Chính phủ đặt nhiều mục tiêu cho dấu mốc thị trường chứng khoán 20 tuổi, một trong những mục tiêu đó là vốn hóa thị trường lên 100% GDP vào 2020. Theo ông, mục tiêu tăng quy mô thị trường như trên có khả thi không và nhà đầu tư có thể trông đợi những doanh nghiệp lớn nào sẽ lên sàn tới đây?
Theo kế hoạch, từ nay tới cuối năm 2020, 93 doanh nghiệp nhà nước sẽ phải hoàn thành cổ phần hóa, trong đó có nhiều tập đoàn, tổng công ty lớn như Tổng công ty Mobifone, Tổng công ty VNPT hay Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn… Bên cạnh đó, kế hoạch thoái vốn nhà nước sau một thời gian triển khai chậm trễ cũng đang được khởi động lại.
Tuy nhiên, một trong những vướng mắc lớn khi triển khai cổ phần hóa và thoái vốn doanh nghiệp hiện nay là vấn đề định giá doanh nghiệp. Tôi cho rằng, giá trị hợp lý của doanh nghiệp là một khái niệm không có sự chính xác tuyệt đối. Nhà nước nên nhìn nhận, những thay đổi của doanh nghiệp sau khi cổ phần hóa sẽ đóng góp nhiều hơn cho ngân sách nhà nước, cho người lao động. Đấy mới là mục tiêu của cổ phần hóa và chuyển đổi mô hình hoạt động.
Hiện Chính phủ đang tháo gỡ những vướng mắc để đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước. Nếu những vướng mắc này được giải quyết kịp thời, lượng hàng hóa cung cấp cho thị trường chứng khoán tăng mạnh mẽ, quy mô thị trường sẽ đạt được kỳ vọng của Chính phủ đề ra.
Đề án tái cấu trúc thị trường chứng khoán đến năm 2020 đặt mục tiêu trong năm này, 3% dân số Việt Nam, tương đương 3 triệu người có tài khoản chứng khoán. Tại BVSC, lượng tài khoản mới mở tăng trưởng như thế nào trong một vài năm gần đây? Có một thời kỳ thị trường chứng khoán thu hút cả những người không hiểu chứng khoán đến mở tài khoản tham gia đầu tư, còn hiện nay thì sao, thưa ông?
Tại BVSC, số tài khoản đầu tư được mở mới vẫn tăng trưởng nhanh trong những năm gần đây. Năm 2017, số lượng tài khoản mở mới tại Công ty tăng 75% so với số tài khoản mở mới năm 2016. Năm 2018, số lượng mở mới tài khoản còn tăng mạnh hơn, đạt 120% so với số tài khoản mở mới năm 2017.
Ông Nhữ Đình Hòa
Sau 19 năm vận hành, thị trường chứng khoán Việt Nam đã phát triển vượt bậc và nhà đầu tư cũng được trang bị thêm nhiều kiến thức, kinh nghiệm. Dù tại những thời điểm thị trường tăng trưởng nóng, cơ hội kiếm tiền dễ dàng, số lượng người mở mới tài khoản đầu tư chứng khoán sẽ tăng mạnh để tận dụng các cơ hội này, nhưng theo đánh giá chủ quan của tôi thì hiểu biết, kiến thức của nhà đầu tư đang tốt lên theo từng năm.
Cách đây 10 năm, mức độ quan tâm của nhà đầu tư tới thị trường, cổ phiếu đơn giản hơn rất nhiều. Còn hiện nay, ngoài việc sử dụng các tiện ích online trên web hay ứng dụng đặt lệnh trên điện thoại của BVSC, nhà đầu tư cũng thường xuyên có những trao đổi, yêu cầu về các báo cáo nhận định thị trường, phân tích cổ phiếu của chúng tôi. Điều này cho thấy sự thay đổi rất lớn trong hiểu biết, cách thức tiếp cận của nhiều nhà đầu tư đối với thị trường chứng khoán.
Dòng vốn ngoại tham gia thị trường chứng khoán Việt Nam thời gian gần đây có phần chững lại. Theo ông, vì sao lại có diễn biến này? Thị trường chứng khoán Việt Nam cần cải thiện những điểm gì để tăng sức hấp dẫn các dòng vốn chuyên nghiệp?
Sáu tháng đầu năm 2019, nhà đầu tư nước ngoài đã thực hiện mua ròng hơn 10.000 tỷ đồng trên thị trường cổ phiếu niêm yết. Con số này có chững lại so với năm 2018.
Tuy nhiên, xét trên phạm vi khu vực thì thị trường Việt Nam vẫn là điểm sáng trong thu hút vốn ngoại. Năm 2019, do bối cảnh thế giới có nhiều biến động khó lường nên nhà đầu tư cũng thận trọng hơn. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp tốt niêm yết đã kín “room” khiến khối ngoại không thể giải ngân được cũng là một phần nguyên nhân khiến dòng vốn ngoại không thể gia tăng mạnh.
Cùng với việc mở “room”, việc đưa thêm nhiều hàng hóa chất lượng, với cấu trúc hấp dẫn ra thị trường sẽ giúp thu hút thêm dòng vốn ngoại. Như câu chuyện bán vốn tại Sabeco mà BVSC đã thực hiện tư vấn thành công, thu hút được 5 tỷ USD trong năm 2017.
Thị trường Việt Nam đang đứng trước cơ hội được nâng hạng lên thị trường mới nổi, việc đáp ứng được các tiêu chí của FTSE và MSCI sẽ giúp Việt Nam thu hút được dòng vốn lớn. Theo tính toán của chúng tôi, số vốn ngoại đầu tư theo chỉ số của hai tổ chức này có thể lên tới gần 3 tỷ USD khi thị trường Việt Nam chính thức được nâng hạng.
6 tháng đầu năm nay, thị trường cổ phiếu phải đối diện với tình trạng thanh khoản giảm mạnh. Dòng tiền chảy ít hơn vào cổ phiếu trên sàn phải chăng vì bị phân tán vào những kênh khác hấp dẫn hơn, như kênh tiết kiệm với lãi suất dài hạn 7 - 8%/năm hay trái phiếu doanh nghiệp với lãi suất 10 - 15%/năm?
Thanh khoản 6 tháng đầu năm nay sụt giảm có phần nguyên nhân là nhà đầu tư giữ tâm lý thận trọng trong việc giải ngân vào cổ phiếu. Bên cạnh đó, sự hấp dẫn của một số kênh khác như trái phiếu doanh nghiệp, gửi tiết kiệm hay kênh vàng khiến dòng tiền từ cổ phiếu có sự chuyển hướng nhất định.
Tuy nhiên, kênh đầu tư cổ phiếu vẫn rất hấp dẫn, chỉ cần xuất hiện cơ hội dòng tiền sẽ nhanh chóng quay trở lại và đây là đặc điểm riêng biệt của thị trường chứng khoán.
Đâu là những giải pháp để vực dậy thanh khoản trên thị trường chứng khoán, theo ông?
Tôi cho rằng, chúng ta cần tiếp tục đảm bảo thị trường phát triển với sự minh bạch, có nhiều biện pháp bảo vệ nhà đầu tư. Bên cạnh đó, việc đưa thêm nhiều hàng hóa có chất lượng lên niêm yết, tạo điều kiện thuận lợi để các quỹ mới gia nhập thị trường sẽ là cơ sở để thị trường chứng khoán phát triển bền vững, thanh khoản ngày càng cao.
Trước mắt, việc đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, bán vốn và đáp ứng được các tiêu chí của FTSE, MSCI sẽ giúp thị trường chứng khoán có thêm nhiều dòng tiền mới, và đây là cơ sở để nhìn thấy khả năng thanh khoản thị trường cải thiện.
Năm 2019, BVSC xây dựng kế hoạch kinh doanh dựa trên giả định VN-Index từ 950 - 990 điểm và giá trị giao dịch trung bình đạt 5.000 tỷ đồng/phiên. Thị trường chứng khoán khó khăn hơn ảnh hưởng như thế nào đến kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm của BVSC? Theo ông, 6 tháng cuối năm nay và xa hơn, năm 2020, thị trường chứng khoán có triển vọng khả quan hơn không?
Trong 6 tháng đầu năm 2019, VN-Index vẫn có mức tăng trưởng 6,43%, tuy nhiên thanh khoản lại giảm mạnh, khi giá trị giao dịch trung bình phiên (của cả 3 sàn) chỉ đạt hơn 4.500 tỷ đồng, giảm 30% so với mức bình quân năm 2018. Mặc dù giá trị giao dịch trên bình diện toàn thị trường có giảm, nhưng nhờ nỗ lực gia tăng thị phần nên doanh thu của hoạt động môi giới của Công ty chỉ bị giảm nhẹ.
Ngoài ra, chúng tôi cũng chủ động nỗ lực trên nhiều mảng hoạt động kinh doanh nên đã hoàn thành 52,77% kế hoạch về doanh thu và 50,11% kế hoạch lợi nhuận sau thuế năm 2019 sau 6 tháng.
Trong nửa cuối năm 2019 và năm 2020, thị trường chứng khoán trong nước dự báo tiếp tục chịu tác động lớn từ các diễn biến bên ngoài, như định hướng điều hành lãi suất của Fed - đây là yếu tố ảnh hưởng khá lớn tới sự phân bổ dòng tiền trên thế giới; chiến tranh thương mại giữa các quốc gia, bối cảnh tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang chậm lại và xa hơn là bầu cử Tổng thống Mỹ.
Tuy nhiên, tôi cho rằng, thị trường Việt Nam đang đón nhận những thông tin tích cực với bối cảnh kinh tế vĩ mô trong nước ổn định, các cơ hội mới mở ra khi EVFTA đã chính thức được ký kết. Bên cạnh đó là khả năng Việt Nam được FTSE chính thức xem xét nâng hạng lên thị trường mới nổi hạng hai trong thời gian tới. Nhờ đó, thị trường chứng khoán sẽ có được diễn biến sôi động hơn trong 6 tháng cuối năm 2019.