30 CTCK tiên phong công bố tỷ lệ an toàn vốn

30 CTCK tiên phong công bố tỷ lệ an toàn vốn

(ĐTCK) Chỉ có CTCK Hồng Bàng (HBSC) có tỷ lệ an toàn vốn dưới 180%, còn 29 công ty đã công bố báo cáo đều có tỷ lệ này khá cao. Đừng mừng vội, bởi còn tới 70 CTCK chưa có báo cáo

> 25 CTCK đầu tư hơn 3.388 tỷ đồng vào chứng khoán

Mặc dù Thông tư 226/2010/TT-BTC quy định về chỉ tiêu an toàn tài chính đối với các CTCK có hiệu lực từ 1/4/2012, nhưng phải đến khi Thông tư 52/2012/TT-BTC quy định về hoạt động công bố thông tin trên TTCK thì nhà đầu tư mới được tiếp cận với những con số về tỷ lệ an toàn vốn của các CTCK.

Theo Thông tư 52, từ 1/6/2012, các CTCK phải công bố thông tin định kỳ về Báo cáo tỷ lệ vốn khả dụng (theo Thông tư 226) được soát xét bởi tổ chức kiểm toán được chấp thuận tháng 6 và tháng 12 cùng với thời điểm công bố Báo cáo tài chính (BCTC) bán niên và BCTC năm. Báo cáo về tỷ lệ vốn khả dụng được soát xét phải được công bố đầy đủ trên trang thông tin điện tử của CTCK và trên phương tiện công bố thông tin của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK), Sở GDCK và phải được lưu trữ ít nhất 10 năm tiếp theo để nhà đầu tư tham khảo.

30 CTCK tiên phong công bố tỷ lệ an toàn vốn ảnh 1

Như vậy, dựa theo các quy định về thời hạn công bố thông tin, hạn cuối để toàn bộ CTCK phải công bố Báo cáo tỷ lệ vốn khả dụng là 14/8/2012. Theo thống kê của Đầu tư Chứng khoán, tính đến ngày 2/8/2012, đã có 30 CTCK công bố báo cáo này cùng với BCTC soát xét bán niên. Tuy nhiên, một số CTCK mới chỉ công bố BCTC bán niên mà chưa công bố Báo cáo tỷ lệ vốn khả dụng. Đáng mừng là mới chỉ có 3 CTCK là Hồng Bàng, Hà Thành và Sao Việt công bố tỷ lệ an toàn vốn dưới 180%.

 

CTCK

Tổng giá trị

rủi ro (tỷ đồng)

Vốn

khả dụng (tỷ đồng)

Tỷ lệ an toàn

vốn khả dụng

KLS

     192,80

    2.492,00

1.292%

HSC

     219,94

    1.899,64

864%

VSC

       7,00

      37,29

533%

CTS

     165,53

     829,40

501%

GSI

      71,44

     341,55

478%

KEVS

      75,06

     327,95

437%

MAS

      69,63

     263,57

379%

IRS

      27,10

      78,96

291%

ATSC

       9,05

      26,30

290%

VND

     360,40

     1.045,05

290%

Woori CBV

      31,74

      87,61

276%

NVS

      42,42

     113,38

267%

Techcom

     162,68

     406,14

250%

AVSC

      91,97

     228,04

248%

KISVN

      71,89

     175,36

244%

VFS

      46,91

     111,19

237%

DVSC

      74,41

     163,31

219%

LVS

      40,59

      88,55

218%

PCS

      15,31

      31,99

209%

VCSC

     253,57

     523,60

206%

SHS

       407,77

       828,60

203%

Trí Việt

      26,40

      53,56

203%

APG

      37,49

      74,61

199%

SEASC

     123,74

     233,12

188%

VNSC

      16,59

      31,25

188%

HPC

      81,99

     152,87

186%

VPBS

     274,36

     494,49

180%

HASC

      29,41

      50,19

171%

VSSC

      76,52

     122,36

160%

HBSC

       7,51

       9,77

130%

Tổng

     3.111,19

    11.321,66

364%

 

Theo thống kê, tổng giá trị tài sản rủi ro của 30 CTCK đạt hơn 3.111 tỷ đồng, trong khi tổng vốn khả dụng đạt hơn 11.321 tỷ đồng, trung bình tỷ lệ an toàn vốn khả dụng là 364%. Xét theo cơ cấu rủi ro, 37% đến từ rủi ro thị trường (liên quan đến biến động giá cổ phiếu, các khoản đầu tư…), 21% đến từ rủi ro thanh toán và 42% từ rủi ro hoạt động.

 

CTCK tự báo cáo, đáng tin đến đâu?

Thông tư 226 quy định các CTCK có trách nhiệm tính các chỉ tiêu an toàn tài chính và chịu trách nhiệm về tính chính xác của kết quả tính toán. Do vậy, tính chính xác của những con số này hoàn toàn phụ thuộc vào ý thức chấp hành của các CTCK. Trong ý kiến của kiểm toán viên cũng ghi rõ: “Công tác soát xét bao gồm chủ yếu là việc trao đổi với nhân sự công ty và áp dụng các thủ tục phân tích trên những thông tin tài chính được sử dụng để lập báo cáo tỷ lệ an toàn tài chính; công tác này cung cấp một mức độ đảm bảo thấp hơn công tác kiểm toán”.

Do các CTCK được phép tự tính toán và tự xác định tỷ lệ rủi ro của từng khoản mục, nên việc điều chỉnh số liệu một cách “hợp lý” là điều có thể xảy ra. Đơn cử trường hợp CTCK Liên Việt, trong Báo cáo tỷ lệ an toàn tài chính ghi rõ: Công ty hiện có 1 khoản nợ quá hạn 60 ngày từ hợp tác đầu tư kinh doanh 3 triệu cổ phiếu COTEC, trị giá 32,5 tỷ đồng. Do Công ty đang khởi kiện và chưa có kết luận cuối cùng từ phía các cơ quan chức năng, nên vẫn xác định khoản mục này nằm trong hạn và chỉ ghi nhận tỷ lệ rủi ro là 8%. Trong khi đó, nếu khoản nợ quá hạn 60 ngày sẽ được ghi nhận tỷ lệ rủi ro là 100%. Nếu tính theo tỷ lệ rủi ro tuyệt đối này, tổng giá trị rủi ro của Liên Việt sẽ tăng lên 73,06 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ an toàn vốn khả dụng chỉ đạt 121,19% thay vì 218% như Công ty công bố.

Một số thông tin được các CTCK công bố trong báo cáo này cũng cho thấy việc lập báo cáo chưa thực sự nghiêm túc. Đơn cử như khoản mục tiền mặt và các khoản tương đương (có tỷ lệ rủi ro là 0%) nhưng vẫn bắt buộc phải ghi. Tuy nhiên, nhiều CTCK lại bỏ qua khiến người đọc có thể hiểu lầm là CTCK đang hết tiền! Hay những con số về các khoản cho vay ký quỹ đối với nhà đầu tư cũng thể hiện những con số khá “phi lý”: những CTCK chiếm thị phần lớn, doanh thu từ hoạt động cho vay ký quỹ lớn lại có số dư bằng 0. Liệu có hay không việc CTCK không cho nhà đầu tư vay ký quỹ bất cứ một khoản nào, hay là một thủ thuật để làm đẹp BCTC vào ngày 30/6/2012?

 

Trách nhiệm kiểm soát CTCK kém an toàn

Theo quy định tại Thông tư 226, nếu tỷ lệ an toàn vốn khả dụng dưới 180%, công ty phải có nguồn bổ sung. Ngoài ra, các CTCK này sẽ phải chịu yêu cầu soát xét về tình hình tài chính, đầu tư, công nợ, rút bớt nghiệp vụ môi giới nhằm bảo vệ khách hàng… Trường hợp CTCK có tỷ lệ an toàn vốn khả dụng dưới 120% hoặc không khắc phục được tình trạng kiểm soát trong thời gian quy định thì sẽ bị đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt. Thời hạn kiểm soát đặc biệt không quá 6 tháng, nếu không khắc phục được tình trạng trên và có lỗ lũy kế trên 50% vốn điều lệ, CTCK sẽ bị đình chỉ hoạt động.

Tỷ lệ an toàn vốn khả dụng

Cơ chế giám sát

> 180%

 

Báo cáo định kỳ theo tháng.

< 180%

 

Báo cáo 2 lần/tháng

120 – 150 %

Trong 3 tháng

Kiểm soát, báo cáo hàng tuần

Trong 12 tháng

Kiểm soát đặc biệt, báo cáo hàng ngày

< 120%

 

 

Được biết, hiện có 7 CTCK đang nằm trong diện kiểm soát đặc biệt (Cao su, Vina, Hà Nội, Trường Sơn, Đà Nẵng, Mê kông, Thương mại và Công nghiệp). Như vậy, đã hơn 3 tháng trôi qua kể từ khi Thông tư 226 có hiệu lực (từ 1/4/2012), nhiều khả năng sẽ có thêm một số CTCK sẽ bị đưa vào diện kiểm soát sau khi công bố báo cáo an toàn vốn này.

Việc yêu cầu các CTCK phải công bố Tỷ lệ an toàn vốn khả dụng là một bước tiến trong việc tái cấu trúc thị trường theo hướng minh bạch hơn. Tuy nhiên, công tác hậu kiểm có lẽ mới là quan trọng nhất.