Thực tế, kể từ đầu năm, nhiều nhà băng đã gia tăng tuyển dụng nhân viên, đáp ứng nhu cầu phát triển tín dụng, nhất là 2 quý giữa năm và đón đầu tín dụng mùa kinh doanh cao điểm của doanh nghiệp cuối năm. Có ngân hàng tuyển gần 5.200 nhân sự trong 9 tháng đầu năm, đó là VPBank. Riêng con số này đã gấp khoảng 5 lần quy mô nhân sự của một vài ngân hàng nhỏ.
Sau 2 - 3 năm mạnh tay tuyển dụng nhân sự, VPBank hiện đang đứng thứ hai toàn hệ thống về quy mô nhân sự, với 22.500 người. Trong số này, có một nửa nhân sự làm việc cho Ngân hàng, còn lại là ở 2 công ty con, tập trung chủ yếu tại công ty tài chính tiêu dùng FE Credit. Bởi lẽ, yêu cầu của một công ty tài chính đòi hỏi lượng nhân sự rất lớn cho việc phát triển tín dụng tiêu dùng cá nhân. Ngoài số lượng cán bộ, nhân viên chính thức, FE Credit còn sử dụng mạng lưới cộng tác viên để phát triển tín dụng.
Nhiều ngân hàng khác như MB, Sacombank, LienVietPostBank… tuyển mới trên 1.000 nhân sự trong 3 quý đầu năm. Tại TPbank, Techcombank,Vietcombank, VIB..., mỗi ngân hàng đã tuyển mới hàng trăm nhân sự, nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của ngân hàng.
Dự báo, nguồn nhân lực ngân hàng sẽ tiếp tục được tăng cường trong thời gian tới, khi gần đây có thêm không ít ngân hàng đăng tin tuyển dụng nhân sự. Chẳng hạn, BIDV thông báo tuyển hơn 700 chỉ tiêu tại các chi nhánh và phòng giao dịch. Vietcombank và VietinBank thông báo tuyển dụng hàng trăm chỉ tiêu làm việc tại chi nhánh và trụ sở chính trong tháng 10 và 11/2017.
Một điểm đáng chú ý trong tuyển dụng nhân sự của ngành ngân hàng thời gian qua là các nhà băng có xu hướng lựa chọn người nước ngoài vào các vị trí chủ chốt, nhất là đối với mảng bán lẻ.
Chẳng hạn, Vietcombank vừa bổ nhiệm ông Thomas William Tobin làm Giám đốc Khối bán lẻ. Với trình độ, kinh nghiệm gần 30 năm trong lĩnh vực tài chính, am hiểu về thị trường Việt Nam, khu vực và thế giới, ông Tobin được kỳ vọng sẽ góp phần mang lại sự phát triển đột phá của mảng bán lẻ. Mục tiêu của Vietcombank là trở thành ngân hàng số 1 Việt Nam về bán lẻ vào năm 2020.
Trước đó, các ngân hàng khác như: VIB, ACB, Eximbank… cũng đã tuyển dụng người từ các ngân hàng nước ngoài vào Ban quản trị nhằm tăng cường quản lý mảng cho vay cá nhân.
Eximbank cho biết, cuối năm ngoái, Ngân hàng đã khởi động dự án “New Eximbank”, đây là dự án tái cấu trúc và chiến lược Eximbank đến năm 2020, nhằm đẩy mạnh hoạt động kinh doanh. Ban quản lý dự án với 2 người đứng đầu đều là Phó tổng giám đốc Eximbank, trong đó có ông Moriwaki Yukata (người Nhật).
Một ngân hàng có thâm niên trong việc sử dụng nguồn nhân lực ngoại phải kể đến là VPBank, ngân hàng này đã trải qua nhiều cuộc cải cách toàn diện, bao gồm cả việc cho phép tới một nửa Ban điều hành là người nước ngoài. Trong đó, tổng giám đốc công ty tài chính tiêu dùng trực thuộc FE Credit chính là cựu lãnh đạo ANZ, Citibank, ông Kalidas Ghose. Dự báo, phân khúc bán lẻ sẽ là động lực tăng trưởng quan trọng nhất của VPBank.
Từ thực tế trên có thể thấy, động lực tăng trưởng chính mà các ngân hàng Việt Nam nhắm đến trong thời gian tới là các khoản vay cá nhân. Các ngân hàng này đang tìm kiếm nhiều hơn nhân viên có kinh nghiệm tại các ngân hàng nước ngoài, nhằm đẩy mạnh các khoản vay tiêu dùng. Điều đó đã được chứng minh qua việc không ít ngân hàng trong nước chạy đua mua lại công ty tài chính và mở rộng hoạt động bán lẻ trong những năm gần đây.
Từ đầu năm đến nay, kết quả hoạt động của ngành ngân hàng dần khởi sắc do tín dụng cải thiện, nợ xấu bắt đầu có đầu ra kể từ khi Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng được ban hành.
Các tổ chức tín dụng vững tin về triển vọng của nền kinh tế, các chính sách điều hành của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước tạo hành lang pháp lý thuận lợi, hỗ trợ cho các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay. Qua đó, hầu hết ngân hàng kỳ vọng đạt và vượt chỉ tiêu lợi nhuận đề ra cho năm 2017 và tiếp tục tăng trưởng trong năm 2018.