3 chiêu cạnh tranh ấn tượng của CTCK

3 chiêu cạnh tranh ấn tượng của CTCK

(ĐTCK) Miễn giảm phí, giảm lãi suất margin, đưa ra các phần mềm hỗ trợ NĐT… đang mở màn cho một đợt cạnh tranh sôi động giữa các CTCK.

3 chiêu cạnh tranh ấn tượng của CTCK ảnh 1

Phí giao dịch thấp, có các tiện ích giao dịch và chất lượng tư vấn là các yếu tố thu hút NĐT

Giảm phí “dưới giá thành”

Để thu hút khách hàng, cũng như tăng thị phần môi giới, nhiều CTCK áp dụng mức phí rất thấp, thậm chí miễn phí đối với một số khách hàng có giao dịch lớn.

CTCK Vietcombank (VCBS) vừa thông báo miễn phí giao dịch trong tháng 1/2014 cho khách hàng cá nhân mở mới tài khoản. CTCK SHS giảm phí theo giá trị giao dịch của khách hàng, cụ thể, trong vòng 1 tháng, giá trị giao dịch từ 10 - 20 tỷ đồng được giảm 7% phí, từ 20 - 50 tỷ đồng được giảm 10%... Một số CTCK sẵn sàng “chịu thiệt” khi áp dụng mức phí 0,1% đối với một số khách hàng có giao dịch thường xuyên với giá trị lớn.

Lãi suất giao dịch ký quỹ (margin) cũng được nhiều CTCK điều chỉnh giảm xuống mức phổ biến 0,040 - 0,041%/ngày, thậm chí xuống còn 0,0375%/ngày như tại CTCK Bảo Việt (BVSC). Lãnh đạo SHS cho biết, lãi suất margin tại Công ty dao động từ 0,038 - 0,041%/ngày, tương đương 13,8 - 14,8%/năm.

 

Sử dụng môi giới tự do

Bên cạnh những dịch vụ hấp dẫn NĐT, không ít CTCK chi tới 50 - 60% phí môi giới cho những môi giới tự do đưa được khách hàng về giao dịch tại công ty. Tuy nhiên, để nhận được khoản phí cao này, các môi giới tự do phải có trách nhiệm mang về giá trị giao dịch 100 tỷ đồng/tháng.

Lãnh đạo một CTCK chia sẻ, đối với những môi giới này, công ty không phải trả lương nên trích “hoa hồng” môi giới cao hơn đối với nhân viên môi giới chính thức, thậm chí công ty sẵn sàng chấp nhận “lỗ” nghiệp vụ môi giới trong một thời gian để thu hút khách hàng và gia tăng thị phần.

 

Chú trọng tư vấn NĐT

Ưu đãi về phí giao dịch, lãi suất margin là điều kiện cần đối với NĐT, song điều kiện đủ để “giữ chân” khách hàng vẫn là chất lượng tư vấn của nhân viên môi giới. Các môi giới phải có kinh nghiệm, khả năng nắm bắt thông tin tốt, để tư vấn kịp thời, có lợi nhất cho NĐT. Bên cạnh đó, công ty phải có các phần mềm tiện ích, các chỉ báo mã cổ phiếu tiềm năng cho khách hàng.

Mới đây, một số CTCK đã ra mắt các phần mềm nhằm mang lại tiện ích hơn cho NĐT như: CTCK VNDirect với phần mềm giao dịch và phân tích chứng khoán Active-D; CTCK MB (MBS) với phần mềm giao dịch online Stock24; VCBS dự kiến đưa hệ thống lõi (core) mới vào vận hành trong tháng 1/2014, trong đó tập trung hoàn thiện các dịch vụ tiện ích đối với NĐT cá nhân. Thực tế, các CTCK đều quan tâm và chú trọng đến việc đầu tư nâng cấp hệ thống công nghệ để hỗ trợ khách hàng.

Không chỉ chú trọng đến khách hàng ở các thành phố lớn, nhiều CTCK còn có định hướng mở rộng khách hàng ra các tỉnh, thành khác. CTCK An Bình (ABS) cho biết, định kỳ, Công ty tổ chức hội thảo khách hàng tại Chi nhánh Bắc Ninh để khách hàng tiếp xúc, trao đổi trực tiếp với Ban lãnh đạo và có cái nhìn rõ nét hơn về cơ hội của thị trường, đồng thời cập nhật những sản phẩm, dịch vụ mới của Công ty.      

>>Tính mô hình mới cho công ty chứng khoán

>>NĐT chuyên nghiệp chỉ chọn CTCK chuyên nghiệp

>>2014 sẽ bùng nổ M&A công ty chứng khoán