Thanh tra Bộ GTVT sẽ chủ động vào cuộc giúp Bộ và nhà đầu tư phát hiện sai phạm

Thanh tra Bộ GTVT sẽ chủ động vào cuộc giúp Bộ và nhà đầu tư phát hiện sai phạm

3 bộ cùng thanh tra hàng loạt dự án BOT giao thông

Thanh tra các bộ, ngành sẽ tập trung soi quá trình lập dự án, lựa chọn nhà đầu tư và triển khai thi công các dự án BOT mở rộng Quốc lộ 1 và Quốc lộ 14 qua Tây Nguyên.

Thanh tra 3 bộ cùng soi

Dự án nâng cấp tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ là công trình BOT mới nhất vừa được Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) quyết định thanh tra. Với yêu cầu của Bộ GTVT là thanh tra việc tuân thủ quy định pháp luật của các chủ thể, cho thấy phạm vi công việc mà đoàn thanh tra phải tiến hành tại Dự án này là rất rộng.

Cần phải nói thêm rằng, không chỉ Dự án nâng cấp tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ (có tổng mức đầu tư 6.731 tỷ đồng) rơi vào tầm ngắm, mà hầu hết các dự án BOT mở rộng Quốc lộ 1, Quốc lộ 14 đang được tiến hành thanh tra bởi các bộ quản lý chuyên ngành ngay từ khi quá trình xây dựng vẫn còn chưa kết thúc.

Cụ thể, theo Quyết định số 2778/QĐ - BGTVT của Bộ GTVT, Thanh tra Bộ GTVT được giao chủ trì phối hợp với Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông, Vụ Khoa học công nghệ và các cơ quan liên quan, chủ động tiến hành kiểm tra đối với tất cả các dự án giao thông đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (hợp đồng BOT, BT).

Theo quyết định, các dự án bổ sung vào kế hoạch thanh tra gồm: Dự án mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Km 791A+500 - Km 848+875 tỉnh Thừa Thiên Huế; đoạn Km 1525 - Km 1589+300 tỉnh Ninh Thuận. Dự án Mở rộng đường Hồ Chí Minh đoạn Km 542 - Km 607+850; đoạn từ Pleiku đến cầu 110; đoạn Km 687+734 - Km 704 tỉnh Đắk Lắk; Km 734+600 - Km 765 tỉnh Đắk Nông; đoạn Km 921+025 - Km 962+331 tỉnh Bình Phước.

Đối với các dự án trên Quốc lộ 1, có 22 dự án thực hiện theo hình thức đối tác công - tư, trong đó đoạn Hà Nội - Cần Thơ có 20 dự án, đoạn Hà Nội - Lạng Sơn có 2 dự án. Các cơ quan kiểm toán, thanh tra đã xây dựng kế hoạch kiểm toán, thanh tra đối với 19/22 dự án. Ba dự án còn lại chưa nằm trong kế hoạch thanh tra do vừa khởi công. Với các dự án đường Hồ Chí Minh đoạn qua các tỉnh Tây Nguyên có 4 dự án. Thanh tra Bộ GTVT đã xây dựng kế hoạch thanh tra năm 2015 đối với tất cả các dự án này. Như vậy, đến nay, cơ bản các dự án được đầu tư theo hình thức đối tác công - tư trên Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh qua các tỉnh Tây Nguyên đã nằm trong kế hoạch và đang được tiến hành thanh tra.

Đối với các dự án mở rộng Quốc lộ 1 bằng nguồn vốn trái phiếu chính phủ, hiện đang thực hiện 20 dự án. Trong đó, Kiểm toán Nhà nước tiến hành kiểm toán 5 dự án. Thanh tra Bộ Tài chính thanh tra 10 dự án. 

Thanh tra sớm để hạn chế sai phạm

Trước đó, ngay từ quý I/2015, Thanh tra Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tiến hành các cuộc thanh tra chuyên đề về công tác quản lý nhà nước và triển khai thực hiện 17 dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng  BOT trên tuyến Quốc lộ 1, do Bộ GTVT là cơ quan nhà nước có thẩm quyền ký kết và thực hiện hợp đồng. Theo thông tin của Báo Đầu tư, Thanh tra Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ công bố kết quả thanh tra những dự án BOT đầu tiên trong vài ngày tới.

Bên cạnh đó, Kiểm toán Nhà nước cũng sắp hoàn tất kết quả kiểm toán các dự án hạ tầng giao thông lớn do Bộ GTVT làm chủ đầu tư gồm: Dự án Xây dựng đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam làm chủ đầu tư; Dự án Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 18 đoạn thị xã Uông Bí - TP. Hạ Long theo hình thức BOT; Dự án Xây dựng nhà ga hành khách T2 - Cảng hàng không quốc tế Nội Bài; Dự án Xây dựng đường nối từ Sân bay Nội Bài đến cầu Nhật Tân.

Cần phải nói thêm rằng, tại cuộc họp của Ban cán sự Đảng Bộ GTVT vào đầu tháng 8/2015, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã yêu cầu Thanh tra Bộ GTVT phải chủ động vào cuộc giúp Bộ, giúp nhà đầu tư phát hiện những sai phạm để khắc phục sửa chữa.

“Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước đang vào cuộc, nhưng đấy là thanh tra thường kỳ, kiểm toán bình thường theo kế hoạch. Thanh tra của Bộ GTVT phải chủ động phần việc của mình trong việc thanh tra các dự án BOT đã và đang triển khai để kịp thời phát hiện sai phạm (nếu có)”, Bộ trưởng Thăng nhấn mạnh.

Liên quan đến việc triển khai các dự án đầu tư theo hình thức PPP, khẳng định Bộ GTVT đã rất nỗ lực để huy động các nguồn lực đầu tư vào hạ tầng giao thông, Bộ trưởng Đinh La Thăng lưu ý các cơ quan chức năng phải đảm bảo chặt chẽ các thủ tục theo đúng quy định pháp luật.

 “Vừa rồi có nhiều ý kiến khác nhau xung quanh các dự án, tích cực có, tiêu cực có. Trách nhiệm của Bộ GTVT là phải hoàn chỉnh đầy đủ thủ tục theo đúng quy định, tuyên truyền cho người dân hiểu được việc này là cần thiết”, Bộ trưởng Thăng chỉ đạo.

Tin bài liên quan