Huy động vốn hàng nghìn tỷ đồng là con số mơ ước của không ít doanh nghiệp đang niêm yết trên thị trường, vậy nhưng có một số cá nhân thu về dòng tiền “khủng” từ người dân chỉ nhờ vào tài thuyết khách. Đó là trường hợp của Phạm Thanh Hải (SN 1966, ở quận Hà Đông, nguyên Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thương mại đầu tư và phát triển công nghệ quốc tế - IDT, tiến sỹ vật lý) - hiện đang bị Tòa án nhân dân TP. Hà Nội đưa ra xét xử về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Cái tên Phạm Thanh Hải gắn liền với trang mạng “Học làm giàu” từng nổi như cồn trên internet từ năm 2009. Dự án “Học làm giàu” của tiến sĩ vật lý này ra đời với mục đích “hướng dẫn học viên về cách thức làm giàu hiệu quả, khoa học”. Các buổi hội thảo, khóa học online và offline liên quan được tổ chức rầm rộ.
Đặc biệt, năm 2010, Phạm Thanh Hải đưa ra dự án trồng cây tỷ đô mắc ca khiến hàng nghìn nhà đầu tư sôi sục rót tiền vào IDT. Chỉ trong thời gian ngắn (năm 2014 - 2015), hơn 2.574 người đã góp 2.700 tỷ đồng. Việc huy động vốn được thể hiện thông qua các hợp đồng hợp tác đầu tư, hợp đồng ủy thác đầu tư… Hàng nghìn hợp đồng đều thể hiện con dấu của IDT. Vậy Công ty có triển khai các dự án thật không?
Cơ quan điều tra xác minh, Phạm Thanh Hải sử dụng khoảng 114 tỷ đồng để đầu tư, góp vốn vào một số pháp nhân, dự án như Dự án xây dựng chợ Phố mới Lào Cai của Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng công nghệ cao Việt Nam (VITC) và Hợp tác xã Cường Phát, hợp tác đầu tư vào Tổng công ty cổ phần Linh Dương, Công ty cổ phần Xây dựng HC - phát triển công nghệ Smart Parking, Công ty cổ phần Giáo dục và đầu tư VSK Group, Công ty cổ phần Đầu tư và dịch vụ bất động sản Đỉnh cao mới, Công ty cổ phần Đi siêu thị, Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển dự án xanh Inter Green, Công ty Maccadamia quốc tế, Công ty cổ phần Đầu tư Reenco Hòa Bình…
Tại các buổi diễn thuyết, bị cáo Hải đều quảng bá đây là những dự án IDT tham gia, nhưng thực tế là mang tiền khách hàng để góp vốn với tư cách cá nhân, dù vẫn lấy danh nghĩa công ty.
Bị dụ dỗ bởi các chiêu thức như chi trả lãi suất đậm lên đến 40 - 50%/năm, cắt lãi ngay khi nộp tiền, hàng nghìn người dân đã “mắc kẹt” hàng nghìn tỷ đồng với những dự án “vẽ trên giấy”. Vì có dự án chưa hoạt động, có công ty bị giải thể, việc đầu tư của IDT gần như không sinh lời. Đối với dự án trồng cây mắc ca, bị cáo Hải thừa nhận phải mất thời gian tới 10 năm.
Đặc biệt, khi đối diện công đường, “ông chủ dạy học làm giàu” vẫn ra rả phát biểu những khái niệm đầu tư “méo mó”. Phạm Thanh Hải khai nhận, IDT có 3 loại hình đầu tư. Thứ nhất là trực tiếp thực hiện dự án. Loại thứ hai là IDT lập dự án, khi dự án thành công sẽ tách thành pháp nhân độc lập. Loại thứ ba là có những pháp nhân hoạt động độc lập nhưng có nhu cầu vốn nên IDT rót vốn để thúc đẩy, hỗ trợ doanh nghiệp đó phát triển. Loại này cũng được coi là một dự án của IDT.
Bị cáo còn lập luận, “các nhà đầu tư cho tôi toàn quyết quyết định đầu tư, vậy thì tôi mang tiền đi gửi ngân hàng hay sử dụng tiền của người sau trả cho người trước vẫn là hoạt động đầu tư”… Tương tự, hoạt động trả kết nối, tổ chức hội thảo, chi thưởng cũng là chi phí trong hoạt động kinh doanh.
Tranh cãi về những dự án không mang lại hiệu quả, bị cáo phản biện: “Cơ quan tố tụng chỉ căn cứ vào bản báo cáo tài chính để lập luận các hoạt động kinh doanh không hiệu quả, nhưng đó là cách nhìn nhận tùy tiện. Tôi biết có doanh nghiệp có lãi nhưng nhà đầu tư vẫn lỗ hoặc ngược lại. Báo cáo tài chính chỉ đánh giá một phần của doanh nghiệp, còn những giá trị tài sản khác lớn hơn nhiều như tầm nhìn, sáng kiến…”. Sau những lời này, một nhóm nhà đầu tư lại vỗ tay rào rào, trong khi những người khác chỉ biết lắc đầu ngao ngán.
Trong bối cảnh các doanh nghiệp chân chính đang cố gắng từng ngày cải thiện bộ máy quản lý, minh bạch tài chính để đón dòng “tiền tươi” của các nhà đầu tư thì trên thị trường vẫn có dòng tiền đi “lạc hướng” với dự án “trên trời”.