Chỉ trong vài ngày qua, thị trường M&A toàn cầu chấn động với thương vụ nhà mạng AT&T công bố kế hoạch mua lại Time Warner với mức giá lên tới hơn 85 tỷ USD, đồng thời các vụ niêm yết cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) có giá trị khổng lồ cũng sẽ được công bố trong tuần này.
Randy Frederick, Giám đốc kinh doanh và giao dịch phái sinh tại Charles Schwab đánh giá: “Tôi cho rằng, các dấu hiệu kể trên là thước đo quan trọng dự báo về những triển vọng tích cực của thị trường. Đây cũng là những nền tảng vững chắc cho sự vận động của TTCK trong những tháng cuối năm”.
Các chỉ số chứng khoán chủ chốt của Mỹ từng xác lập mức kỷ lục trong mùa hè này, song giới đầu tư vẫn đặt nghi vấn về khả năng liệu giá trị cổ phiếu có thể duy trì các mức đỉnh này, nếu không có những tín hiệu tăng trưởng về nền tảng hay không, bởi lẽ, lợi nhuận doanh nghiệp đã giảm liên tiếp trong 4 quý tính tới trước quý III vừa qua, trong khi các hoạt động IPO và M&A nhìn chung cũng không thực sự khởi sắc, thể hiện sự thiếu hụt tiềm năng tăng trưởng cơ hội đầu tư. Vì vậy, 3 dấu hiệu khả quan về lợi nhuận doanh nghiệp, tăng trưởng M&A và IPO trong những tháng cuối năm sẽ giúp cải thiện đáng kể niềm tin và tâm lý của các nhà đầu tư.
Ngoài thương vụ của AT&T, trong tuần qua, Rockwell Collins thông báo, hãng đã đạt thỏa thuận trị giá trên 6 tỷ USD để mua lại B/E Aerospace. Chưa hết, TD Ameritrade cũng cho biết, đã đạt thỏa thuận mua lại Scottrade Financial Services với giá trên 4 tỷ USD, tạo nên một tập đoàn môi giới tài chính hàng đầu nước Mỹ.
“Một thị trường M&A năng động là điều rất tích cực cho thị trường IPO”, Kathleen Smith, Giám đốc quỹ giao dịch tập trung vào thị trường IPO của Renaissance Capital nhận định.
Riêng trên thị trường, công ty vận tải hậu cần và đóng tàu ZTO Express của Trung Quốc dự kiến sẽ tiến hành IPO vào ngày 27/10 tới, với giá trị thương vụ vào khoảng 1,2 tỷ USD, dưới sự bảo trợ của 2 ngân hàng Morgan Stanley và Goldman Sachs.
Giám đốc Smith cho rằng, thương vụ IPO của ZTO có vai trò quan trọng vì giá trị lớn của nó. Đây cũng có thể là một trong những thương vụ IPO lớn nhất trong năm nay. Nhìn chung, thị trường IPO của Trung Quốc đã có màn trình diễn tốt năm 2016, trong bối cảnh giới đầu tư vẫn thể hiện sự quan tâm lớn tới nền kinh tế lớn nhất thế giới và đang tìm kiếm các giá trị tăng trưởng thực sự trên thị trường này.
Giới phân tích cho rằng, nếu xu hướng tăng trưởng IPO và các thương vụ mua lại tiếp diễn, đối tượng được hưởng lợi sẽ là các chi nhánh ngân hàng đầu tư của các tập đoàn ngân hàng lớn, vốn là những nhà trung gian đảm bảo cho thương vụ diễn ra thuận lợi.
Đây là một tín hiệu tích cực trong bối cảnh cổ phiếu nhóm tài chính-ngân hàng vẫn là một trong những khu vực có màn trình diễn tệ nhất trong chỉ số S&P 500 kể từ đầu năm đến nay, nhất là khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vẫn đang trì hoãn tăng lãi suất và hoạt động thị trường vốn đã chậm lại kể từ năm 2015. Các ngân hàng hàng đầu dự kiến sẽ công bố các mức lợi nhuận tốt hơn dự báo trong quý III vừa qua, một phần nhờ doanh thu giao dịch trái phiếu tăng.
Tuy nhiên, các quy định quản lý của chính phủ là những trở ngại đối với các thương vụ M&A mới được công bố và các thỏa thuận trong tương lai. Vụ tập đoàn dược phẩm Pfizer mua lại Allergan với giá trị “siêu khủng” 160 tỷ USD đã đổ vỡ hồi đầu năm nay, sau khi Bộ Tài chính Mỹ công bố các quy định mới nhằm ngăn chặn các vụ sáp nhập doanh nghiệp với mục đích trốn thuế hoặc né thuế. Hệ quả là, cổ phiếu của Pfizer đã giảm mạnh trong năm nay, trong khi cổ phiếu của Allergan cũng đã giảm tới hơn 25%.
Theo số liệu thống kê của Dealogic, tổng giá trị M&A trong năm nay vẫn thấp hơn 20% so với mức tương ứng cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, hoạt động IPO năm nay cũng thấp hơn 48,3% so với năm 2015, theo dữ liệu của Renaissance Capital.