Ông Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT Sacombank cho biết, khác biệt lớn nhất ở Sacombank sau 3 tháng ông lên nắm quyền đó chính là việc thay đổi quy chế, quy trình nội bộ, hàng lang pháp lý. Đồng thời, ngân hàng sắp xếp lại nhân sự.
Bắt đầu từ ngày 2/10, Sacombank áp dụng tổ chức quản lý theo bộ máy nhân sự mới, nhưng không tinh giảm bớt mà chỉ sắp xếp lại nhân sự trên bộ máy cũ. Bên cạnh đó, Sacombank thúc đẩy hoạt động kinh doanh. Hiện nay vấn đề huy động vốn của Sacombank phát triển tốt. Còn hoạt động cho vay được thẩm định một cách kỹ lưỡng, cho vay đúng theo dự án, giải ngân đúng theo mục đích kinh doanh.
Tình hình hoạt động kinh doanh của Sacombank gần 9 tháng đầu năm tăng trưởng ổn định, hầu hết các chỉ tiêu đều bám sát tiến độ kế hoạch. Cụ thể, tính đến ngày 22/9/2017, tổng tài sản đạt gần 360.000 tỷ đồng, tăng 9,3% so với đầu năm.
Tổng tín dụng và nguồn vốn huy động lần lượt đạt gần 221.000 tỷ đồng và hơn 330.700 tỷ đồng, tăng 13,4% và 9,2% so với đầu năm, giúp nâng cao nguồn thu chính của Ngân hàng. Mặt bằng lãi suất cho vay tương đối ổn định, qua đó đáp ứng tốt nhu cầu vốn của nền kinh tế.
Tái cơ cấu danh mục tín dụng và xử lý nợ xấu tiếp tục chuyển biến tích cực. Từ đó đóng góp đáng kể vào lợi nhuận của Sacombank. Kết quả đạt được, lợi nhuận trước thuế lũy kế 9 tháng đầu năm 2017 của ngân hàng Sacombank ước đạt 900 tỷ đồng, còn lợi nhuận hợp nhất là 1.100 tỷ đồng.
Cũng theo ông Minh, đối với vấn đề xử lý nợ xấu, Sacombank phấn đấu trong năm nay sẽ giải quyết, xử lý được khoảng 20.000 tỷ đồng nợ xấu. Từ đầu năm đến nay ngân hàng đã xử lý được 6.000 tỷ đồng và trong thời gian còn lại của năm phấn đấu xử lý thêm khoảng 14.000 tỷ đồng.
Nhờ Nghị quyết 42 của Chính phủ và sự hỗ trợ của VAMC, Chủ tịch Sacombank kỳ vọng mục tiêu này sẽ được thực hiện được trong những tháng còn lại của năm. Từ đó, đề án tái cơ cấu của Sacombank cũng sớm được hoàn thành. Hiện về cơ bản ngân hàng đã phân loại nợ để tiến hành bán cho VAMC, khoản nào được bán theo giá thị trường, tự xử lý theo đề án tái cơ cấu.
Mới đây, Sacombank và VAMC đã ký hợp tác về việc xử lý nợ xấu và tài sản tồn đọng của Sacombank đã bán cho VAMC trên cơ sở các quy định tại Nghị Quyết 42. Sacombank và VAMC sẽ phối hợp chặt chẽ trong việc xây dựng lộ trình và triển khai xử lý nợ cho từng năm, đẩy nhanh công tác xử lý nợ xấu để thu hồi nợ, mục tiêu trước mắt là trong năm 2017 sẽ xử lý và thu hồi nợ từ 15.000 – 20.000 tỷ đồng. Năm 2017, hai bên sẽ xem xét mua bán nợ xấu theo giá thị trường với giá trị tối thiểu 1.000 tỷ đồng.
Đối với các khoản nợ xấu VAMC đã mua bằng trái phiếu đặc biệt, hai bên đánh giá, phân loại nợ để đưa ra các giải pháp phù hợp nhằm triển khai hiệu quả nhất. Sacombank và VAMC cũng đã tiến hành ký hợp đồng mua bán 3 khoản nợ theo giá thị trường với tổng dư nợ hơn 2.580 tỷ đồng, có tài sản đảm bảo là các bất động sản, máy móc thiết bị có giá trị tại Đà Nẵng và TP.HCM.
Nguyên tắc của Sacombank trong bán nợ là bán đấu giá, theo phương thức bán trực tiếp hoặc chào giá dưới sự giám sát của trọng tài kinh tế. Việc bán nợ xấu này cũng phải được bán thật, thu được tiền tươi cho ngân hàng, kể cả bán cho VAMC.
Một mục tiêu khác được ông chủ Ngân hàng Sacombank quán triệt đó chính là quy trình quản lý chi phí rất nghiêm ngặt, nhằm chống thất thoái, lãng phí. Theo ông Minh, trước đây, Sacombank có tình trạng xây dựng cơ sở vật chất lớn, nhưng không sử dụng hết nên sau khi bộ máy lãnh đạo mới lên sẽ rà soát, chấn chỉnh.
Vì thế, Chủ tịch Sacombank ông Dương Công Minh cho hay, trước đây, lợi nhuận Ngân hàng Sacombank làm ra khoảng 100 tỷ đồng/tháng trước thuế. Nhưng kể từ khi bộ máy lãnh đạo mới điều hành thì lợi nhuận trước thuế Sacombank đạt được khoảng 150 tỷ đồng/tháng. Do vậy, khả năng hoàn thành mục tiêu lợi nhuận trước thuế 1.000 tỷ đồng mà ĐHCĐ đưa ra cho năm nay là có cơ sở và sẽ vượt chỉ tiêu.