Chia sẻ trên được bà Emily Hamblin – Tổng Lãnh sự và Giám đốc Thương mại Vương quốc Anh tại Việt Nam cho biết tại buổi hội thảo trực tuyến “Phụ nữ vươn lên thúc đẩy phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19” do Unilever Việt Nam tổ chức mới đây.
Tuy nhiên, giống như nhiều quốc gia và khu vực, sự bất bình đẳng vẫn tồn tại, phụ nữ có thể phải làm những công việc được trả lương thấp hơn và bấp bênh hơn. Vì vậy, cải thiện bình đẳng giới không những là việc làm đúng đắn và công bằng, mà còn mang lại kết quả tốt đẹp hơn cho các lĩnh vực.
Thông tin tại buổi hội thảo do Unilever Việt Nam phối hợp cùng Cơ quan Liên Hiệp Quốc về Phụ nữ (UN Women), Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, đại sứ quán Vương quốc Anh, ngân hàng Standard Chartered và Facebook tổ chức cũng cho biết, bất bình đẳng giới và phân biệt đối xử đối với phụ nữ và trẻ em gái vẫn là một vấn đề đáng chú ý trên toàn cầu.
Đặc biệt, với bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp từ đầu năm 2020 tới nay, phụ nữ là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi các tác động kinh tế - xã hội của dịch bệnh. Theo số liệu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới 2020, đại dịch khiến cho công cuộc thu hẹp bất bình đẳng giới kéo dài thêm khoảng 36 năm.
Theo bà Elisa Fernandez Saenz – Trưởng đại diện Cơ quan Phụ nữ Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam, đối với lao động nữ, Covid-19 đã tác động nghiêm trọng đến nhóm ngành chính thức, nhiều phụ nữ mất việc làm dẫn đến mất thu nhập.
Theo báo cáo của USAID, 75% doanh nghiệp được khảo sát cho biết, họ đã phải giảm giờ làm, tạm hoãn nhiều hợp đồng, cắt giảm lương, sa thải nhân sự trong những ngành mà phụ nữ là lực lượng chủ yếu…
Tại Việt Nam, phụ nữ cũng chịu nhiều ảnh hưởng do đại dịch, như suy giảm thu nhập, bị hạn chế trong việc tiếp cận các nguồn tài chính hay các dịch vụ xã hội, gặp phải các vấn đề về sức khỏe thể chất lẫn tinh thần… Trong khi đó, họ luôn ở tuyến đầu, là y tá, bác sĩ, điều dưỡng, là nhân viên siêu thị, dịch vụ, là nhân viên môi trường, là công nhân nhà máy, là mẹ, là chị thầm lặng chăm sóc gia đình.
Chính vì vậy, Unilever Việt Nam đã khởi xướng tổ chức buổi hội thảo này với mục tiêu nâng cao nhận thức của cộng đồng về những tác động của đại dịch đến phụ nữ và trẻ em gái.
Đồng thời, thông qua hội thảo truyền cảm hứng đến các tổ chức, doanh nghiệp có cùng tầm nhìn và mục tiêu để cùng chung tay thúc đẩy bình đẳng giới cho phụ nữ và trẻ em gái thông qua 3 nhóm hành động cụ thể.
Một là, đào tạo, nâng cao năng lực về kinh doanh và phát triển kinh tế, tăng cường cơ hội việc làm cho phụ nữ, đặc biệt là khu vực nông thôn, bán thành thị, các tỉnh phía nam đang bị ảnh hưởng nặng nề từ Covid-19; tạo điều kiện tối đa cho phụ nữ tại nơi làm việc;
Hai là, tăng tiếp cận tài chính cho phụ nữ giúp họ khởi động lại doanh nghiệp, cải thiện sinh kế, vay vốn thoát nghèo vượt qua các giai đoạn khó khăn nhất;
Ba là, tăng cường cơ hội truy cập nền tảng số cho phụ nữ.
“Chúng tôi tham vọng sẽ trao quyền, trao cơ hội bình đẳng để phát triển đến 1 triệu phụ nữ Việt Nam trong vòng 5 năm tới với 3 trụ cột chính: Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, Nâng cao vị thế của phụ nữ tại nơi làm việc và phát triển sự nghiệp, và Loại bỏ những định kiến bất lợi làm cản trở sự tiến bộ của phụ nữ”, bà Nguyễn Thị Bích Vân, Chủ tịch Unilever Việt Nam nhấn mạnh về mục tiêu và hành động cụ thể của công ty trong thời gian tới nhằm thúc đẩy trao quyền cho phụ nữ.
“Khá rõ ràng, ngày càng nhiều phụ nữ tốt nghiệp đại học và tham gia vào lực lượng lao động. Số lượng phụ nữ khởi nghiệp kinh doanh ngày càng tăng với những kết quả tích cực. Chúng tôi tin tưởng vào việc hỗ trợ phụ nữ tiếp cận nguồn tài chính dành cho cá nhân và doanh nghiệp, bao gồm hỗ trợ của chúng tôi dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, tài chính nông nghiệp và thương mại.
Chúng tôi cũng đưa ra các sáng kiến đặc biệt tập trung vào giáo dục tài chính và phát triển sự nghiệp dành cho các nhóm dân số ít có tính đại diện, như phụ nữ, trẻ em gái vị thành niên và dân tộc thiểu số để đẩy nhanh sự thay đổi”, bà Michele Wee – Tổng giám đốc Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam chia sẻ.