Nghị quyết 18-NQ/TW có một điểm đáng lưu ý là: “Cơ bản thực hiện hình thức cho thuê đất trả tiền hằng năm và quy định cụ thể các trường hợp trả tiền thuê đất một lần, phù hợp với tính chất, mục đích sử dụng đất, bảo đảm nguồn thu ổn định…”. Bà có bình luận gì về điểm này?
Trên thị trường bất động sản khu công nghiệp hiện tồn tại cả 2 hình thức trả tiền thuê đất một lần và hàng năm. Theo nhận định của TNI Holdings Vietnam, hình thức trả tiền thuê đất hàng năm được chủ đầu tư hạ tầng ưa chuộng hơn do giảm bớt các gánh nặng về mặt tài chính đầu tư ban đầu. Trong khi đó, mặc dù đơn giá thuê đất một lần sẽ cao hơn, tuy nhiên các nhà đầu tư thuê lại đất lại ưa chuộng loại hình trả tiền thuê đất một lần do đảm bảo tối đa các quyền cho thuê lại quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất; quyền thế chấp, quyền góp vốn và quyền chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất.
Bà Vũ Thị Thu Hằng. |
Vậy ưu điểm của việc trả tiền hàng năm là gì?
Như đã phân tích ở trên, việc trả tiền hàng năm sẽ giảm bớt các áp lực tài chính đối với chủ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp trong giai đoạn đầu tư ban đầu. Tuy nhiên, lại làm hạn chế các quyền về thế chấp, góp vốn và chuyển nhượng của nhà đầu tư thuê lại đất.
Trong thời gian sắp tới, để gia tăng các lợi thế cạnh tranh và quyền lợi cho nhà đầu tư thuê lại đất, tôi cho rằng, sẽ có nhiều chủ đầu tư hạ tầng áp dụng hình thức cho thuê đất trả tiền một lần hơn nữa.
Quay trở lại với thị trường khu công nghiệp, theo bà, hiện tại đâu là lợi thế cạnh tranh của Việt Nam trong thu hút đầu tư?
Thời gian qua trong lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp, Việt Nam đang nổi lên như một địa chỉ hấp dẫn của khu vực và thế giới, đặc biệt trong làn sóng dịch chuyển đầu tư của các doanh nghiệp Âu - Mỹ do những ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Tôi cho rằng, nền kinh tế giàu phát triển nhanh chóng, sự hội nhập kinh tế sâu rộng, nhân công dồi dào, chính trị ổn định… là những yếu tố quyết định giúp ngành công nghiệp Việt Nam nhận được sự quan tâm lớn từ các nhà đầu tư nước ngoài. Đồng thời, những đổi mới trong lĩnh vực thu hút FDI của các nhà phát triển bất động sản công nghiệp trong nước sẽ góp phần đẩy nhanh quá trình thu hút đầu tư từ Việt Nam.
Cùng với việc thu hút tốt dòng vốn FDI, các doanh nghiệp trong nước cũng đang có nhiều kế hoạch mở rộng sản xuất, đẩy mạnh đầu tư dự án, nhà máy mới. Ảnh: Thành Nguyễn. |
Chúng ta đang nói nhiều đến cơ hội trở thành trung tâm sản xuất mới của khu vực và thế giới, nhưng cơ hội từ sự dịch chuyển chuỗi cung ứng cũng không kéo dài mãi. Theo bà, chúng ta đã thực sự làm tốt công tác chuẩn bị để đón “đại bàng”?
Chúng tôi cho rằng, dù có nhiều lợi thế trong việc hấp dẫn các tập đoàn lớn trên thế giới, nhưng để giữ chân và thu hút nhiều hơn nữa dòng vốn đầu tư chất lượng thì bất động sản công nghiệp Việt Nam cần cải thiện nhiều mặt, đặc biệt là thể chế chính sách thu hút đầu tư; giải pháp quy hoạch đồng bộ hệ thống các khu công nghiệp với sự kết nối hoàn chỉnh về giao thông, giao thương và chuỗi cung ứng. Đây chính là nền tảng vững chắc để vị thế của Việt Nam trên bản đồ công nghiệp thế giới được rõ nét và vững chắc hơn bao giờ hết.
Vậy cần phải thực hiện ngay những giải pháp gì để không bỏ lỡ thời cơ vàng này?
Để đủ năng lực tiếp nhận các nhà đầu tư lớn trên thế giới, Việt Nam cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, trong đó theo tôi cần tập trung vào những nội dung như hành lang pháp lý, quỹ đất và nguồn nhân lực.
Cụ thể, để nhà đầu tư yên tâm đầu tư vào Việt Nam, chúng ta cần tạo hành lang pháp lý thuận lợi, giảm thiểu quy trình thủ tục và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình xin cấp phép đầu tư, cấp phép hoạt động…. Nhà đầu tư cần đảm bảo sự minh bạch, rõ ràng khi tiến hành các hoạt động đầu tư tại Việt Nam.
Còn về quỹ đất sẵn sàng bàn giao, hiện nay, sự phức tạp trong khâu đền bù giải phóng mặt bằng tại các địa phương và khó khăn trong triển khai quy định và chính sách liên quan đang là yếu tố ảnh hưởng rất lớn tới công tác triển khai đầu tư hạ tầng tại các khu công nghiệp và làm ảnh hưởng đến quỹ đất chào cho các nhà đầu tư. Chính vì vậy, cơ quan chính quyền địa phương cần có sự phối hợp chặt chẽ với các chủ đầu tư hạ tầng nhằm tháo gỡ nút thắt này, đảm bảo luôn có quỹ đất sạch, sẵn sàng về pháp lý, về hạ tầng để bàn giao cho các nhà đầu tư.
Cuối cùng là sự chuẩn bị về nguồn nhân lực. Nhân lực là cốt lõi cho sự phát triển, để đủ năng lực tiếp nhận các “đại bàng” lớn và tên tuổi, chúng ta cần đẩy mạnh hơn nữa việc đào tạo, chuẩn bị nguồn nhân lực dồi dào, nâng cao chất lượng và cải thiện năng suất lao động.