3 giải pháp lớn cho Thị trường chứng khoán năm 2015

3 giải pháp lớn cho Thị trường chứng khoán năm 2015

(ĐTCK) Trên nền của những kết quả mà TTCK đạt được trong năm 2014, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) có kế hoạch triển khai 3 nhóm giải pháp lớn, nhằm tiếp tục thúc đẩy TTCK phát triển hiệu quả hơn trong năm 2015.

Vốn hóa thị trường tăng gần 22%

Nhìn lại kết quả hoạt động của TTCK trong năm 2014, UBCK đánh giá thị trường đã có diễn biến khả quan. Tính đến ngày 8/12, chỉ số VN-Index đạt 571,68 điểm, chỉ số HNX-Index đạt 87,17 điểm, lần lượt tăng 13,3% và 28,5% so với cuối năm 2013; tổng giá trị niêm yết cổ phiếu, chứng chỉ quỹ là 425.000 tỷ đồng, tăng 19% so với năm trước.

Hiện mức vốn hóa thị trường đạt khoảng 1.156.000 tỷ đồng, tăng 21,77% so với năm 2013 và tương đương 32,24% GDP. Tổng giá trị huy động vốn qua TTCK năm 2014 ước đạt 237.000 tỷ đồng, tăng 6% so với năm 2013 và đóng góp 27,1% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, trong đó, tổng giá trị huy động qua phát hành trái phiếu chính phủ ước đạt 214.000 tỷ đồng, chiếm 90% tổng giá trị vốn huy động và gần tương đương mức huy động vốn kỷ lục trong năm 2013.

Ngoài triển khai sản phẩm ETF (hai quỹ ra đời trong năm 2014), cơ quan quản lý đang tích cực nghiên cứu để có thể sớm triển khai thí điểm quỹ hưu trí tự nguyện, quỹ hưu trí bổ sung. Trên cơ sở Đề án xây dựng và phát triển TTCK phái sinh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ Tài chính đã hoàn thiện dự thảo Nghị định về chứng khoán phái sinh và TTCK phái sinh để trình Chính phủ trong tháng 12/2014. Đây là bước tiến quan trọng trong tạo hành lang pháp lý cho triển khai các sản phẩm mới, tạo ra công cụ phòng ngừa rủi ro cho NĐT, tăng sức hấp dẫn cũng như góp phần đưa TTCK phát triển ở tầm cao mới.

Việc tái cấu trúc tổ chức kinh doanh chứng khoán, trong năm qua, đã được thúc đẩy, trên cơ sở đó, tiến hành xử lý theo hướng hợp nhất, sáp nhập, giải thể CTCK. Tính đến tháng 9/2014, đã có 20 CTCK chấm dứt và đình chỉ hoạt động, giải thể, hợp nhất, giảm số CTCK thua lỗ từ 60% xuống còn dưới 20%. UBCK cũng đã thực hiện đánh giá, xếp loại các CTCK dựa trên quy chế CAMEL. Theo đó, đã phân loại các CTCK thành các nhóm A, B, C, D, E, để có phương án theo dõi, xử lý đối với từng nhóm và tiến hành kiểm tra đối với các CTCK nằm trong nhóm D, E để tiếp tục tái cấu trúc trong thời gian tới...

3 nhóm giải pháp

UBCK thẳng thắn nhìn nhận, các giải pháp phát triển TTCK được đưa ra từ đầu năm 2014 vẫn chưa được triển khai đồng bộ, nhiều giải pháp vẫn đang trong quá trình nghiên cứu, soạn thảo như: tăng tỷ lệ sở hữu cho NĐT nước ngoài, phát hành cổ phiếu dưới mệnh giá, chế độ kế toán cho các loại hình quỹ mới…

Để thúc đẩy TTCK tiếp tục phát triển ổn định, bền vững, thu hút NĐT, trong đó có NĐT nước ngoài, UBCK đưa ra 3 nhóm giải pháp lớn triển khai trong năm tới.

Thứ nhất, nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm cho TTCK thông qua xây dựng cơ chế phát hành cổ phiếu dưới mệnh giá; giám sát xử lý các DN chào bán cổ phiếu ra công chúng không đưa cổ phiếu vào giao dịch trong vòng một năm; khuyến khích DN cung cấp thông tin bằng tiếng Anh và xây dựng báo cáo phát triển bền vững; xây dựng cơ chế và lộ trình thực hiện quản trị rủi ro cho các công ty niêm yết; hoàn chỉnh pháp lý để sớm đưa vào vận hành các sản phẩm cơ cấu; xây dựng pháp lý, hệ thống công nghệ thông tin và các hệ thống phụ trợ để sớm đưa các sản phẩm phái sinh vào hoạt động.

Thứ hai, kích cầu và khơi thông dòng vốn trên cơ sở triển khai nâng hạng TTCK Việt Nam trên bảng MSCI; nâng tỷ lệ cổ phiếu tự do chuyển nhượng tại các DN niêm yết có sở hữu nhà nước; rà soát, điều chỉnh và có cơ chế kiểm soát vốn từ ngân hàng sang TTCK, để đảm bảo an toàn hệ thống, hạn chế sở hữu chéo giữa các định chế ngân hàng và chứng khoán, bảo hiểm, đặc biệt trong mô hình mẹ - con; nâng cao ý thức công bố thông tin của các DN và NĐT thông qua đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật về chứng khoán...; phát triển các định chế đầu tư chuyên nghiệp và xây dựng các quy định về xếp hạng tín nhiệm, thiết lập tổ chức định mức tín nhiệm của Việt Nam; nghiên cứu xây dựng Quỹ bảo vệ NĐT trong trường hợp các tổ chức trung gian tài chính giải thể, phá sản để đảm bảo tài sản cho NĐT; xây dựng các chuẩn mực kế toán và chế độ kế toán áp dụng cho các loại hình sản phẩm mới, chẳng hạn như cho phép các sản phẩm phái sinh được hạch toán theo giá thị trường; tham gia đầy đủ các nguyên tắc của Tổ chức quốc tế các ủy ban chứng khoán (IOSCO) mà Việt Nam là thành viên, cũng như các tổ chức quốc tế khác về TTCK; phối hợp với các tổ chức quốc tế để tổ chức các diễn đàn đầu tư tại Việt Nam và nước ngoài, qua đó xúc tiến và thu hút vốn đầu tư nước ngoài.

Thứ ba, tái cấu trúc các tổ chức kinh doanh chứng khoán, hiện đại hóa cấu trúc thị trường theo hướng tiếp tục hợp nhất, giải thể, phá sản các CTCK yếu kém, thua lỗ dựa trên nền tảng các chỉ tiêu an toàn tài chính; cho phép tổ chức kinh doanh chứng khoán nước ngoài mua để sở hữu đến 100% CTCK trong nước; hợp nhất các Sở GDCK và phát triển, phân định các khu vực thị trường: thị trường cổ phiếu, thị trường trái phiếu và hình thành thị trường sản phẩm phái sinh...; nghiên cứu hệ thống vay/cho vay chứng khoán, để phục vụ thanh toán bù trừ; xây dựng hệ thống phục vụ các sản phẩm phái sinh…

Không khó nhận ra trong 3 nhóm giải pháp trên, thì rất nhiều giải pháp đã được cơ quan quản lý nêu ra từ lâu, nhưng đến nay vẫn chưa thành hiện thực. Bởi vậy, điều các thành viên thị trường mong đợi là sẽ có bước đột phá trong triển khai các giải pháp phát triển TTCK trong năm 2015 theo hướng: số lượng các giải pháp nêu ra có thể không nhiều, nhưng được triển khai rốt ráo, qua đó tạo ra những tác động tích cực đến thị trường, thay vì nêu ra nhiều giải pháp, nhưng lại “nợ” quá lâu việc ban hành và tổ chức triển khai.

Tin bài liên quan