28,6 triệu người nhiễm nCoV toàn cầu

0:00 / 0:00
0:00
Thế giới ghi nhận hơn 28,6 triệu người nhiễm, gần 919.000 người chết do nCoV, WHO lo ngại tình trạng thiếu đoàn kết giữa các nước trong đại dịch.
Nhân viên y tế lấy mẫu bệnh phẩm tại Rennes, tây Pháp ngày 7/9. Ảnh: AFP.

Nhân viên y tế lấy mẫu bệnh phẩm tại Rennes, tây Pháp ngày 7/9. Ảnh: AFP.

213 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận 28.631.279 ca nhiễm và 918.672 ca tử vong do nCoV, tăng lần lượt 340.952 và 5.973 ca sau 24 giờ, trong khi 20.553.798 người đã bình phục, theo thống kê của trang cập nhật dữ liệu thời gian thực Worldometers.

Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, ghi nhận 6.632.988 ca nhiễm và 197.324 người chết, tăng lần lượt 49.100 và 1.213 ca so với một ngày trước đó.

Viện Đánh giá và Đo lường Sức khỏe của Đại học Washington ước tính đến ngày 1/1 năm sau, 410.000 người sẽ chết vì nCoV ở Mỹ, tức là hơn 220.000 người chết trong 4 tháng tới, nếu xu hướng tránh đeo khẩu trang vẫn tiếp diễn.

Tiến sĩ Anthony Fauci, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm hàng đầu nước Mỹ, cho rằng "rất ít khả năng" nước này sẽ có vaccine Covid-19 trước ngày bầu cử 3/11.

Nhận định của ông trái ngược với tuyên bố mà Tổng thống Donald Trump đưa ra trong cuộc họp báo ngày 7/9 rằng nhà chức trách sẽ sẵn sàng phân phối vaccine Covid-19 trước ngày bầu cử.

Mỹ chấm dứt sàng lọc hành khách nhập cảnh tại sân bay. Mỹ đã bắt đầu sàng lọc hành khách đến từ Vũ Hán, nơi khởi phát Covid-19, tại một số sân bay vào tháng một.

Trong những tháng tiếp theo, thêm một số sân bay khác kiểm tra kỹ hành khách từ các quốc gia có nguy cơ cao. Giới chức giải thích họ bỏ quy định do không hiệu quả vì người nhiễm nCoV có thể không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ.

Ấn Độ, vùng dịch lớn thứ hai thế giới và lớn nhất châu Á, báo cáo thêm 97.654 ca nhiễm và 1.202 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 4.657.379 và 77.506.

Dù ca nhiễm đang tăng mạnh, chính phủ Thủ tướng Narendra Modi thể hiện lạc quan bằng cách chỉ ra tỷ lệ hồi phục cao tại Ấn Độ, với khoảng 75% tổng số ca nhiễm đã bình phục.

Ấn Độ gần đây nới lỏng nhiều hạn chế hơn để giảm bớt áp lực kinh tế và đã cho phép tàu điện ngầm ở khu vực đô thị hoạt động trở lại từ ngày 7/9.

Tại Brazil, vùng dịch lớn thứ ba thế giới, số ca tử vong tăng lên 130.396 sau khi ghi nhận thêm 821 trường hợp. Ca nhiễm tại nước này tăng 42.401 trong 24 giờ qua, lên 4.282.164.

Bộ Y tế Brazil nhận định số ca nhiễm nCoV ở nước này gần đây giảm nhẹ và hy vọng đã đạt đỉnh dịch sau những tháng ghi nhận ca tử vong trung bình hàng ngày là hơn 1.000 người.

Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo tình hình dịch ở Brazil có thể đột ngột xấu đi nếu chính quyền địa phương và khu vực nhượng bộ trước áp lực từ các doanh nghiệp để mở cửa lại nền kinh tế quá sớm, cũng như không siết các biện pháp cách biệt cộng đồng.

Quyền Bộ trưởng Y tế Brazil Eduardo Pazuello ngày 8/9 nói rằng nước này có thể có vaccine và bắt đầu tiêm chủng toàn dân từ tháng một năm sau. Quốc gia đông dân nhất Mỹ Latinh đã trở thành nơi thử nghiệm quan trọng cho các loại vaccine Covid-19 tiềm năng.

Nga, vùng dịch lớn thứ tư thế giới, báo cáo thêm 102 ca tử vong, nâng tổng số người chết lên 18.365. Số ca nhiễm tăng 5.504, lên 1.051.874.

Nga bắt đầu tiêm vaccine V phòng Covid-19 mang tên Sputnik V cho các tình nguyện viên tại thủ đô Moskva từ ngày 9/9. Theo cổng thông tin thành phố Moskva, khoảng 40.000 người đã tham gia tiêm chủng.

Điều kiện để trở thành tình nguyện viên là chưa từng mắc Covid-19, không mang thai hoặc đang chuẩn bị có con. Mỗi người sẽ được tiêm hai mũi vaccine, cách nhau khoảng 21 ngày.

Nam Phi, vùng dịch lớn thứ tám thế giới và là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch tại châu Phi, ghi nhận 646.398 ca nhiễm và 15.378 ca tử vong, tăng lần lượt 1.960 và 113 ca.

Dù ca nhiễm và tử vong do nCoV đang có xu hướng giảm, Bộ trưởng Y tế Nam Phi Zweli Mkhize cho biết ông vẫn lo lắng về nguy cơ xuất hiện sóng Covid-19 thứ hai như các quốc gia khác.

Tổng thống Cyril Ramaphosa cũng cảnh báo ca nhiễm có thể gia tăng trở lại nếu người dân lơ là cảnh giác.

Tây Ban Nha, vùng dịch lớn nhất châu Âu, ghi nhận ca nhiễm tăng trở lại sau một quãng thời gian kiềm chế được dịch. Nước này báo cáo 576.697 ca nhiễm và 29.747 ca tử vong, tăng lần lượt 4.708 và 48 ca.

Giới chức đóng cửa quán bar và hộp đêm, ra quy định bắt buộc đeo khẩu trang ở nơi công cộng.

Tây Ban Nha yêu cầu trẻ từ 6 tuổi trở lên đeo khẩu trang tại các trường học. Học sinh phải duy trì khoảng cách 1,5 m với nhau, chỉ được giao tiếp với bạn cùng lớp và phải rửa tay ít nhất 5 lần một ngày.

Pháp ghi nhận thêm 9.406 ca nhiễm, nâng tổng số lên 363.350, trong đó 30.893 người chết, tăng 80 trường hợp.

Ca nhiễm ở Pháp tăng trở lại sau một quãng thời gian kiềm chế được dịch, nhưng chủ yếu tập trung ở người trẻ có triệu chứng nhẹ hoặc không triệu chứng nên không tạo ra áp lực mới với hệ thống bệnh viện.

Chính phủ Pháp hôm 6/9 nâng mức cảnh báo tại các thành phố lớn như Lille, Strasbourg và Dijon khi ca nhiễm mới nCoV liên tục tăng cao. Giới chức Pháp trước đó tuyên bố đóng cửa 22 trường học do phát hiện các ca nhiễm chỉ vài ngày sau khi học sinh quay trở lại lớp học.

Thủ tướng Pháp Jean Castex ngày 11/9 nói rằng nước này sẽ không tái áp đặt phong tỏa toàn quốc để kiềm chế dịch mà thực hiện các biện pháp khác như đẩy nhanh xét nghiệm cho các trường hợp ưu tiên để giảm thời gian chờ đợi kết quả, áp đặt hạn chế tại các khu vực bị ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng.

Iran báo cáo 22.913 người chết sau khi ghi nhận thêm 115 ca. Trong khi đó, số ca nhiễm tăng thêm 2.313, lên tổng cộng 397.801 ca. Số ca nhiễm và tử vong vì nCoV tại Iran có xu hướng tăng trở lại từ cuối tháng 6.

Chính quyền đã ra lệnh bắt buộc đeo khẩu trang ở những không gian công cộng kín, các tỉnh cũng được trao quyền để cân nhắc tái áp đặt các biện pháp giới hạn và phong tỏa.

Dù nhiều phụ huynh lo lắng về nguy cơ lây lan nCoV, Iran mở lại trường học từ ngày 5/9 với các quy định nghiêm ngặt để đảm bảo an toàn.

Tại Đông Nam Á, Philippines là vùng dịch lớn nhất khu vực với 252.964 ca nhiễm và 4.108 ca tử vong, tăng lần lượt 4.040 và 42 ca.

Thủ đô Manila và các tỉnh lân cận vẫn áp đặt các hạn chế cho đến cuối tháng 9, hạn chế việc di chuyển không thiết yếu và cấm tụ tập đông người. Đi lại quốc tế và di chuyển giữa các vùng vẫn bị hạn chế.

Indonesia, vùng dịch lớn thứ hai khu vực, ghi nhận 210.940 ca nhiễm, tăng 3.737 trường hợp so với hôm trước, trong đó 8.544 người chết, tăng 88 ca.

Tổng thống Joko Widodo hôm 1/9 nói dịch ở Indonesia nhiều khả năng đạt đỉnh vào tháng này, đồng thời cho biết ông "rất tự tin" về khả năng tiếp cận vaccine an toàn và hiệu quả vào cuối năm nay.

Bộ trưởng Nghiên cứu Indonesia Bambang Brodjonegoro cho biết nước này cũng đang phát triển vaccine cải tiến của riêng mình.

Thủ đô Jakarta tái áp đặt hạn chế khi ca nhiễm tăng trung bình 1.000 ca mỗi ngày vào tháng này. Giao thông công cộng bị hạn chế, người dân không được ăn uống trong nhà hàng và phải làm việc tại nhà từ ngày 14/9.

Singapore là vùng dịch lớn thứ ba khu vực với 57.315 người nhiễm, tăng 86 ca, và 27 người chết.

Giới chức hôm 3/9 phát hiện ổ dịch mới ở khu ký túc xá cho lao động nước ngoài, sau khi tuyên bố hồi tháng trước rằng tất cả công nhân sống trong ký túc xá đã hồi phục hoặc đã làm xét nghiệm.

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long hôm 2/9 thừa nhận nước này có nhiều thiếu sót trong nỗ lực ứng phó Covid-19.

Ông cho rằng nếu có cơ hội làm lại, chính phủ Singapore sẽ ban hành lệnh bắt buộc đeo khẩu trang sớm hơn, đồng thời cách ly toàn bộ công dân từ nước ngoài về, thay vì chỉ áp dụng với những người nhập cảnh từ một số quốc gia nhất định.

Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus hôm 10/9 tránh bình luận việc Tổng thống Trump thừa nhận đã cố giảm thiểu mức độ nghiêm trọng của mối đe dọa Covid-19 trong khi liên tục chỉ trích tổ chức này.

"Điều khiến tôi lo ngại nhất là điều tôi đã nói từ lâu, đó là sự thiếu đoàn kết. Chúng ta càng chia rẽ thì virus càng có nhiều cơ hội tốt hơn", ông nói.

Tin bài liên quan