Ông có thể chia sẻ vài con số liên quan đến mảng đầu tư các khách sạn, khu nghỉ dưỡng gắn với sự tăng trưởng đột phá của du lịch Việt Nam trong năm 2017?
2017 là năm đặc biệt của du lịch Việt Nam, ngành du lịch đã đạt thành tích đột phá với tăng trưởng doanh thu đạt 29%. Trong bức tranh tươi sáng như vậy, có sự tăng trưởng mạnh ở mảng khách sạn, resort. Năm qua, cả nước khánh thành 106 khách sạn từ 3-5 sao, hiện chúng ta có 25.000 khách sạn, cơ sở lưu trú với trên 500.000 phòng.
Ông Ngô Hoài Trung
Sự phát triển của thị trường du lịch đã tạo niềm tin cho các nhà đầu tư như Vingroup, Sun Group, BRG, Mường Thanh... đầu tư mạnh vào lĩnh vực này. Việc hợp tác liên kết giữa các nhà đầu tư trong nước và nhiều thương hiệu nước ngoài đã khẳng định chất lượng, thương hiệu quốc tế nổi tiếng của nhiều khách sạn, khu nghỉ dưỡng trong nước.
Nhiều công trình đã tạo ra điểm nhấn về kiến trúc và sinh thái ở các thành phố, thu hút đông đảo khách quốc tế. Đó không chỉ là những thành phố đáng sống, mà còn góp phần phát triển du lịch - là định hướng mũi nhọn, kéo theo sự phát triển của các ngành khác.
25,7 tỷ USD doanh thu năm 2018 là mục tiêu đầy tham vọng. Vậy ông có thể cho biết, chúng ta phải thực hiện các giải pháp như thế nào?
Để đạt mục tiêu tăng trưởng 25% trong năm 2018 với doanh thu cả ngành lên tới 25,7 tỷ USD, sẽ có nhiều việc phải làm.
Thứ nhất, chúng ta cần quy hoạch đầu tư xây dựng du lịch Việt Nam theo hướng hiện đại, chiều sâu và phát triển bền vững, vừa bảo tồn, vừa khai thác hợp lý, thu hút du khách quốc tế.
Thứ hai, đào tạo, bồi dưỡng, hình thành nên đội ngũ nhân lực vừa có chuyên môn giỏi, vừa có kỹ năng nghề chuyên nghiệp, từ đó phục vụ tốt du khách. Thứ ba, không ngừng quảng bá, xúc tiến du lịch Việt Nam, thu hút các nguồn lực để quảng bá, thông qua các hội chợ, sự kiện…
Một yếu tố không thể thiếu là nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam, không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ, tính chuyên nghiệp của du lịch Việt.
Năm 2018, thu hút 15-17 triệu khách nước ngoài, 80 triệu khách trong nước là mục tiêu đầy tham vọng, phải huy động các cấp, các ngành, sự năng động của doanh nghiệp
Việt Nam.
Đâu là điểm mới, định hướng mới trong chiếc lược phát triển du lịch Việt Nam?
Trong chiến lược phát triển, chúng tôi xác định hướng đến dòng khách có chi tiêu cao, lưu trú dài ngày. Chẳng hạn, Chính phủ đã miễn visa cho 46 nước châu Âu hoặc cấp visa điện tử, tạo thông thoáng cho khách đến, hình thành các cơ sở nghỉ dưỡng có chất lượng hoàn hảo…
Cũng cần nhắc lại rằng, xây dựng thể chế, cơ chế chính sách tạo điều kiện cho du lịch phát triển là mục tiêu hàng đầu. Hiện chúng tôi đang tập trung xây dựng chiến lược phát triển ngành đến năm 2030.
Một tin vui là Quỹ Hỗ trợ xúc tiến du lịch đã hoàn thiện dự thảo quy chế hoạt động và đang trình Thủ tướng Chính phủ. Ban đầu, Quỹ có vốn mồi là 300 tỷ đồng, bên cạnh đó Quỹ sẽ huy động các nguồn đóng góp của khách du lịch ở các cơ sở lưu trú, phí tham quan các điểm đến, đóng góp của các doanh nghiệp…
Tôi muốn lưu ý một điều, du lịch là ngành tổng hợp, mang tính liên ngành, liên vùng, muốn thúc đẩy phát triển, cần sự vào cuộc của các cấp, các ngành như đảm bảo an toàn, an ninh cho khách cần sự vào cuộc của ngành công an; đảm bảo vận chuyển, đi lại là ngành giao thông vận tải, sân bay, bến cảng, nhà ga; đảm bảo an toàn thực phẩm là ngành y tế...
Ở rất nhiều cơ sở lưu trú của ngành du lịch, đang có sự xuất hiện ngày càng nhiều nguồn lực tham gia của các nhà đầu tư cá nhân, thông qua các sản phẩm như condotel… Ông có lưu ý gì về vấn đề này?
Thời gian qua, du lịch rất phát triển đã tạo niềm tin thúc đẩy nhà đầu tư bỏ vốn vào condotel, khách sạn, khu nghỉ dưỡng…
Để không xảy ra tình trạng ồ ạt theo phong trào, cung vượt quá cầu… chúng ta cần quy hoạch và đánh giá được lượng khách vào Việt Nam, căn cứ vào đó khuyến cáo cho nhà đầu tư, tránh tình trạng quá thừa hoặc quá thiếu.
Chúng tôi đang rà soát lại tổng thể vấn đề này và sẽ trình lên Chính phủ sau khi lấy ý kiến các bộ, phấn đấu cuối năm 2018 là có các con số thống kê chi tiết.
So với Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2011, chúng ta đã về trước thời hạn nhiều mục tiêu và chúng tôi cho rằng, cần điều chỉnh các mục tiêu đó. Hiện chúng tôi đang lấy ý kiến các bộ ngành để đặt ra mục tiêu phù hợp cho các năm tới.