3 điều khối ngoại sẽ đặc biệt chú ý năm 2023

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Dù thị trường chứng khoán Việt Nam được các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá cao và còn nhiều tiềm năng tăng trưởng, nhưng có một số điều mà khối ngoại sẽ quan sát rất kỹ trong năm 2023, bao gồm cả vấn đề thanh khoản. 

Có một thực tế khá thú vị, năm 2022 thị trường chứng khoán Việt Nam dù được đánh giá là chịu tác động từ những biến động kinh tế quốc tế, nhưng VN-Index lại không có sự song hành với thị trường chứng khoán quốc tế, khi giảm điểm mạnh nhất thế giới.

Tại Talkshow Chọn Danh mục kỳ 9 với chủ đề: Nhận diện biến số năm 2023 sáng ngày 23/12, bà Hoàng Việt Phương, Giám đốc SSI Research lý giải, các yếu tố nội tại của thị trường Việt Nam gần đây xuất phát từ bất cập của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản, mà hai thị trường này có mối liên hệ khá chặt với hệ thống ngân hàng nên đã có tác động khá lớn đến nền kinh tế. Do đó, nhà đầu tư cần xác định vấn đề của thị trường này đang nằm ở đâu.

Đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp, trong 3 năm vừa qua, khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp lớn đến từ các doanh nghiệp bất động sản, đơn cử như năm 2021, có 44% lượng phát hành đến từ bất động sản, cao hơn cả khối ngân hàng. Trong khi đó, hiện tại thị trường bất động sản đang bị ảnh hưởng bởi mức lãi suất cao, như mức lãi suất cho vay mua nhà khoảng 13%, không kích thích được nhu cầu của người đi mua nhà.

Chính vì vậy, trong năm 2023, quan điểm của SSI Research là lãi suất có khả năng hạ nhiệt, tuy nhiên nhà đầu tư cần chờ thêm rằng mức lãi suất đó hạ liệu có đủ hấp dẫn kích thích nhu cầu trên thị trường bất động sản hay không. Ngoài ra, việc đáo hạn trái phiếu tạo ra các áp lực trong năm 2023, thị trường cần chờ thêm dự thảo sửa đổi Nghị định 65 được thông qua giúp giảm nhẹ những áp lực này.

“Tôi cho rằng những yếu tố nội tại năm 2023 đối với thị trường sẽ dễ thở hơn năm 2022, chủ yếu là những khó khăn này phản ánh khá nhiều vào thị trường. Tuy nhiên, thị trường có thể vẫn “gập ghềnh” do những vấn đề tôi vừa nhắc đến”, bà Hoàng Việt Phương lưu ý.

Talkshow Chọn Danh mục kỳ 9 với chủ đề: Nhận diện biến số năm 2023.

Talkshow Chọn Danh mục kỳ 9 với chủ đề: Nhận diện biến số năm 2023.

Với tư cách là một quỹ có sản phẩm niêm yết quốc tế cũng như huy động vốn ngoại lớn, bà Nguyễn Hoài Phương, Giám đốc Đầu tư, Người điều hành Quỹ Đầu tư Cổ phiếu Tiếp cận Thị trường Việt Nam (VESAF), VinaCapital cho biết, nhà đầu tư ngoại từ trước nay luôn đánh giá cao tiềm năng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong dài hạn, dựa trên những lợi thế cạnh tranh đặc trưng của Việt Nam so với các nước lân cận.

Những lợi thế mà bà Phương liệt kê bao gồm: dân số năng động (đông dân nhưng tỷ lệ tham gia lao động nữ cao, dư địa đô thị hóa, vay nợ hộ gia đình ở mức thấp), khả năng thu hút FDI,… những yếu tố hấp dẫn này vẫn còn nguyên ngay cả trong giai đoạn khó khăn vừa rồi. Kể cả những nút nghẽn như hạ tầng chưa phát triển, hay năng suất lao động chưa cao cũng được cho là dư địa cho kinh tế Việt Nam.

Thị trường chứng khoán dựa trên tiềm năng tăng trưởng kinh tế dài hạn cũng sẽ tăng trưởng mạnh mẽ. Bà Phương lấy dẫn chứng, vốn hóa thị trường chứng khoán Việt Nam mới chiếm 60% GDP (so với thị trường Đài Loan (Trung Quốc) là trên 260%, Thái Lan trên 110%, Hàn Quốc 120% và Ấn Độ 125%), số lượng và chất lượng nhà đầu tư cá nhân tham gia thị trường sẽ tăng. Quy mô thị trường và chất lượng nhà đầu tư thay đổi sẽ làm thị trường tăng trưởng bền vững và bớt biến động hơn.

“Cho nên những biến động trên thị trường chứng khoán Việt Nam vừa rồi do tác động vĩ mô thế giới, cũng như từ Việt Nam là rủi ro ngắn hạn. Nhà đầu tư nước ngoài xem đó là cơ hội để tăng giải ngân ở thị trường Việt Nam ở một mức giá hấp dẫn, gần như có một không hai trong lịch sử”, chuyên gia VinaCapital thông tin.

Bà Hoài Phương nói thêm, nhà đầu tư nước ngoài hiện đang quan tâm chủ yếu đến tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam ra sao trong năm 2023 trong bối cảnh kinh tế thế giới chậm lại và nguy cơ suy thoái. Song song đó, khối ngoại sẽ chú ý đến cả sức tiêu dùng của người dân Việt Nam có thay đổi nào trong bối cảnh lãi suất cao, cùng với thanh khoản ngân hàng và chất lượng tài sản thay đổi ra sao khi thị trường đang chậm lại.

Tin bài liên quan