Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, ông Phùng Đức Tiến băn khoăn về số tiền đầu tư cho Dự án sân bay Long Thành là 23.049 tỷ đồng, trong số tiền này, Quốc hội mới bố trí 5.000 tỷ đồng trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020.
Như vậy, nguồn vốn đầu tư còn thiếu hơn 18.000 tỷ đồng, Chính phủ dự kiến sử dụng từ nguồn dự phòng Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 (phương án 2).
“Vấn đề là theo Nghị quyết 26/2016/QH14 về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 thì nguồn dự phòng chỉ được sử dụng trong trường hợp nguồn thu ngân sách nhà nước đảm bảo kế hoạch và chỉ được sử dụng cho các mục tiêu thật sự cần thiết, bất khả kháng, cấp bách theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công.
Trong thời gian này, ngân sách nhà nước vẫn hết sức khó khăn, có thể thu không đạt kế hoạch, như vậy sẽ khó sử dụng nguồn dự phòng này.
Bên cạnh đó, nhiều dự án cũng dự kiến sử dụng nguồn dự phòng thì liệu nguồn này có đủ để đáp ứng được nhu cầu không?”, ông Phùng Đức Tiến đặt câu hỏi.
Ngoài phương án sử dụng nguồn dự phòng, Chính phủ cũng dự kiến sử dụng một phần trong số 80.000 tỷ đồng được bố trí cho các dự án quan trọng quốc gia theo Nghị quyết 26/2016/QH14 để giải quyết bài toán vốn đầu tư cho sân bay Long Thành (phương án 1).
Theo bà Vũ Thị Lưu Mai, Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, buộc phải lựa chọn 1 trong 2 phương án vì không còn giải pháp khác.
Trong số 80.000 tỷ đồng được bố trí cho các dự án quan trọng quốc gia, Chính phủ dự kiến bố trí 70.000 tỷ đồng cho Dự án Đường cao tốc Bắc - Nam, nhưng hiện tại, Chính phủ tính toán trong giai đoạn 2016 - 2020 chỉ đầu tư cho Dự án Đường cao tốc Bắc - Nam 55.000 tỷ đồng, số tiền 15.000 tỷ đồng dư ra dự kiến bố trí cho 4 dự án đường sắt và 10 dự án đường bộ, nếu sử dụng nguồn này bố trí cho Dự án sân bay Long Thành thì 14 dự án đường sắt và đường bộ không còn nguồn lực.
“Bốn dự án đường sắt đều cấp thiết, 10 dự án đường bộ cũng cấp thiết không kém, hiện đang thi công, nếu dừng lại thì sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hiệu quả đầu tư cũng như lãng phí rất lớn”, bà Mai phát biểu, nhưng cho rằng, so với phương án 2 thì phương án 1 khả dĩ hơn.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum, ông Tô Văn Tám phát biểu: “Nếu sử dụng phương án 1 thì các địa phương khác, các dự án, công trình cấp bách khác không còn nguồn để làm nữa”.
Ông Tám cũng đề xuất, số tiền 15.000 tỷ đồng dôi ra từ Dự án Đường cao tốc Bắc - Nam nên để đầu tư khai thông tuyến đường nối Cửa khẩu quốc tế Bờ Y, tạo ra giao lưu hàng hóa, giúp cho các tỉnh Tây Nguyên phát triển.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre, ông Lưu Bình Nhưỡng cũng cho rằng, nên sử dụng phương án 2. “Số tiền 15.000 tỷ đồng dôi ra nên tập trung cho dự án quan trọng, cấp bách”, ông Nhưỡng kiến nghị.
Ngược lại, đại biểu Quốc hội TP.HCM, ông Trần Hoàng Ngân và nhiều đại biểu khác lại thấy phương án 1 khả thi hơn. “Nếu sử dụng phương án 2, tức là sử dụng nguồn dự phòng trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn.
Nhưng dự phòng không phải là dự phòng chung, mà từng khoản dự phòng rất cụ thể cho từng dự án, từng địa phương, từng bộ, ngành, do đó không thể lấy tiền dự phòng của bộ ngành này, địa phương này phân bổ cho địa phương khác, dự án khác”, ông Ngân lập luận.
Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, ông Hoàng Quang Hàm cũng cho rằng, phương án 1 khả dĩ hơn. “Chính phủ dự kiến cho Dự án đường cao tốc Bắc - Nam 55.000 tỷ đồng, nhưng giai đoạn 2016 - 2020 chắc không sử dụng hết, số tiền dư ra cũng trên dưới 30.000 tỷ đồng.
Các dự án quan trọng quốc gia khác nếu phát sinh thì cũng phải đến kỳ họp tháng 5/2018 mới trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư, nên không thể sử dụng hết số vốn 80.000 tỷ đồng.
Vì vậy, sử dụng một phần từ nguồn vốn dự kiến bố trí cho các dự án quan trọng quốc gia theo Nghị quyết 26/2016/QH14 là khả thi nhất”, ông Hàm phân tích.