3 cổ phiếu dầu khí được gợi ý nên xem xét

3 cổ phiếu dầu khí được gợi ý nên xem xét

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thị trường đang có bất ổn, việc tìm kiếm cơ hội đầu tư trong giai đoạn tới phải cân nhắc và cần các tiêu chí kỹ lưỡng hơn. Trong đó, nhóm dầu khí sẽ sáng cửa giai đoạn tới với một vài mã nên quan tâm là BSR, PLX, PVS.

3 cổ phiếu dầu khí sáng cửa

Tại chương trình Market talk của VDSC chiều ngày 15/7, ông Trần Trung Hiếu, Chuyên viên tư vấn đầu tư khách hàng cá nhân VDSC đánh giá, giá dầu sau giai đoạn tăng cuối tháng 6, đầu tháng 7 về các lo ngại từ bão Beryl, đã điều chỉnh trở lại quanh vùng giá 85 – 86 USD/thùng.

Nhìn về mặt kỹ thuật, giá dầu Brent đang nỗ lực giữ lại vùng giá 84 USD trong vùng biến động từ 81 - 84 USD/thùng. Theo nhiều nhận định, giá dầu nếu vượt qua được vùng này sẽ mở ra xu hướng tăng.

“Với tình hình hiện tại, có khả năng giá dầu thời gian tới có thể cao hơn mức trung bình là 86 USD/thùng”, ông Hiếu nói.

Tuy nhiên, nhóm cổ phiếu dầu khí chưa có sự tăng giá đáng kể trong thời gian qua, ngoại trừ một vài cái tên có sự tăng giá bứt phá thời gian gần đây như BSR, PLX, manh nha GAS có khả năng sẽ xu hướng tăng trong ngắn hạn. Ngoài ra, nhóm vận tải dầu khí cũng có sự bùng nổ trong thời gian 2 – 3 tháng trở lại như PVT, VOS, PVP.

Về góc nhìn thị trường, chuyên gia VDSC nhận thấy thị trường đang có bất ổn, nên việc tìm kiếm cơ hội đầu tư trong giai đoạn tới phải cân nhắc và cần các tiêu chí kỹ lưỡng hơn. Trong đó, nhóm dầu khí sẽ sáng cửa giai đoạn tới với một vài mã nên quan tâm là BSR, PLX, PVS.

BSR đã vượt được vùng cản quanh giá 20 trong thời gian khá dài, nhưng gần đây có tín hiệu break cao khỏi vùng kháng cự này. Kết hợp TA (kỹ thuật) và FA (cơ bản), nhìn đồ thị kỹ thuật ngày, những gì xấu nhất của BSR đã xuất hiện vào cuối tháng 4 do dự báo kết quả kinh doanh quý II khá ảm đạm (bảo dưỡng nhà máy). Cổ phiếu sau khi giảm sốc đã phục hồi tích cực hơn những gì nhà đầu tư kỳ vọng, khối lượng cũng bùng nổ, sau đó có sự tiệm cận vùng giá 24.

Tương tự với PLX, về dài hạn cổ phiếu thoát khỏi vùng cản mạnh ở vùng giá 40, sau đó có nhịp tăng. Nhà tạo lập chọn bước đi khá chắc chắn khi sideway trong một tháng, thanh khoản thu hẹp dần sau đó có những phiên bứt tốc cùng với các thông tin các lãnh đạo đưa ra thay đổi giá xăng dầu. Mục tiêu tiếp theo của PLX sẽ là 52.

PVS cũng là một sự lựa chọn khi được hưởng lợi từ Lô B – Ô Môn, nhưng về mặt kỹ thuật thì kém sắc hơn PLX và BSR. Vì PVS nằm ở HNX nên những biến động ngày không tốt, nhưng nếu nhìn chart đường thẳng thì vùng giá quanh vùng 43 là vùng hỗ trợ của PVS trong suốt giai đoạn thị trường rung lắc. Còn hiện tại, cổ phiếu đang mất đi vùng hỗ trợ này, và nó trở thành vùng cản cho sự phục hồi 2 - 3 phiên gần đây, trong ngắn hạn PVS có thể có nhịp điều chỉnh sâu hơn, về vùng quanh 40. Điểm đảo chiều sẽ là vùng 43,5 – 44 để cổ phiếu đi lên trong ngắn hạn.

Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư quan tâm, tuần này là đáo hạn phái sinh, cùng với thanh khoản thấp, có thích hợp để mở vị thế với nhóm ngành dầu khí?

Ông Hiếu lưu ý, dù 3 phiếu nên xem xét là BSR, PLX và PVS, nhưng tuần này đáo hạn phái sinh thì việc mở mới vị thế, tức vào phiên hôm nay (16/7) và ngày mai sẽ khá rủi ro.

Bên cạnh đó, thanh khoản suy yếu trong thời gian gần đây cũng là điểm nhà đầu tư cần lưu ý về diễn biến thị trường. Mốc 1.750 điểm và giá đóng cửa phiên đầu tuần 15/7 (1.279,8 điểm) quá sát nhau, chưa đem đến sự tin cậy về mặt chỉ số và mặt thời gian cũng chưa đồng thuận, nên để giải ngân vào các cổ phiếu dầu khí nói riêng và các cổ phiếu nói chung thì cần có sự thận trọng hơn.

Ngoài 3 cổ phiếu trên, PVD cũng là cái tên được chú ý. Theo bà Lê Kim Ngân, Chuyên viên Phân tích và Tư vấn đầu tư VDSC, giá dầu neo cao thời gian dài đã thúc đẩy các hoạt động khoan và thăm dò, khai thác tại Đông Nam Á, nhờ đó giá thuê giàn hiện tại gần như lập đỉnh, thậm chí các giàn của PVD đều ký được hợp đồng cố định đến hết 2025 với giá thuê tăng hơn 11% so với giá ký đầu năm 2024.

Thị trường khoan nội địa cũng trở nên sôi động hơn giai đoạn 2025 – 2027, nên các giàn khoan của PVD gần như đã có việc làm ổn định. Tuy nhiên, xét về định giá mặt cơ bản, giá cổ phiếu PVD gần chạm đến giá mục tiêu của phòng phân tích đưa ra, nên có thể trading cổ phiếu theo tín hiệu kỹ thuật.

Ngành dầu khí: Không phụ thuộc vào FID của Lô B

Phòng phân tích VDSC điểm lại một số sự kiện quan trọng của ngành dầu khí thời gian qua.

Ngày 02/06, nhóm OPEC+ đã thống nhất gia hạn mức cắt giảm cụ thể 5,86 triệu thùng/ngày đến hết tháng 9/2024 (giảm 6% nhu cầu dầu thô toàn cầu), sau đó duy trì mức cắt giảm 2,2 triệu thùng đến cuối năm 2025.

Hiện tại, khoảng 14% công suất lọc dầu của Nga ngưng hoạt động do các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Ukraine (theo Reuters), và con số thực tế có thể lên tới 20 – 25% theo một số nguồn tin không chính thống tại các khu vực giao tranh. Các cuộc giao tranh tạo ra mối lo ngại về rủi ro thiếu hụt nhiên liệu toàn cầu.

Đến tháng 7, Trung Quốc đã yêu cầu các công ty dầu khí nhà nước bổ sung gần 60 triệu thùng dầu thô, tương đương 220.000 thùng/ngày vào kho dự trữ khẩn cấp của nước này để tăng cường an ninh nguồn cung

Bà Ngân nhìn nhận, những sự kiện trên dẫn tới nhu cầu dầu thô sẽ vượt nguồn cung nửa cuối năm nay. Cộng thêm nhiều rủi ro chính trị, nhiều tổ chức dự báo giá dầu thô sẽ theo chiều hướng tăng, dao động từ 85 – 90 USD/thùng.

Giá dầu càng cao sẽ càng thúc đẩy các hoạt động khai thác dầu khí trên thế giới, ở Việt Nam cũng không ngoại lệ. VDSC ước tính chi phí khai thác trung bình của Việt Nam là 55 – 60 USD/thùng, cộng thêm các chi phí liên quan khác, các dự án khai thác chỉ có lãi khi giá dầu vượt 80 USD/thùng.

Với diễn biến giá dầu thô nửa đầu năm cũng như dự báo nửa cuối năm 2024, môi trường này sẽ rất thuận lợi trong việc khơi thông các dự án dầu khí tiềm năng tại Việt Nam.

Trong đó, VDSC nhấn mạnh dự án Lô B sẽ là trọng tâm ngành dầu khí trong suốt giai đoạn 2024 – 2026. Hiện tại, dự án đã được trao nhiều gói thầu quan trọng cho các doanh nghiệp liên quan. Gần đây, dự án cũng đã được một số tổ chức tín dụng trong nước và quốc tế đồng ý cấp tín dụng, đồng thời nhận chỉ đạo sát sao từ cơ quan nhà nước.

Hầu hết các doanh nghiệp trong ngành đều nhìn nhận hiện tại chưa có nhiều rủi ro lớn nào khiến các gói thầu bị đình trệ. Do đó, VDSC nhận định, dù chưa có FID, nhưng các phần việc vẫn được triển khai như bình thường.

Tin bài liên quan