207 vụ điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng Việt xuất khẩu

0:00 / 0:00
0:00
Tính đến hết tháng 7 năm 2021, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã là đối tượng của 207 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài.
Mỹ vẫn là nước điều tra phòng vệ thương mại nhiều nhất với hàng xuất khẩu Việt Nam, riêng năm 2020 với 8 vụ việc

Mỹ vẫn là nước điều tra phòng vệ thương mại nhiều nhất với hàng xuất khẩu Việt Nam, riêng năm 2020 với 8 vụ việc

Theo thông tin từ Ban Chỉ đạo 35 Bộ Công Thương, tính đến hết tháng 7 năm 2021, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã là đối tượng của 207 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài. Trong đó, số vụ việc điều tra từ năm 2011 đến nay là 160 vụ việc, chiếm tỷ lệ 77%.

Trước tác động tiêu cực như làm giảm lợi thế cạnh tranh, dẫn đến mất một phần hoặc toàn bộ thị trường xuất khẩu đối với các ngành xuất khẩu một khi bị nước ngoài áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, hệ thống cảnh báo sớm về phòng vệ thương mại đã mang lại kết quả bước đầu.

Kể từ thời điểm lần đầu tiên, Bộ Công Thương công bố danh sách cảnh báo vào tháng 7 năm 2019 tới nay, đã có 7 sản phẩm nằm trong danh sách cảnh báo bị nước ngoài điều tra phòng vệ thương mại, như: gỗ dán có nguyên liệu làm từ gỗ cứng, đệm mút, lốp xe ô tô, ống đồng, mật ong, thép chống ăn mòn, gạch men.

Thông qua cảnh báo sớm, các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp đã không bị động trong công tác ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại của nước ngoài. Bộ Công Thương cũng đã hỗ trợ, cung cấp thông tin, giúp các doanh nghiệp hiểu được các nguyên tắc, quy trình điều tra; các công việc doanh nghiệp cần thực hiện; các kịch bản có thể xảy ra. Nhờ đó, các doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị để đáp ứng đầy đủ, chính xác nhất các yêu cầu của cơ quan điều tra nước ngoài.

Hoạt động cảnh báo sớm để hỗ trợ doanh nghiệp đã giúp các doanh nghiệp giảm được thiệt hại trong một số vụ việc.

Đơn cử, trong vụ việc Hoa Kỳ điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm lốp xe, phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam (chiếm 95,5% tổng kim ngạch xuất khẩu lốp xe của Việt Nam sang Hoa Kỳ) không bị áp thuế chống bán phá giá.

Hay trong vụ việc Hoa Kỳ điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm ống đồng, thuế chống bán phá giá đối với doanh nghiệp Việt Nam là 8,35%, thấp hơn nhiều so với mức do ngành sản xuất trong nước của Hoa Kỳ cáo buộc (110%).

Đối với vụ việc Đài Loan điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm gạch men, dự kiến đa số các doanh nghiệp xuất khẩu lớn của Việt Nam (chiếm 71,8% tổng kim ngạch xuất khẩu gạch men của Việt Nam sang Đài Loan) không bị áp thuế hoặc bị áp thuế ở mức độ thấp.

"Những kết quả như vậy giúp cho các doanh nghiệp Việt Nam duy trì và thậm chí phát triển thêm được thị phần tại thị trường xuất khẩu khi hàng hóa của các đối thủ cạnh tranh khác bị áp dụng mức thuế chống bán phá giá cao hơn so với mức thuế áp dụng đối với hàng hóa của Việt Nam", Đại diện Cục Phòng vệ Thương mại khẳng định.

8 tháng 2021, dù chịu tác động nặng nề của dịch bệnh Covid-19 làm đứt gãy sản xuất nhiều ngành hàng lớn, nhưng xuất khẩu hàng hóa vẫn ghi nhận mức tăng trưởng 21,2% so với cùng kỳ năm trước, trị giá 212,5 tỷ USD, với 30 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD.

Xuất khẩu tăng trưởng nhanh cho thấy năng lực sản xuất của các doanh nghiệp Việt Nam trong nhiều ngành đã cao hơn, hàng hóa của Việt Nam đã thâm nhập được và có chỗ đứng tại nhiều thị trường. Nhưng, cũng tạo ra áp lực cạnh tranh đối với các ngành sản xuất tại nước nhập khẩu, khiến các ngành sản xuất này có thể phải yêu cầu Chính phủ sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại như chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ để bảo vệ mình.

Nghiêm trọng hơn, việc bị nước ngoài áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại sẽ dẫn tới những tác động tiêu cực như làm giảm lợi thế cạnh tranh, dẫn đến mất một phần hoặc toàn bộ thị trường xuất khẩu đối với các ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam.

Ước tính, các vụ việc phòng vệ thương mại khởi do nước ngoài khởi xướng điều tra đối với hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam, tác động đến khoảng 12 tỷ USD kim ngạch và hàng chục nghìn doanh nghiệp xuất khẩu.

Bộ Công Thương cho biết sẽ tiếp tục phối hoàn thiện, xây dựng và vận hành hiệu quả hơn nữa Hệ thống cảnh báo sớm theo lộ trình, nhằm theo dõi, cảnh báo và hỗ trợ cơ quan điều tra về phòng vệ thương mại và các cơ quan liên quan trong việc điều tra, xử lý các vụ việc phòng vệ thương mại trong và ngoài nước, đảm bảo mục tiêu bảo vệ sản xuất trong nước, chủ động phòng ngừa và ứng phó với các vụ kiện phòng vệ thương mại của nước ngoài, hướng tới xuất khẩu bền vững.

Tin bài liên quan