguyên nhân chính là do năng lực cán bộ còn bất cập và thiếu trang thiết bị hiện đại. Nếu không được khắc phục thì nguy cơ xảy ra thảm họa môi trường là hiện hữu.
Bài học thứ tư là trong quản lý nhà nước nói chung và đối với FDI nói riêng, đối với các sự cố bất thường thì cần chủ động trong việc đánh giá đúng tác động tiêu cực, có giải pháp đồng bộ, huy động mọi nguồn lực để có thể sớm khắc phục, đưa các hoạt động trở lại bình thường. Đồng thời, chủ động theo dõi công luận, nhất là dư luận trái chiều trong điều kiện mạng thông tin xã hội phổ cập và nhanh nhạy như hiện nay, để vừa cung cấp kịp thời thông tin chính xác cho người dân, các cơ quan thông tin, vừa ngăn ngừa và phê phán có căn cứ thực tiễn và khoa học tình trạng “đục nước béo cò” của phần tử xấu, làm trầm trọng thêm tình trạng xã hội bất ổn định.
Một thảm họa Formosa đã cho chúng ta bốn bài học trong thu hút, quản lý FDI, nhằm lựa chọn kỹ hơn các dự án FDI để có chất lượng và hiệu quả cao hơn, cũng như quản lý thống nhất trên cả nước để không xảy ra thảm họa môi trường như Formosa đã gây ra, từ đó tiếp tục là động lực cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
Tận dụng lợi thế quốc gia
Năm 2016, tình hình chính trị và kinh tế nhiều nước trong khu vực ASEAN không ổn định, FDI tăng trưởng thấp, thậm chí giảm sút nghiêm trọng như trường hợp Thái Lan. Trong khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới - Trung Quốc, đang ở vào giai đoạn khó khăn, vốn FDI rút khỏi thị trường này có xu hướng gia tăng, thì nhiều tổ chức quốc tế nhận định: Việt Nam là nước có lợi thế lớn đối với việc thu hút FDI. Điều tra thường niên của Amcham, Eurocham, Jetro, Kotra đều có chung kết quả là trên 60% doanh nghiệp FDI dự kiến mở rộng quy mô kinh doanh trong năm 2017.
Theo quan sát của chúng tôi, từ khi thực hiện công cuộc Đổi Mới và hội nhập đến nay, chưa bao giờ Việt Nam có lợi thế so sánh lớn như hiện nay trong thu hút FDI so với nhiều nước ASEAN. Do đó, năm 2017 và những năm tiếp theo, dòng vốn đầu tư quốc tế chảy vào nước ta dự báo nhiều hơn và chất lượng hơn. Vấn đề là làm thế nào để biến lợi thế so sánh thành hiện thực để khu vực kinh tế đầu tư nước ngoài góp phần quan trọng hơn nữa vào việc tái cơ cấu nền kinh tế, có tác động lan tỏa lớn hơn đến doanh nghiệp trong nước theo chuỗi cung ứng nhằm mục tiêu tăng trưởng xanh, không những vì lợi ích dân tộc mà còn đóng góp nhiều hơn vào mục tiêu toàn cầu giảm thiểu gia tăng nhiệt độ trái đất.
Ngày 12/12/2015, đã có 40.000 đại biểu đại diện cho 195 nước tham dự Hội nghị “Biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc 2015” tại Paris, Pháp và họ đã thông qua Thỏa thuận chung Paris (Coop 21) trong khuôn khổ Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC). Theo đó, các nước thống nhất đạt mức phát thải lớn nhất càng sớm càng tốt và hạ thấp mức phát thải vào nửa sau của thế kỷ này; giữ nhiệt độ toàn cầu không tăng quá 2 độ C và nỗ lực giới hạn tăng ở mức 1,5 độ C; đánh giá quá trình thực hiện 5 năm một lần và đến năm 2020, cung cấp 100 tỷ USD mỗi năm cho các nước đang phát triển và cam kết tiếp tục hỗ trợ trong tương lai.
Tổng thống Pháp Francois Hollande phát biểu: “Ngày 12/12/2015 là một ngày tuyệt vời đối với trái đất. Trong nhiều thế kỷ đã có hàng loạt cuộc cách mạng ở Paris, song đây là cuộc cách mạng đẹp và yên bình nhất mà chúng ta có, cuộc cách mạng về biến đổi khí hậu”.
Việt Nam cùng 170 nước đã ký vào Thỏa thuận Paris về biến đổi khi hậu, trên cơ sở đó Chính phủ sẽ ban hành Chiến lược Tăng trưởng xanh nhằm mục tiêu đến năm 2020, GDP bình quân người gấp đôi năm 2010, giảm tiêu hao năng lượng trên GDP khoảng 2,5-3%/năm, giảm cường độ phát thải khí nhà kính 10-15% so với mức năm 2010, hình thành cơ cấu kinh tế hiện đại và hiệu quả, trong đó giá trị sản phẩm công nghệ cao và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao đạt khoảng 42-45% GDP, yếu tố năng suất tổng hợp đóng góp vào tăng trưởng đạt khoảng 35%. (Dự thảo Chiến lược Tăng trưởng xanh của Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư).
FDI phải hướng đến mục tiêu tăng trưởng xanh, được gọi là FDI low- carbon. Trong quá trình lựa chọn dự án, thẩm định và cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư phải coi trọng hơn nữa yếu tố năng lượng, không thu hút các dự án tiêu hao nhiều năng lượng, gây ra khí phát thải nhà kính, nhất là khí CO2. Phải áp dụng công nghệ thân thiện với môi trường, năng lượng tái tạo, năng lượng gió, mặt trời, kể cả trong việc xây dựng các khu đô thị, nhà ở, văn phòng cho thuê, tạo ra đô thị sinh thái, những ngôi nhà xanh. Muốn vậy, phải có năng lực lựa chọn nhà đầu tư và dự án đầu tư, khi thẩm định dự án dựa trên bộ tiêu chuẩn định mức quốc gia đối với từng loại công trình xây dựng, nhà máy, siêu thị, khách sạn, nhà ở để bắt buộc thực hiện nghiêm chỉnh.
Bên cạnh đó, khi triển khai dự án, UBND tỉnh, thành phố và ban quản lý các khu công nghiệp cần coi trong việc nâng cao năng lực chuyên gia môi trường và đầu tư thiết bị kết nối hiện đại để có thể kịp thời phát hiện và ứng phó với sự cố về môi trường.
Năm 2017 là năm thứ hai các nước Đông Nam Á thực hiện Cộng đồng ASEAN, trong đó có Cộng đồng Kinh tế. Đây cũng là năm một số hiệp định thương mại tự do có hiệu lực, với việc dỡ bỏ cơ bản về hàng rào quan thuế và hài hòa hóa hải quan. Cộng thêm việc kế thừa thành quả của năm 2016, với kinh tế tăng trưởng vẫn đạt tốc độ khá, kinh tế vĩ mô tương đối ổn định, môi trường đầu tư được cải thiện, thì dự kiến sẽ có nhiều tập đoàn kinh tế lớn từ Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc sẽ tiếp tục đầu tư vào Việt Nam.
Định hướng và mục tiêu đã rõ ràng, thể chế đang được hoàn thiện, vấn đề có tính quyết định là bộ máy và con người. Tinh giản, nâng cao hiệu năng của bộ máy nhà nước, chuyên nghiệp hóa và nâng cao chất lượng đội ngũ công chức là hai yếu tố cơ bản để thực hiện Chính phủ kiến tạo, liêm chính như Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhiều lần khẳng định. Đó cũng là mong muốn của người dân, doanh nghiệp trong nước và nhà đầu tư nước ngoài đối với Chính phủ.