3 kịch bản kinh tế đều... thận trọng

3 kịch bản kinh tế đều... thận trọng

(ĐTCK) Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội Quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) vừa đưa ra 3 kịch bản tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2013.

Theo ông Lương Văn Khôi, Trưởng nhóm nghiên cứu của Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội Quốc gia, mục tiêu năm 2013 vẫn là tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, làm cơ sở đẩy nhanh tái cấu trúc nền kinh tế, nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh. 

3 kịch bản kinh tế đều... thận trọng ảnh 1

Xuất khẩu được coi là 1 trong rất ít điểm sáng kinh tế năm 2012

Nhóm nghiên cứu đã đưa ra 3 kịch bản tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2013, gồm:

Kịch bản thấp dự báo tăng trưởng GDP ở mức 5% nếu kinh tế thế giới tăng trưởng thấp, nợ công châu Âu chưa có lối thoát, bất ổn chính trị ở Trung Đông, tăng trưởng kinh tế Nhật chưa được cải thiện, kinh tế Mỹ không phục hồi như mong muốn…, làm ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam (chỉ tăng trưởng 12,8%), nhập siêu 2,4%, tỷ lệ vốn đầu tư/GDP chỉ là 29%.

Theo kịch bản 2 - tăng trưởng GDP 5,68%, nếu nợ công châu Âu tìm thấy lối thoát, xung đột địa chính trị thế giới giảm bớt, kinh tế Mỹ phục hồi, tăng trưởng kinh tế Nhật Bản như năm 2012, thương mại toàn cầu tốt hơn năm 2012, FDI vào Việt Nam khả quan hơn, tỷ lệ vốn đầu tư/GDP là 30,5% và tăng trưởng xuất khẩu 14,6%.

Với kịch bản tăng trưởng cao, GDP ở mức 6,34%, nếu nợ công châu Âu được giải quyết cơ bản, kinh tế và thương mại thế giới tăng trưởng khá, còn trong nước khắc phục được tình trạng đình đốn sản xuất - kinh doanh và giải quyết nợ xấu, đón bắt được xu hướng dịch chuyển dòng FDI từ Trung Quốc, Ấn Độ sang ASEAN, tăng trưởng xuất khẩu 16,3%, nhập siêu 6,6%.

Nhóm nghiên cứu nhận định, kịch bản có nhiều khả năng xảy ra nhất là nền kinh tế Việt Nam năm 2013 tăng trưởng GDP đạt mức 5,68%.

Trong khi đó, tại Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013 đã được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ tư thông qua, các chỉ tiêu chủ yếu là tốc độ tăng GDP 5,5%, CPI khoảng 8%, bội chi ngân sách không quá 4,8% GDP, nhập siêu khoảng 8%, xuất khẩu tăng 10%...

Bình luận về các kịch bản tăng trưởng này, các chuyên gia cho rằng, những vấn đề của năm 2012 sẽ còn gây nhiều hệ lụy cho năm tới. Trong đó, nút thắt lớn nhất là nền kinh tế, DN đói vốn mà không thể tiếp nhận vì nợ xấu và hàng tồn kho cao. Các giải pháp gỡ khó phải tập trung vào những nút thắt này. Đầu tư Chứng khoán ghi nhận ý kiến một số chuyên gia kinh tế về diện mạo kinh tế Việt Nam 2013.    

 

 “Xử lý nợ xấu vẫn là vấn đề ưu tiên”

TS. Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia

3 kịch bản kinh tế đều... thận trọng ảnh 2  

Kinh tế Việt Nam đang phục hồi, nhưng rất chậm. Những khó khăn trước mắt sẽ tiếp tục kéo dài sang năm 2013. Do đó, trong năm tới, nền kinh tế nhìn chung vẫn ở trong tình trạng trì trệ, với tốc độ tăng GDP chỉ có thể nhích hơn năm 2012 đôi chút (khoảng 5,5%). Các loại thị trường đều chưa thể khởi sắc; đầu tư chưa thể tăng nhanh và sức mua vẫn tăng chậm. Do nguyên nhân sâu xa của lạm phát từ cơ cấu kinh tế, nên chắc chắn chính sách tài khoá và tiền tệ vẫn chưa thể nới lỏng nhằm thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát. CPI sẽ giữ ở mức tăng như năm 2012. Tóm lại, trong năm 2013, Chính phủ vẫn phải tiếp tục thực hiện các chính sách tài khoá và tiền tệ phục vụ cho mục tiêu ổn định vĩ mô; hỗ trợ một phần thị trường để phục hồi tăng trưởng. Củng cố hệ thống ngân hàng thương mại; xử lý nợ xấu vẫn là vấn đề ưu tiên. Vai trò tác động của Nhà nước sẽ hạn chế, mà thị trường sẽ tự điều tiết.

“Cần thêm các biện pháp kích thích sức mua” 

TS. Phạm Đỗ Chí, Chuyên gia kinh tế

 

3 kịch bản kinh tế đều... thận trọng ảnh 3

Tình trạng bấp bênh của hệ thống ngân hàng với cục nợ xấu lớn chưa được giải quyết sẽ là đe dọa chính cho nền kinh tế, do tình trạng tài chính trung hạn khá ảm đạm gồm các khoản nợ công và tư rất lớn. Món nợ liên hệ đến bất động sản được ước tính lên đến trên 1 triệu tỷ đồng và chưa có lối ra.

Đồng thời, sự khó khăn của nền kinh tế tiếp tục chưa được giải quyết thỏa đáng. Vì thế, để gỡ rối và giúp DN có thể duy trì hoạt động sản xuất - kinh doanh và phát triển, Chính phủ cần có thêm các biện pháp nhằm kích thích sức mua của người dân và các cơ chế để DN dễ dàng tiếp cận được vốn vay. Kích thích sức mua bằng các biện pháp: giảm thuế thu nhập cá nhân, trợ cấp an sinh xã hội, giảm hoặc không thu các khoản phí trong năm 2013, hỗ trợ người thu nhập thấp. Đồng thời, hỗ trợ nông dân, vì nông dân là lực lượng tiêu dùng lớn. Việc hỗ trợ có thể thông qua các biện pháp như hỗ trợ công nghệ, vốn, kết nối với nhà tiêu thụ sản phẩm; cải tổ lại hệ thống tài chính - ngân hàng, cố gắng giảm thêm lãi suất cho vay xuống khoảng dưới 10%/năm để giúp DN tiếp cận vốn dễ dàng hơn và cũng khiến người dân bớt gửi tiết kiệm mà chi tiêu hoặc đầu tư trực tiếp vào nền kinh tế. Bên cạnh đó, Chính phủ cần đưa ra thông điệp điều hành ổn định (mức dự báo lãi suất, lạm phát) nhằm giúp định hướng hành vi kinh tế.

 

 “Giải pháp quan trọng cần thực hiện là đổi mới quản lý đầu tư công”

TS. Nguyễn Đình Cung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương

3 kịch bản kinh tế đều... thận trọng ảnh 4  
Bước sang năm 2013, vấn đề cơ bản của nền kinh tế nằm ở cơ cấu vi mô. Vì vậy, giải pháp quan trọng cần thực hiện là cần đổi mới mạnh mẽ việc quản lý đầu tư công. Ngoài việc đổi mới, định vị lại vai trò của đầu tư nhà nước, xác định danh mục lĩnh vực ưu tiên đầu tư, thì phải thiết lập được cơ chế quản lý đảm bảo các dự án triển khai có hiệu quả cao nhất. Hạn chế và khắc phục lối đầu tư phục vụ nhóm lợi ích; thu hẹp tối đa lối đầu tư mang tính đầu cơ, trục lợi; đầu tư bầy đàn, chạy theo các giá trị ảo, “bong bóng thị trường”.

Việc triển khai thực hiện các công việc nói trên là quá trình trung hạn. Tuy vậy, trước mắt, ngoài ổn định kinh tế vĩ mô, cần tập trung triển khai tái cơ cấu khối DN nhà nước, các ngân hàng thương mại và tái cơ cấu đầu tư công với quy mô và cường độ lớn, để nhanh chóng cải thiện niềm tin của dân chúng và thị trường về một làn sóng cải cách mới. Cụ thể, loại bỏ cơ chế xin - cho, cơ chế tạo nên sự không minh bạch trong tiếp cận các nguồn lực và cơ hội kinh doanh; phải thay đổi tư duy về vai trò của DN nhà nước bằng cách đổi mới cách thức quản trị loại hình DN này.

Trong đó, phải hạn chế và kiểm soát có hiệu quả nguy cơ lạm dụng vị thế độc quyền hoặc vị thế thống lĩnh thị trường để trục lợi, tạo nên bất bình đẳng về quyền, cơ hội kinh doanh và thiệt hại về lợi ích đối với các DN thuộc thành phần kinh tế khác.

 

“Phải coi phá băng tín dụng là ưu tiên số 1”

TS. Lê Đăng Doanh, Chuyên gia kinh tế

 

3 kịch bản kinh tế đều... thận trọng ảnh 5

Kinh tế Việt Nam đang rơi vào tình trạng đóng băng tín dụng rất nguy hiểm. Đây là căn bệnh gây ra “cái chết” cho bất kỳ một nền kinh tế nào. Chỉ cần căn bệnh này kéo dài một năm, đã có thể khiến nền kinh tế rơi vào tình trạng suy sụp và phải tốn rất nhiều thời gian lẫn tiền của mới có thể phục hồi. Điều này phần nào được thể hiện trong năm 2012, khi nền sản xuất nước ta rơi vào tình trạng đình đốn; DN giải thể, phá sản hàng loạt…

Để tránh tình trạng đóng băng tín dụng, gây thêm những hậu quả nặng nề hơn cho nền kinh tế, năm 2013, Chính phủ cần coi phá băng tín dụng là ưu tiên số 1 và cần gấp rút triển khai ngay từ bây giờ. Việc sớm châm ngòi cho “điểm nổ” này, sẽ tạo ra hiệu ứng khôi phục sản xuất, kích thích tiêu dùng. Trong bối cảnh nguồn lực đầu tư từ Nhà nước hạn hẹp, việc phá băng tín dụng cần ưu tiên trước hết cho khu vực DN nhỏ và vừa có năng lực hoạt động, thị trường tốt; hoạt động bài bản. Điều này không chỉ giải quyết công ăn việc làm cho nhiều lao động, mà còn góp phần giúp họ dần nâng cao thu nhập, qua đó khôi phục sức cầu của nền kinh tế.