Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năng suất lao động xã hội (GDP bình quân một lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc) của toàn nền kinh tế năm 2016 theo giá hiện hành ước tính đạt 84,5 triệu đồng mỗi lao động, tương đương khoảng 3.853 USD. Số liệu này tăng 5,31% so với năm 2015.
Theo khu vực kinh tế, năng suất lao động bình quân trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt thấp nhất với 32,9 triệu đồng. Khu vực công nghiệp và xây dựng đạt 112 triệu đồng, khu vực dịch vụ đạt 103,5 triệu đồng.
Cơ quan thống kê cũng nhận định, mặc dù năng suất lao động của Việt Nam thời gian qua đã có sự cải thiện đáng kể theo hướng tăng đều qua các năm nhưng còn ở mức thấp so với các nước trong khu vực. Năm 2015, năng suất lao động của Việt Nam theo giá hiện hành đạt 3.660 USD, chỉ bằng 4,4% của Singapore. Như vậy, một lao động Singapore tạo ra giá trị bằng 23 người Việt.
So với các quốc gia khác trong khu vực, năng suất lao động của Việt Nam cũng thấp hơn nhiều. Cụ thể, phải 3 lao động Việt mới làm ra giá trị bằng một người Thái Lan, và 6 lao động mới bằng một người Malaysia. Thậm chí so với Philippines, Indonesia, năng suất lao động của Việt Nam cũng chỉ bằng một nửa.
Khoảng cách về năng suất lao động của Việt Nam với các quốc gia khác trong khu vực ngày một xa. Năm 2013, theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), 15 người Việt Nam có năng suất lao động bằng một người Singapore. Đến năm 2014, gần 16 lao động Việt mới có năng suất làm bằng một người Singapore. Nếu giữ tốc độ này, phải mất hơn 60 năm, Việt Nam mới đuổi kịp được Singapore.
Theo cơ quan thống kê, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của cả nước năm 2016 của ước tính là 54,4 triệu người, tăng 455.600 người so với năm 2015. Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi năm 2016 là 2,3%, giảm không đáng kể so với năm 2015, trong khi đó lại cao hơn nhiều so với 2014.
"Muốn cải thiện năng suất lao động, chắc chắn việc đầu tiên cần làm là thay đổi tư duy giáo dục"
- Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Công ty Chứng khoán SSI
Năm hết tết đến thấy báo chí đồng loạt đưa tin 23 người Việt nam lao động mới bằng 1 người Singapore. Đọc xong tin này không thể không mủi lòng và cảm thấy tự ái với sự thật này. Thế thì vì đâu mà đến cơ sự này?
Nguyên nhân đầu tiên phải kể đến là do con người, bên cạnh yếu tố như thái độ làm việc chưa chuyên nghiệp thì lao động người Việt Nam không được trang bị kỹ năng làm việc. Người Việt ngay từ khi đi học có thói quen đề cao những kiến thức cao siêu và những kỷ lục điểm số thi cử hơn là những kỹ năng sống và phương pháp làm việc. Suy nghĩ này theo các bạn trẻ vào các trường đại học trong nước vốn chương trình dạy thiên về lý thuyết kiểu "sống phải thở bằng không khí, trong không khí có ô xy" chứ không dạy "kỹ năng tồn tại khi gặp đám cháy". Sinh viên tốt nghiệp có thể hùng hồn phân tích nguyên nhân bị chết ngạt nhưng sẽ bị chết ngạt khi bản thân kẹt trong đám cháy. Thói quen này còn đi theo học sinh Việt Nam khi du học, nhiều người học tốt nghiệp bằng giỏi ở các trường hàng đầu nhưng thậm chí không biết từ lái xe, đổ xăng, mở và vận hành tài khoản, tự khám sức khoẻ, chữa răng đau, đến chẳng hiểu cơ cấu nơi mình làm việc, cũng chẳng biết cách ứng xử với khách hàng, với đối tác hay cấp trên...
Nguyên nhân thứ 2 là công cụ sản xuất của nước ta lạc hậu, ở thời đại trí tuệ nhân tạo đang đóng vai trò quan trọng trong sản xuất thì việc tụt hậu về công nghệ khiến ta chẳng thể cạnh tranh, kể cả năng suất lẫn chất lượng lao động. Nhưng nguyên nhân này khắc phục đơn giản hơn nguyên nhân con người, vì công nghệ có thể nhập khẩu được.
Muốn cải thiện năng suất lao động, chắc chắn việc đầu tiên cần làm là thay đổi tư duy giáo dục, chỉ như vậy chúng ta mới không tiếp tục bị tụt hậu trước khi nghĩ đến đuổi kịp.