Chỉ số MSCI Frontier Markets Index đã vượt các chỉ số của thị trường phát triển và thị trường mới nổi từ đầu năm đến nay. Nhà đầu tư đang tìm kiếm những tài sản tăng trưởng và những tài sản giá hời, khi mà xung quanh họ phần lớn tài sản đều đã được phản ánh giá trị đầy đủ.
Tuy nhiên, bất chấp việc các thị trường cận biên ngày càng phổ biến, nhiều nhà đầu tư vẫn tỏ ra quá cẩn thận khi tiếp cận những thị trường này, và chỉ xem đó như yếu tố phụ thêm cho danh mục tài sản tại các thị trường mới nổi của mình. Họ bán một ít cổ phần tại các thị trường mới nổi và mua cổ phiếu tại thị trường cận biên.
Một bài viết trên tờ Market Perspectives với tiêu đề “Đầu tư vào Cận biên” viết: “Các thị trường cận biên không nên đem gộp vào với các thị trường mới nổi, mà thay vào đó, nhóm thị trường này nên được xem như một nhóm tài sản riêng biệt”. Và theo bài viết này, có ba lý do vì sao nhà đầu tư nên cân nhắc một danh mục, dù là nhỏ, tại các thị trường cận biên trong dài hạn.
Đầu tiên là ích lợi của việc đa dạng hóa danh mục. Hai tới ba thập kỷ trước, khi các thị trường mới nổi vẫn đang trong giai đoạn đầu của sự phát triển, cổ phiếu của họ không kết nối với các thị trường phát triển như bây giờ. Nhưng qua khoảng 25 năm, các thị trường mới nổi đã trở nên toàn cầu hóa hơn. Kết quả là những cổ phiếu ở Trung Quốc, hay Brazil giờ đây đã có mối tương quan cao với thị trường cổ phiếu Mỹ và châu Âu - nghĩa là biến động cùng nhịp.
Tại nhiều quốc gia có thị trường cận biên, những ngân hàng trong nước và những doanh nghiệp nông nghiệp gắn rất chặt với nền kinh tế trong nước. Điều đó có nghĩa là cổ phiếu của các thị trường cận biên giờ đây ít tương quan với các thị trường cổ phiếu khác hơn so với các thị trường mới nổi. Nói ngắn gọn, với các thị trường cận biên, tính đa dạng hóa danh mục sẽ cao hơn.
Thứ hai là độ biến động thấp. Cổ phiếu nhìn chung có tính biến động cao và các thị trường cận biên cũng không phải ngoại lệ. Tuy nhiên, lịch sử cho thấy, các thị trường cận biên có độ dao động thấp hơn nhà đầu tư tưởng. Bởi vì các cổ phiếu tại đây ít tương quan với nhau hơn so với các cổ phiếu tại các thị trường mới nổi.
Thứ ba là tăng trưởng nhanh. Các nền kinh tế cận biên dường như luôn sẵn sàng tăng trưởng nhanh hơn cả thị trường phát triển lẫn thị trường mới nổi trong một vài thập kỷ gần đây. Điều đó một phần xuất phát từ yếu tố nhân khẩu học. Theo các dữ liệu từ Liên Hợp quốc, các thị trường cận biên nói chung có dân số trẻ, tăng nhanh, và trong dài hạn, đó là yếu tố tốt cho tăng trưởng kinh tế.
Thêm vào đó, các quốc gia của các thị trường cận biên hiện nay vẫn ở giai đoạn rất sớm của quá trình tăng thu nhập bình quân đầu người. Những quốc gia này có thể áp dụng các công nghệ từ các thị trường lâu đời hơn và sử dụng chúng để thúc đẩy tỷ lệ tăng trưởng của mình.
Tuy nhiên, mặc dù có những ví dụ tốt để chú ý tới các thị trường cận biên, cũng phải thừa nhận rằng, nhóm thị trường này không phải là không có rủi ro. Không chỉ có những rủi ro giống với các thị trường phát triển và mới nổi, mà nhóm thị trường này còn có những rủi ro rất riêng.
Rủi ro biến động chính trị cao hơn, cộng với thực tế là các thị trường cận biên vẫn đang trong giai đoạn ban đầu của sự phát triển, đặc biệt tại lĩnh vực tài chính, tính thanh khoản của các thị trường này rất hạn chế. Tập trung lớn vào cổ phiếu tài chính tại các thị trường này cũng có nghĩa là thị trường sẽ dễ bị tổn thương nếu như ngành ngân hàng toàn cầu suy thoái. Cuối cùng là các thị trường cận biên cũng có thể đi xuống nếu các nhà đầu tư tập trung dòng tiền trở lại cho các thị trường mới nổi.
Có điều chắc chắn là, trong bối cảnh thị trường cận biên đã thể hiện tốt những năm trở lại đây, nhiều nhà đầu tư đang tự hỏi bây giờ là liệu họ có nên cân nhắc đầu tư vào các thị trường này hay không?