Dòng tiền cải thiện
Báo cáo tài chính của BCG cho thấy, doanh thu thuần quý IV/2023 đạt 1.178,1 tỷ đồng (giảm 3,5% so với cùng kỳ), lợi nhuận sau thuế đạt 3,4 tỷ đồng (hồi phục mạnh so với mức lỗ 339 tỷ đồng cùng kỳ).
Cả năm 2023, doanh thu thuần đạt 4.011,6 tỷ đồng (giảm 11,5% so với năm trước), lợi nhuận sau thuế đạt 188,2 tỷ đồng (giảm 65,2%), hoàn thành lần lượt 57,9% và 28,9% kế hoạch doanh thu và lợi nhuận 2023.
Doanh thu 2023 của BCG giảm do ảnh hưởng bởi bối cảnh kinh tế vĩ mô không thuận lợi, tuy nhiên, mức giảm này là thấp so với các công ty cùng ngành. Lợi nhuận sau thuế giảm 65,2% chủ yếu do thị trường bất động sản chưa hồi phục, ảnh hưởng đến việc bàn giao các dự án đến khách hàng; và doanh thu tài chính giảm do công ty đã không thực hiện các giao dịch M&A do điều kiện kinh tế không thuận lợi.
Trong cơ cấu doanh thu, tỷ trọng đóng góp doanh thu của TCD giảm xuống 33,6% (cùng kỳ 41,2%), BCG Land đóng góp 23,5%, BCG Energy đóng góp 27,9%. Đáng chú ý, tỷ trọng doanh thu mảng dịch vụ tài chính tăng lên 8,9% (cùng kỳ 4%).
Hoạt động kinh doanh cốt lõi vẫn tích cực khi biên lợi nhuận gộp cải thiện nhẹ lên 29,4% (cùng kỳ 28,7%). Chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp giảm lần lượt 10,9% và 7,7%. Mặc dù lãi suất vay tăng cao nhưng nhờ quản lý tài chính tốt, chi phí tài chính giảm 0,5%.
Cuối quý IV/2023, tổng tài sản của BCG đạt 41.979 tỷ đồng, giảm 4,2% so với đầu năm và tổng vốn chủ sở hữu đạt 17.456 tỷ đồng, tăng 26,5% so với cuối 2022. Tổng tài sản giảm chủ yếu do công ty thu hồi các khoản đầu tư, hoạt động hợp tác kinh doanh.
Tổng nợ phải trả giảm 18,3%, trong đó, tổng nợ vay giảm 17,5%, điều này khiến tỷ lệ tổng nợ phải trả/vốn chủ sở hữu tiếp tục xu hướng giảm xuống mức 1,4 lần giúp cơ cấu tài chính lành mạnh hơn, đây cũng là mức thấp nhất từ 2020 đến nay.
Giai đoạn 2021-giữa 2022, nền kinh tế tích cực và BCG tích cực chi tiền đầu tư nên dòng tiền từ hoạt động đầu tư (CFI) âm nhưng từ giữa cuối 2022 đến nay, CFI hầu như đạt dương. Trong quý IV/2023, dòng tiền này dương 1,058 tỷ cho thấy BCG đang tích cực thu hồi vốn đầu tư thành công để giữ vững sức mạnh tài chính cho Tập đoàn.
Năm bản lề để tăng tốc
Trao đổi với các nhà đầu tư, ông Phạm Minh Tuấn, Phó chủ tịch BCG cho biết, khi thấy thị trường có biến đổi từ giữa 2022, Tập đoàn đã thay đổi chiến lược từ mở rộng đầu tư sang phòng thủ và thực hiện đồng nhất chiến lược này trong năm 2023 khi liên tục giảm nợ vay, thu về các khoản đầu tư, tập trung danh mục đầu tư để đưa ra kết quả tốt nhất. Cuối 2023, nhiều DN lỗ phải cắt giảm nhân công quyết liệt, BCG vẫn giữ nguyên nguồn lực để khi thị trường thuận lợi sẽ trở lại, mở rộng.
Bước sang năm 2024, có nhiều yếu tố để kỳ vọng. Thứ nhất, mảng bất động sản chính phủ đang có động thái thay đổi quyết liệt, các chuyên gia dự đoán nửa cuối 2024 thị trường phục hồi mạnh mẽ.
Thứ hai, các chính sách triển khai quy hoạch Điện 8 và chính sách giá cho các dự án năng lượng tái tạo được thông qua. Sau hơn 1 năm tìm hiểu về thị trường, BCG quyết định đầu tư điện rác. Đây là bước tiến mới giải quyết vấn đề môi trường cấp bách, các tỉnh thành có nhu cầu xử lý đốt rác, rác công nghiệp một cách triệt để. BCG bước vào mảng điện rác thông qua M&A, tiếp cận các dự án đã có giấy phép sẵn. Dự trù cuối năm 2025, Tập đoàn hoàn thành dự án đầu tiên, kỳ vọng triển khai các dự án điện rác ở 4 tỉnh thành ở Việt Nam.
Mảng xây dựng nắm bắt làn sóng đầu tư công, TCD đã tham gia các gói thầu về cơ sở hạ tầng để đạt hợp đồng mới, chuyển dịch cơ cấu kinh doanh, nâng cao nguồn thu để mở rộng về cơ sở hạ tầng. Ở mảng Tài chính, Bảo hiểm AAA dự kiến hơn 150% tăng trưởng doanh thu, kỳ vọng doanh thu 2024 tăng gấp đôi 2023.
“Năm 2024 có nhiều khó khăn trong nửa đầu năm nhưng có cơ hội lớn cho sự phát triển của BCG”, ông Tuấn nhận định.
Trả lời câu hỏi của cổ đông về mảng bất động sản, lãnh đạo Tập đoàn cho biết, năm 2024, BCG tiếp tục triển khai Dự án Hội An D’or và Malibu Hội An, cuối tháng 3 đóng nắp tầng hầm dự án KCI, tháng 5 sẽ triển khai phần thân. Các dự án như Helios Village, Cát Trinh… sẽ được thúc đẩy hoàn thiện thủ tục pháp lý để triển khai khi thị trường thuận lợi.
Trong 2024, BCG sẽ mở bán trở lại một số dự án như KCI và Malibu Hội An, tiếp tục bàn giao các sản phẩm của dự án Hội An D’or, Malibu Hội An nên kỳ vọng lợi nhuận 2024 được cải thiện tăng trưởng tốt so với 2023.
Cũng trong năm 2024, BCG đáo hạn khoảng 300 tỷ đồng trái phiếu, không tạo áp lực đáng kể với Tập đoàn. Mặt khác, chi phí tài chính cũng sẽ giảm mạnh so với năm 2023 khi lãi suất giảm.
Theo chia sẻ của lãnh đạo Tập đoàn, lợi nhuận quý I/2024 ước không có nhiều khác biệt so với quý IV/2023. Cụ thể, doanh thu ước đạt 1.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế ước đạt 100 tỷ đồng.
Với câu hỏi về chia cổ tức, ông Phạm Minh Tuấn cho biết: “Hiện tại dựa trên kết quả kinh doanh của 2023 chúng tôi kỳ vọng có tăng trưởng cho năm 2024, tuy nhiên kinh tế chưa ổn định còn biến động nên Ban điều hành đề xuất chưa chia cổ tức 2023. Tuy nhiên, vấn đề này còn chờ thảo luận và đề xuất với cổ đông”.
Hiện BCG tiếp tục theo đuổi kế hoạch tăng vốn đã được ĐHCĐ 2022 thông qua với tỷ lệ phát hành 2:1, nhằm chuẩn bị vốn chủ cho các dự án lớn dự kiến triển khai trong thời gian tới. Hồ sơ xin tăng vốn đang chờ UBCKNN phê duyệt.