Đường Hồ Chí Minh kéo dài từ Pác Bó đến Đất Mũi có tổng chiều dài 3.167 km với quy mô 2-8 làn xe bắt đầu triển khai xây dựng từ năm 2000, đến thời điểm này mới chỉ thi công được 1.578 km, nên không thể hoàn thành theo đúng tiến độ là thông xe toàn tuyến vào năm 2010 theo tinh thần Nghị quyết 38/2004/QH11.
“Mặc dù dự án không hoàn thành đúng tiến độ, quy mô và các thông số kỹ thuật chưa phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển giao thông đường bộ và khả năng tài chính của đất nước, đặc biệt là cân đối nguồn lực, cũng như phân kỳ đầu tư. Tuy vậy, sau khi thi công xong 1.578 km đưa vào sử dụng đã mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng nhất định”, đại biểu tỉnh Lâm Đồng, ông Lê Văn Học nhận định.
Ông Học không chỉ đồng tình với việc phải tập trung đầu tư để hoàn thành đường Hồ Chí Minh, mà còn cho rằng, sau khi hoàn thành thông tuyến (dự kiến năm 2020), thì việc nâng cấp đường Hồ Chí Minh thành tiêu chuẩn cao tốc với tổng kinh phí đầu tư khoảng 300.000 tỷ đồng (theo thời giá năm 2010) là phù hợp với thực tiễn và nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong tiến trình đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.
“Khoản kinh phí 300.000 tỷ đồng này trong bối cảnh kinh tế hiện nay đúng là hết sức khó khăn. Ngoài ra, theo tính toán, suất đầu tư cho mỗi ki-lô-mét đường cao tốc Hồ Chí Minh vào khoảng 5 triệu USD rất khó thực hiện, vì thực tế cho thấy, suất đầu tư cho mỗi ki-lô-mét đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương vào khoảng 10 triệu USD, đường cao tốc TP.HCM - Long Thành là 13 triệu USD/km”, chuyên gia lĩnh vực giao thông Lê Văn Học băn khoăn và kiến nghị, Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 38/2004/QH11 phải đảm bảo tính khả thi, phù hợp với tình hình kinh tế của đất nước mới có thể triển khai đúng tiến độ.
Nguyên Chủ tịch Cienco 5, ông Thân Đức Nam (đại biểu Quốc hội Đà Nẵng) băn khoăn với mục tiêu đến năm 2015 cơ bản hoàn thành đường Hồ Chí Minh từ Pác Bó đến Đất Mũi với quy mô 2 làn xe nếu Dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 38/2004/QH11 quy định cứng là chỉ giải ngân 10.000 tỷ đồng trái phiếu chính phủ trong giai đoạn 2014-2016.
Ông Thân Đức Nam cũng băn khoăn trước khả năng huy động 300.000 tỷ đồng để nâng cấp đường Hồ Chí Minh lên cao tốc. “Tôi lo lắng trước mục tiêu đầu tư và năng lực tài chính của đất nước. Để có thể huy động đủ nguồn vốn đầu tư, tôi đề nghị Chính phủ có các chính sách ưu đãi, khuyến khích doanh nghiệp tham gia đầu tư theo hình thức PPP, BOT, BT, nhằm giảm áp lực đối với nguồn vốn từ ngân sách và nguồn vốn đi vay đối với các dự án có khả năng thu phí để hoàn vốn”, ông Nam đề xuất.
Cũng như hầu hết đại biểu Quốc hội khác, ông Nguyễn Văn Cảnh (đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định) đồng tình với việc phải tập trung đầu tư để thông xe toàn tuyến đường Hồ Chí Minh vào năm 2020, sau đó “cao tốc hóa” từng đoạn. Nhưng điều quan trọng không kém việc tìm kiếm nguồn vốn đầu tư là phải khai thác con đường huyết mạch này hiệu quả về mặt kinh tế, chứ không chỉ hiệu quả về mặt xã hội, an ninh, quốc phòng.