Ngày đáo hạn chứng khoán phái sinh là một sự kiện quan trọng trên thị trường phái sinh và có khả năng tác động - chịu tác động từ thị trường chứng khoán cơ sở. Khi tham gia thị trường phái sinh, nhà đầu tư cần phải nắm rõ kế hoạch giao dịch cho ngày đáo hạn để đảm bảo việc đầu tư hiệu quả.
Tại thị trường chứng khoán Việt Nam, ngày đáo hạn phái sinh diễn ra vào thứ Năm tuần thứ 3 trong tháng đáo hạn của hợp đồng. Nếu ngày đáo hạn rơi vào ngày nghỉ lễ, tết thì ngày giao dịch liền trước đó sẽ được tính là ngày đáo hạn. Tháng đáo hạn của hợp đồng tương lai thường là tháng hiện tại, tháng kế tiếp và hai tháng cuối cùng của 2 quý gần nhất.
Ví dụ: Ngày đáo hạn của hợp đồng VN30 tháng 8/2024 là ngày thứ Năm của tuần thứ 3 của tháng đó, tức là ngày 15/08/2024.
Càng đến gần ngày đáo hạn, thị trường sẽ có xu hướng trở nên nhộn nhịp hơn do hoạt động đóng/ mở vị thế sôi động của nhà đầu tư.
Lưu ý với nhà đầu tư không đóng vị thế trước ngày đáo hạn
Nếu nhà đầu tư không chủ động đóng vị thế dù đã kết thúc ngày đáo hạn thì Sở Giao dịch Chứng khoán và hệ thống giao dịch sẽ tự động đóng vị thế, tiến hành thanh toán lãi/lỗ theo đúng mức giá đóng cửa ở chỉ số VN30. Lúc này, hợp đồng sẽ được thanh toán theo giá đóng cửa của chỉ số VN30.
Ví dụ: Nhà đầu tư mua mã hợp đồng tương lai A có ngày đáo hạn là 20/06/2024. Nhà đầu tư đặt lệnh mua hợp đồng giá 1260, giá hợp đồng cuối phiên đóng cửa là 1265, chỉ số VN30 cuối phiên ATC là 1281. Vào ngày đáo hạn, nhà đầu tư chủ động đóng vị thế bằng cách bán hợp đồng, giá bán lúc đó sẽ tính theo giá cuối phiên đóng cửa là 1265. Nhưng nếu Nhà đầu tư không đóng vị thế, hệ thống tự động đóng vị thế và tiến hành thanh toán lãi/ lỗ theo chỉ số VN30 cuối phiên ATC là 1281.
Quản lý vị thế
Quản lý vị thế là một phần quan trọng của chiến lược đầu tư chứng khoán phái sinh. Nhà đầu tư cần quản lý vị thế để chốt lãi, cắt lỗ hiệu quả nhất.
- Đóng vị thế trước đáo hạn: Đây là lựa chọn phổ biến của nhà đầu tư, giúp đảm bảo hợp đồng không bị ảnh hưởng bởi biến động giá cả và tình hình thị trường không ổn định trong ngày đáo hạn.
- Giữ vị thế đến ngày đáo hạn: Nếu nhà đầu tư quyết định tham gia vào ngày đáo hạn, hãy xác định rõ mình muốn mua hoặc bán hợp đồng phái sinh. Quyết định này cần phản ánh dự đoán của nhà đầu tư về sự tăng giảm của thị trường. Nhà đầu tư có thể đặt mức chặn lỗ và lợi nhuận để bảo vệ vị thế của bạn khỏi những biến động không mong muốn.
Tác động từ thị trường cơ sở đến thị trường phái sinh
Thị trường cơ sở có thể ảnh hưởng đến thị trường phái sinh thông qua:
- Biến động giá cơ sở: Giá cơ sở có thể biến động mạnh trong ngày đáo hạn phái sinh. Ví dụ, nếu một cổ phiếu quan trọng trong chỉ số VN30 trải qua sự biến động đáng kể, nó có thể dẫn đến biến động trong giá hợp đồng phái sinh.
- Chuyển động lớn trước giờ đóng cửa: Trước giờ đóng cửa của thị trường cơ sở, các nhà đầu tư “cá mập” thường thực hiện các giao dịch lớn nhằm tạo ảnh hưởng lên giá đóng cửa. Điều này có thể tạo ra áp lực lên chỉ số VN30 và ảnh hưởng đến giá hợp đồng phái sinh.
- Hiện tượngchênh lệch giá (arbitrage): Các nhà đầu tư chuyên nghiệp có thể tận dụng sự chênh lệch giữa giá hợp đồng phái sinh và giá tài sản cơ sở để kiếm lợi nhuận. Trong ngày đáo hạn, họ có thể điều chỉnh vị thế của họ trên thị trường phái sinh để tận dụng cơ hội này.
Tóm lại, ngày đáo hạn phái sinh có thể tạo ra cả cơ hội lẫn rủi ro, vì vậy việc có kế hoạch, phân tích thị trường và nắm bắt thông tin là những yếu tố quan trọng để đảm bảo việc đầu tư hiệu quả.
Trải nghiệm giao dịch chứng khoán phái sinh miễn phí trên AlphaTrading của Pinetree ngay tại đây.