Hội nghị Xây dựng trung tâm tài chính tại Việt Nam cuối tuần qua ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp của các chuyên gia trong và ngoài nước về các khía cạnh xây dựng trung tâm tài chính Việt Nam – không mới trên thế giới nhưng với Việt Nam là bài toán khó và chưa có tiền lệ.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Thị Bích Ngọc nhấn mạnh, việc xây dựng trung tâm tài chính ở Việt Nam cần có bản sắc riêng, khác với bất kỳ quốc gia nào, tận dụng được lợi thế so sánh về kinh tế, xã hội và địa chính trị. Khác với mô hình truyền thống, ưu tiên ứng dụng công nghệ hiện đại ngay như fintech, blockchain, tài chính xanh....
Việt Nam đã hội nhập kinh tế quốc tế mạnh mẽ, đã ký 17 hiệp định thương mại với các đối tác trên thế giới, đây là cơ hội để Việt Nam phát triển các loại hình tài chính đặc thù “trade finance”. Việt Nam cũng có điều kiện thuận lợi để xây dựng trung tâm tài chính dựa trên xuất khẩu hàng nông sản và các mặt hàng truyền thống; có thể xây dựng các sàn giao dịch hàng hoá dựa vào blockchain.
Do vậy, Thứ Trưởng Ngọc cho rằng, cần nghiên cứu để tạo sự khác biệt trung tâm tài chính của Việt Nam và cũng sẽ bổ trợ cho các trung tâm tài chính khác trong khu vực.
![]() |
Việt Nam có trung tâm tài chính, sẽ giúp giảm được chi phí tiếp cận thị trường tài chính, thị trường vốn toàn cầu. Ảnh: Lê Toàn |
Trên quan điểm của thành viên thị trường vốn, ông Phạm Lưu Hưng, Kinh tế trưởng CTCP Chứng khoán SSI chia sẻ, tài chính được hiểu theo nghĩa rộng, sẽ liên quan đến tất cả các hoạt động kinh tế, và đây sẽ nơi có thể cung cấp các dịch vụ tài chính để hỗ trợ hoạt động kinh tế không chỉ ở Việt Nam, mà còn với các nước trong khu vực và trên thế giới. Và việc Việt Nam có trung tâm tài chính, sẽ giúp giảm được chi phí tiếp cận thị trường tài chính, thị trường vốn toàn cầu.
Các unique selling point – khả năng cạnh tranh, để định vị Trung tâm tài chính mà Việt Nam có thể tính đến, chẳng hạn định vị: Quốc gia kết nối (connecting country); Ổn định chính trị và Chính phủ kiến tạo ; Khả năng thích ứng với đổi mới sáng tạo (lợi thế của người đi sau); Trung tâm của tăng trưởng của khu vực (gắn được câu chuyện tăng trưởng 2 con số).
Bà Nguyễn Hoài Thu, Chủ tịch HĐQT Công ty Quản lý quỹ VinaCapital cho biết, cảm thấy vẫn còn nhiều khó khăn, tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài đã bắt đầu giảm vì lo ngại các bất ổn trên toàn cầu. Nếu nhìn về triển vọng dài hạn, dựa trên các yếu tố vĩ mô và các quyết tâm, quyết sách để thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8%/năm – thì Việt Nam được các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá cao về tiềm năng tăng trưởng. Theo đó, xây dựng trung tâm tài chính kỳ vọng sẽ thu hút thêm những quỹ đầu tư – những người chơi mới vào thị trường Việt Nam.
Hiện tại, thị trường quản lý quỹ Việt Nam có hơn 40 đơn vị được cấp phép, đã có nền tảng nhất định về nghiệp vụ quản lý tài sản nhưng để đón vận hội mới, cần tìm kiếm thêm nhân sự tài năng, đầu tư nền tảng công nghệ, và khi có thêm nhiều sản phẩm mới thì hệ thống công ty quản lý quỹ cũng phải thay đổi cho kịp thời.
Theo bà Thu, để các quỹ đầu tư có thể thu hút thêm vốn từ các nhà đầu tư, nên có các điều chỉnh về chính sách thuế, có thêm các sản phẩm mới - " có thể là sản phẩm Token hóa của những sản phẩm tài chính truyền thống, sẽ làm cho các sản phẩm giao dịch dễ dàng và thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài hơn so với trước đây", bà Thu chia sẻ.
3 lĩnh vực Việt Nam có thể phát triển mạnh trong trung tâm tài chính
Dưới góc độ ngân hàng, Tổng giám đốc Techcombank, cho rằng có ba lĩnh vực sản phẩm mà Việt Nam có thể phát triển mạnh.
Thứ nhất là lĩnh vực tài chính xanh. Việt Nam là một trong số ít quốc gia công nghiệp hóa, dẫn đầu về thương mại, có khả năng đáp ứng toàn bộ nhu cầu năng lượng quốc gia bằng năng lượng tái tạo. Dĩ nhiên, để đạt được điều này, Việt Nam sẽ cần một khoản đầu tư khổng lồ vào cơ sở hạ tầng.
Thứ hai là dịch vụ tài chính số. Tại Việt Nam, cứ ba người lại có một người sở hữu tài sản kỹ thuật số hoặc tiền mã hóa. Việt Nam có rất nhiều tiềm năng để phát triển các sản phẩm tài chính số, bao gồm tài sản số thực và mã hóa tài sản cũng như tiền tệ kỹ thuật số. Những nhu cầu thực tiễn sử dụng các công nghệ này sẽ thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực tài chính số.
Thứ ba là tài trợ thương mại - đang phát triển mạnh mẽ và có thể được tư duy lại hoàn toàn nhờ vào công nghệ. Việt Nam sẽ trở thành trung tâm sản xuất thông minh, có hàng loạt khoản đầu tư vào trí tuệ nhân tạo (AI) từ các tập đoàn FDI lớn như Foxconn...
"Chúng ta có thể dễ dàng theo dõi từ dây chuyền lắp ráp Ipad đến khi vận chuyển nhờ vào công nghệ blockchain. Tất cả thông tin tài chính liên quan sẽ được tích hợp hoàn toàn vào chuỗi cung ứng mà không cần bất kỳ thủ tục bổ sung nào", ông Jens nói.
Ba lĩnh vực này đều chưa có một trung tâm tài chính lớn nào thống lĩnh hoàn toàn. Do đó, Tổng giám đốc Techcombank đánh giá Việt Nam có những điều kiện phù hợp, bao gồm nhu cầu thực tế, nhân sự tài năng, và tiềm lực trí tuệ để phát triển ba mảng này.
Trong phần thảo luận và chia sẻ kinh nghiệm về phát triển Trung tâm tài chính trên thế giới, ông Andrew Oldland, Trưởng nhóm công tác về Trung tâm tài chính quốc tế, Tổ chức TheCityUk, cho rằng một trong những điều quan trọng là Việt Nam cần điều chỉnh mô hình xây dựng Trung tâm tài chính cho phù hợp bối cảnh Việt Nam.
Nhóm nghiên cứu của ông đã giúp xây dựng các báo cáo để thực hiện Trung tâm tài chính ở Việt Nam như xây dựng cơ sở hạ tầng, thành lập cơ quan điều hành Trung tâm tài chính, cần có cơ chế điều khiển các dòng tiền tự do... Nhóm công tác cũng đã giúp Việt Nam đánh giá được nền kinh tế khác gì các nền kinh tế đã thành lập Trung tâm tài chính; điểm khác biệt về xu hướng tài chính so với một số quốc gia đã hình thành Trung tâm tài chính, thúc đẩy tài chính xanh như thế nào...
Về thị trường vốn, theo ông Andrew, việc nâng hạng từ thị trường cận biên (Frontier) sang thị trường mới nổi (Emerging) là điều thiết yếu. Việt Nam vẫn còn một số việc cần làm, bao gồm tăng cường tính minh bạch, quy trình đăng ký và thanh toán bù trừ. Bên cạnh đó, sự tham gia của các nhà đầu tư tổ chức vào thị trường vốn vẫn còn hạn chế.
Ông khuyến nghị Việt Nam cần giữ chân các công ty khởi nghiệp và giúp họ dễ dàng tiếp cận nguồn vốn hơn. Với thị trường hàng hóa, đặc biệt là trong lĩnh vực phái sinh, có thể hoạt động hiệu quả hơn.
Các ưu tiên quan trọng khác như tài chính xanh, công nghệ tài chính, Việt Nam có thể cân nhắc. Tuy nhiên, theo ông Andrew, cũng cần bổ sung và phù hợp với những chiến lược quốc gia quan trọng đang được triển khai. Dự án này cần được thực hiện theo từng giai đoạn, một cách cẩn trọng và phù hợp với bối cảnh chính trị - kinh tế của Việt Nam.
Nhiều ý kiến đồng tình rằng, cần cơ chế pháp lý chặt chẽ để đảm bảo an toàn cho các nhà đầu tư khi giao dịch ở trung tâm và tránh những rủi ro khi tranh chấp là điều rất quan trọng.
Ông Iain Frew, Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam cho rằng, khi thành lập trung tâm tài chính quốc tế thì điều đầu tiên quan trọng nhất là khung pháp lý. Xác định có cần thành lập trung tâm trọng tài quốc tế hay tòa án độc lập cho trung tâm này hay không? Kinh nghiệm cho thấy, các trung tâm tài chính khác khi thành lập, họ tổ chức cơ quan này thì hoạt động rất hiệu quả.
Ông Trần Anh Đức, Luật sư thành viên cấp cao A&O Shearman cho biết, toà án là cơ quan chức năng quan trọng ở các trung tâm tài chính quốc tế. Là toà án chuyên biệt xử lý những tranh chấp, bất đồng giữa nhà đầu tư với nhau, giữa nhà đầu tư với cơ quan quản lý, cơ quan nhà nước… Cơ quan giải quyết tranh chấp này phải độc lập. Các chuyên gia, thẩm phán tham gia tòa có người nước ngoài, họ phải am hiểu, áp dụng thông lệ quốc tế.