Chính sách tài khóa hỗ trợ nền kinh tế sẽ tạo nền tảng ổn định cho thị trường chứng khoán trong thời gian tới.

Chính sách tài khóa hỗ trợ nền kinh tế sẽ tạo nền tảng ổn định cho thị trường chứng khoán trong thời gian tới.

2023: Trông vào tài khóa

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Chính sách tài khóa được coi là trụ cột của nền kinh tế năm 2022. Một chương trình tài khoá mở rộng với những kế hoạch cụ thể đang chờ được “bung ra” để gỡ khó cho nền kinh tế và các doanh nghiệp.

Chính sách tài khóa là trụ cột

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, 11 tháng đầu năm 2022, chỉ số phát triển công nghiệp (IIP) tăng 8,6%; tổng mức bán lẻ hàng hoá tăng 20,5%; doanh thu du lịch, lữ hành tăng 4 lần; khách quốc tế đến Việt Nam tăng 21,1 lần; có 194.700 doanh nghiệp mở mới và quay lại thị trường, tăng 33,2% so với cùng kỳ năm 2021. Tính đến ngày 15/12, kim ngạch xuất nhập khẩu lập đỉnh 701 tỷ USD, gần gấp đôi quy mô GDP năm 2021 (368 tỷ USD), vượt Thái Lan và Indonesia để đứng thứ hai trong ASEAN, sau Singapore.

Báo cáo của Bộ Tài chính tại Hội nghị tổng kết ngày 19/12 ghi nhận, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 11 tháng đầu năm 2022 tăng 3,02% so với cùng kỳ năm 2021 và dự kiến cả năm 2022 tăng không quá 4%, đúng như mục tiêu Quốc hội đã đề ra.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, trong năm 2022, kinh tế - xã hội đã được điều hành, quản lý thành công; chính sách tiền tệ và tài khoá được vận dụng linh hoạt, bổ trợ cho nhau, trong đó chính sách tài khóa đã và đang là trụ cột của nền kinh tế.

Tính đến ngày 15/12/2022, việc miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, tiền sử dụng đất… để hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh ước đạt 193.400 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay.

Tính đến ngày 15/12, việc miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, tiền sử dụng đất… để hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh ước đạt 193.400 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay.

Bà Lê Thị Hậu Phương, Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm Việt Nam chia sẻ, đại dịch Covid-19 và bất ổn của thị trường thế giới khiến doanh nghiệp bị mất thị trường xuất khẩu chính, sản xuất có thời điểm bị đình trệ. Tuy nhiên, nhờ chính sách giảm, gia hạn thuế (nhất là chính sách giảm 2% thuế giá trị gia tăng) đã giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn khi quay lại thị trường nội địa.

“Việc giảm thuế khiến người tiêu dùng mua được hàng hóa với giá tốt hơn nên sẽ tăng mua, đơn vị sản xuất được đối tác cung cấp nguyên liệu đầu vào với giá rẻ hơn nên cũng gia tăng quy mô sản xuất”, bà Phương nói.

Tương tự, ông Cao Thanh Nam, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Gỗ MDF VRG Quảng Trị cho hay, dịch bệnh khiến tốc độ quay vòng vốn của doanh nghiệp bị chậm lại. Nhờ được giảm, giãn tiền thuế cùng nhiều hỗ trợ khác nên doanh nghiệp có thêm nguồn lực để phục hồi sản xuất, cơ cấu lại vốn vay và lợi nhuận được cải thiện.

Một số khoảng mờ

Hiện tại mới giải ngân được khoảng 193.400 tỷ đồng tiền miễn, giảm, gia hạn thuế phí… trong tổng số tiền dự kiến phải giải ngân theo Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội và Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ là khoảng 233.500 tỷ đồng.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh nhấn mạnh, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2022 - 2023 có 4 trụ cột là y tế, hỗ trợ người lao động, hỗ trợ doanh nghiệp, đầu tư cho hạ tầng, nguồn lực chủ yếu đặt lên “vai” tài khoá. Thậm chí, chính sách hỗ trợ lãi suất 2% cho doanh nghiệp cũng dùng nguồn tiền tài khoá 40.000 tỷ đồng.

“Chúng ta có được vị thế tài khoá ấy mà triển khai, nhưng rất tiếc thực hiện lại chưa được nhanh như mong muốn”, ông Thành nói và cho hay, đến cuối tháng 11/2022 mới giải ngân được khoảng 71.500 tỷ đồng trên tổng số gần 347.000 tỷ đồng của gói phục hồi.

Trong kế hoạch tài khoá, đầu tư công được kỳ vọng sẽ mang lại sự đột phá, nhưng kết quả không như mong muốn. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 11 tháng đầu năm 2022, giá trị giải ngân vốn đầu tư công đạt gần 338.300 tỷ đồng, tương đương 58,33% kế hoạch cả năm (hơn 550.400 tỷ đồng).

Đáng lưu ý, tốc độ giải ngân đầu tư công giảm dần qua các năm: năm 2017, giải ngân đầu tư công đạt 73%, năm 2018 là 66%, năm 2019 là 67%, năm 2020 là 82% và năm 2021 là 72%.

Một điểm “trừ” khác trong bức tranh tài khoá năm 2022 là một số chính sách vướng nhiều thủ tục, khiến doanh nghiệp và người dân khó tiếp cận.

Bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho biết, một số doanh nghiệp gặp khó trong việc điều chỉnh in hoá đơn điện tử cũng như xác định mặt hàng nào được giảm thuế, gây tâm lý e ngại bị kiểm tra, thanh tra về thuế; một số trường hợp chính các cơ quan ban hành chính sách thiếu sự nhất quán trong quan điểm thiết kế, ban hành chính sách, khiến các cơ quan thừa hành và đối tượng chịu sự điều chỉnh gặp khó khăn.

Hé mở chính sách tài khoá 2023

Theo các chuyên gia kinh tế, trong khi dư địa của chính sách tiền tệ không còn nhiều (việc giảm lãi suất bị hạn chế bởi mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định tỷ giá trong bối cảnh lạm phát toàn cầu ở mức cao) thì không gian chính sách tài khoá hiện còn dư địa tương đối tốt.

Số liệu của Bộ Tài chính cho thấy, đến ngày 15/12/2022, thu ngân sách nhà nước đạt gần 1,692 triệu tỷ đồng, vượt 19,8% so với dự toán. Dự kiến, đến cuối năm 2022, dư nợ công khoảng 43 - 44% GDP, dư nợ Chính phủ khoảng 40 - 41% GDP, dư nợ vay nước ngoài của quốc gia khoảng 40 - 41% GDP, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ khoảng 18 - 19% tổng thu ngân sách nhà nước; dư nợ công thấp hơn mức trần và ngưỡng cảnh báo theo Nghị quyết 23/2021/QH15 của Quốc hội.

Đặc biệt, theo PGS.TS Hoàng Văn Cường, ủy viên thường trực Uỷ ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội, mức nợ công hiện tại 43 - 44% GDP thấp hơn nhiều ngưỡng trần 60% GDP, cho phép áp dụng chính sách tài khoá ngược trong năm 2023 (giảm thu thuế, phí và tăng chi tiêu của Chính phủ), nghĩa là hướng đến không thu nhiều của doanh nghiệp, người dân, mà trái lại có thể dùng ngân sách để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp nhiều hơn.

Mặc dù vậy, TS. Võ Trí Thành lưu ý, dư địa cho chính sách tài khóa vẫn còn, nhưng không phải còn quá dài. Sang năm 2023, nguồn thu ngân sách có thể khó khăn hơn, do tiêu dùng và xuất khẩu có thể giảm tốc, khả năng nới lỏng tài khoá tiếp sẽ hạn chế, cho nên khi tài khoá đang còn thì phải làm nhanh.

Dự báo được bối cảnh trên, tại Kỳ họp thứ tư Quốc hội khoá XV, ngày 10/11/2022, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 68/2022/QH15 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 với các chỉ tiêu chủ yếu là GDP tăng khoảng 6,5%, CPI bình quân khoảng 4,5%, GDP bình quân đầu người khoảng 4.400 USD…

Đặc biệt, Nghị quyết 68/2022/QH15 nhấn mạnh: “Thực hiện chính sách tài khoá mở rộng, trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm hiệu quả, tăng cường kỷ luật tài chính, chống thất thu; triệt để tiết kiệm, chống lãng phí; rà soát để sớm đưa các nguồn lực chưa khai thác hiệu quả vào phục vụ phát triển kinh tế - xã hội”.

Hiện tại, một số kế hoạch ban đầu về chính sách tài khoá năm 2023 đã được hé mở. Chia sẻ tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam ngày 17/12/2022, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, cơ quan này đã có những gói tài khóa khác nhau để ứng biến với diễn biến sắp tới.

Cụ thể, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục đề xuất giãn, hoãn một số khoản thuế và phí để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn như giảm thuế đất, duy trì mức sàn thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng, dầu. Ngoài ra, Bộ cố gắng đảm bảo nguồn lực cho nền kinh tế trên cơ sở tăng thu ngân sách, giảm chi, huy động nguồn lực trong và ngoài nước, qua đó đảm bảo tiến độ của các dự án đầu tư công, cũng như các dự án trong việc phục hồi kinh tế.

Lưu ý về chính sách tài khoá cho năm 2023, ông Hồ Sỹ Hùng, Phó chủ tịch Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp khuyến nghị, “đầu tư công có thể là cứu cánh”, bởi vì khi kinh tế suy giảm thì tăng đầu tư công chính là giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng.

“Với việc nới thêm các chỉ tiêu như nợ công, bội chi… để mở rộng chính sách tài khoá sẽ tăng thêm nguồn lực cho đầu tư công”, ông Hùng nói.

Trong khi đó, ông Mạc Quốc Anh, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội đề nghị, chính sách tài khóa đã ban hành rất thiết thực cho cộng đồng doanh nghiệp, nhưng để hiệu quả và có độ rộng hơn thì cần tăng tính bao phủ đến các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đồng thời nên cắt giảm tối đa các điều kiện để tăng khả năng tiếp cận và thụ hưởng của doanh nghiệp.

Tin bài liên quan