Giá dầu giảm có lợi cho nền kinh tế
Theo TS. Lương Văn Khôi, Trưởng ban Kinh tế thế giới của NCIF, tới thời điểm này, mọi dự báo về giá dầu của các tổ chức trong và ngoài nước hầu như đều sai.
“Thực tế, giá dầu thô thế giới giảm mạnh và sâu hơn rất nhiều so các dự báo trước đó”, TS. Khôi nói. Đây cũng là cơ sở để ông Khôi cùng nhóm nghiên cứu của NCIF tiếp tục đưa ra các kịch bản về giá dầu dựa trên kết quả chạy mô hình kinh tế lượng toàn cầu NiGEM, do Viện Nghiên cứu kinh tế và xã hội Vương quốc Anh xây dựng và hiện đang được trên 60 nước sử dụng.
Về 3 kịch bản giá dầu mới được đưa ra theo mô hình NiGEM, ông Khôi cho biết, đây là các kịch bản được xây dựng trên giả định giá dầu thế giới giảm ở 3 mức: còn 50 USD/thùng, 40 USD/thùng và 30 USD/thùng vào năm 2015 và sau đó có thể phục hồi lên mức 75 - 80 USD/thùng vào các năm tiếp theo theo dự báo của cơ quan thông tin năng lượng Mỹ (EIA). Cụ thể, theo ông Khôi, nếu giá dầu thô thế giới còn 50 USD/thùng, NSNN sẽ hụt thu 6.656 tỷ đồng; nếu giá dầu 40 USD/thùng, thu NSNN mất 7.643 tỷ đồng. Nếu giá dầu xuống 30 USD/thùng, ngân sách sẽ hụt thu hơn 8.663 tỷ đồng. Cùng với đó, dự trữ ngoại hối của Việt Nam sẽ mất từ 1,04 -1,45 tỷ USD. Tuy nhiên, điều đáng chú ý ở các kịch bản này là khi giá dầu giảm 10 USD/thùng từ 50 USD xuống còn 40 USD/thùng thì mặc dù mức thu thuế của Chính phủ bị hụt đi khoảng 1.000 tỷ đồng, song GDP lại tăng thêm 0,13 điểm phần trăm, tương đương tăng 0,61 điểm phần trăm. Ở kịch bản giá dầu giảm xuống mức thấp nhất là 30 USD/thùng, theo tính toán của ông Khôi và nhóm nghiên cứu, tuy mức thu thuế của Chính phủ có thể giảm gần 8.700 tỷ đồng, nhưng GDP lại tăng thêm 0,75 điểm phần trăm so với kịch bản không có cú sốc giá dầu thế giới giảm.
“Việt Nam là nước phải nhập gần 70% xăng dầu thành phẩm, đáp ứng nhu cầu trong nước. Trong cả 3 kịch bản giá dầu thô kể trên, GDP đều tăng đáng kể. Giá dầu giảm, nền kinh tế Việt Nam cũng không bị ảnh hưởng quá tiêu cực như dư luận lo ngại thời gian qua, dù ngân sách hụt thu, nhưng đổi lại sản xuất sẽ được kích thích”, TS. Khôi nói.
Để bù phần hụt thu ngân sách do giá dầu giảm, TS. Khôi và nhóm nghiên đưa ra hai biện pháp chính là giảm lãi suất cho vay và tăng thuế giá trị gia tăng (VAT). Theo đó, nếu lãi suất cho vay giảm 1%/năm ở kịch bản giá dầu thô là 50 USD/thùng, phần hụt thu ngân sách giảm một nửa còn 3.137 tỷ đồng; nếu giá dầu thô 40 USD/thùng, mức hụt thu ngân sách giảm xuống còn 4.160 tỷ đồng. Với kịch bản giá dầu thô 30 USD/thùng, ngân sách hụt còn 5.228 tỷ đồng. Với giải pháp tăng thuế VAT thêm 1% so với hiện nay, ngân sách sẽ tăng thu 3.537 tỷ đồng ở kịch bản giá dầu thô 50 USD/thùng; ngân sách tăng thêm 2.502 tỷ đồng với giá dầu thô 40 USD/thùng và tăng 1.437 tỷ đồng, nếu giá dầu thô còn 30 USD/thùng.
Không thể chỉ tính bù thu cho ngân sách
Theo nhận định của TS. Nguyễn Ngọc Tuyến, Viện trưởng Viện Kinh tế-Tài chính, trong vòng 2 năm tới, giá dầu thô thế giới hầu như sẽ chỉ duy trì ở mức 50-60 USD/thùng và khó có thể lên mức 70 USD/thùng như dự báo của một số tổ chức. Cũng theo ông Tuyến, hiện nay, mỗi năm, Việt Nam xuất khẩu khoảng 8,5 triệu tấn dầu thô, nhưng đồng thời cũng nhập về 7-8 triệu tấn xăng dầu thành phẩm.
“Hiện thuế nhập khẩu xăng dầu khoảng 30%, ngoài ra còn thuế VAT, thuế môi trường, nguồn thu từ những khoản này đóng góp vào ngân sách không hề nhỏ. Khi xem xét về giá dầu thô, chúng ta phải đánh giá hai chiều. Hơn nữa, ngân sách hụt thu 3.000 - 4.000 tỷ đồng từ dầu thô cũng chưa ảnh hưởng gì nhiều”, ông Tuyến nói. Do đó, ông Tuyến không đồng tình với đề xuất tăng thuế VAT để bù phần hụt thu ngân sách do giá dầu giảm. Mặt khác, theo ông Tuyến, việc đề xuất Bộ Tài chính tăng 1% thuế VAT là không khả thi vì không thể tăng thuế và luật thuế đã quy định rồi, nên đề nghị chỉnh thuế suất là không được.
Đồng tình với quan điểm này, chuyên gia kinh tế, TS. Lưu Bích Hồ cũng cho rằng, hụt thu ngân sách từ giá dầu thô giảm không đáng lo ngại lắm, có thể bù thu từ việc giảm chi tiêu nhiều khoản khác. Ông Hồ nêu ví dụ điển hình là ngành giao thông năm 2014 mới tiến hành rà soát 25 dự án đã tiết kiệm được hơn 5.200 tỷ đồng.
“Do đó, nếu chỉ tính hụt thu ngân sách từ giá dầu thô rồi đòi tăng thuế trong nước là không hợp lý. Đặc biệt, khi doanh nghiệp đang rất khó khăn, chúng ta kêu gọi ngân hàng giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp. Giờ lại tăng thuế, khiến doanh nghiệp đã khó càng thêm khó. Thu ngân sách cần theo hướng khoan sức dân, không phải nhân lúc này để siết sức dân”, TS. Hồ nói.
Ông Hồ mạnh dạn nêu quan điểm rằng, giá dầu giảm lúc này cũng là cơ hội và áp lực rất tốt để Việt Nam thực hiện mạnh mẽ việc cơ cấu lại nền kinh tế, tạo nguồn thu bền vững từ tăng năng suất lao động, cải thiện công nghệ, thay vì đào tài nguyên để bán.
Ngoài ra, TS. Hồ cũng đề nghị cần xem lại tác động lan tỏa một cách thiết thực và mạnh hơn từ giá dầu giảm đối với nền kinh tế, thể hiện ở việc giảm cước vận tải, nguyên liệu đầu vào. Đặc biệt, những tháng qua, dù giá dầu giảm nhưng tác động lan tỏa tới nền kinh tế rất chậm và ít.