2023: Sóng thần hay sóng lăn tăn?

2023: Sóng thần hay sóng lăn tăn?

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Có sự đồng thuận cao giữa các chuyên gia trong dự báo về diễn biến thị trường chứng khoán năm 2023: biến động mạnh trong nửa đầu năm, nhưng từ sau quý II có thể hồi phục.

“Test” đáy trong nửa đầu năm

Thị trường chứng khoán tăng và giảm theo hai động lực lớn nhất là lãi suất và triển vọng tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp. Với câu chuyện lãi suất, SGI Capital nhận định, giai đoạn căng thẳng nhất của thị trường tiền tệ đã qua khi lãi suất liên ngân hàng từ mức đỉnh 8%/năm đã giảm về vùng thấp của nhiều năm (dưới 3%/năm).

Lãi suất tiết kiệm ngân hàng và lãi suất trái phiếu doanh nghiệp cũng giảm nhẹ nhưng chưa đồng đều do LDR (tỷ lệ dư nợ trên tổng vốn huy động) của hệ thống ngân hàng vẫn ở mức cao.

Việc tỷ giá USD/VND giảm sâu về gần giá chào mua mở ra cơ hội cho Ngân hàng Nhà nước có thể mua vào dự trữ ngoại hối, qua đó hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống ngân hàng. Điều này giúp ổn định tâm lý, nhưng chưa đủ để tạo nên giao dịch sôi động hơn trên thị trường chứng khoán. Sự thận trọng vẫn bao trùm trong giai đoạn mặt bằng lãi suất thực đang tăng cao, ảnh hưởng tới hoạt động kinh tế nói chung và gần nhất là kết quả kinh doanh quý IV/2022 cũng như triển vọng năm 2023.

Theo SGI Capital, nửa đầu 2023 sẽ là đoạn cuối của chu kỳ tăng lãi suất nhưng lại là giai đoạn tăng tốc của chu kỳ suy giảm lợi nhuận, do ảnh hưởng của chính sách tiền tệ thắt chặt. Đỉnh điểm của chu kỳ suy giảm lợi nhuận là khi suy thoái toàn cầu xảy ra, với nhiều tin xấu của doanh nghiệp và thị trường tài chính, tín dụng.

Mặt khác, SGI Capital cũng nhấn mạnh, suy thoái nếu xảy ra sẽ khiến chính sách tiền tệ đảo chiều và mang lại những cơ hội đầu tư tốt nhất. Lịch sử cho thấy, thị trường chứng khoán thường tạo đáy trước kinh tế thực trung bình khoảng 6 tháng.

Năm 2022, chỉ số VN-Index đã rớt từ vùng đỉnh lịch sử 1.530 điểm ở quý I/2022 do những bất ổn của thị trường ngoại hối và trái phiếu. “Thanh khoản” là từ khóa được giới đầu tư nhắc đến nhiều nhất, e ngại nhiều nhất trong năm qua.

Bàn về câu chuyện thanh khoản thị trường liệu có được “cởi trói” trong năm 2023, ông Trần Đức Anh, Giám đốc Kinh tế vĩ mô và chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán KB (KBSV) cho rằng, cần quan sát hai yếu tố là chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước và tốc độ giải ngân đầu tư công, trong đó chính sách tiền tệ là yếu tố quan trọng nhất. Nếu thanh khoản nền kinh tế được cải thiện, dòng tiền trên thị trường chứng khoán cũng sớm được cởi bỏ.

Tín hiệu để nhận biết sự đảo chiều chính sách tiền tệ, có thể xem xét 3 chỉ báo trọng yếu: Thứ nhất, mặt bằng lãi suất, nếu giảm thì thị trường chứng khoán sẽ phản ứng tích cực; thứ hai, động thái tăng dự trữ ngoại hối của Ngân hàng Nhà nước, tức mua USD và bán VND ra ngoài thị trường; thứ ba, chỉ báo sớm nhưng cũng mang tính rủi ro cao nhất là đà giảm của đồng USD trên thị trường quốc tế, bởi khi đó, tỷ giá hạ nhiệt và Ngân hàng Nhà nước sẽ bắt đầu mua dự trữ ngoại hối.

Dĩ nhiên, như nhận định của ông Nguyễn Trung Du, chuyên gia tư vấn đầu tư và quản lý tài sản KBSV, không thể kỳ vọng thanh khoản cải thiện nhanh, bởi lãi suất khó có thể sớm đảo chiều. Yếu tố kỳ vọng duy nhất trong thời điểm hiện tại là việc đẩy mạnh giải ngân đầu tư công bù đắp cho tín dụng ngân hàng.

“Dòng tiền trên thị trường chỉ có thể sôi động trở lại khi có sự nhập cuộc của nhà đầu tư cá nhân. Nhà đầu tư nước ngoài thường mua ròng rồi “cất đi”, chứ không giao dịch quá nhiều, điều này cũng khiến thanh khoản èo uột. Thị trường chỉ bắt đầu chu kỳ tăng mới khi nhà đầu tư nước ngoài bán ròng, nhà đầu tư cá nhân mua ròng”, ông Du nhận định.

Tuy vậy, theo chuyên gia, từ sau quý II, bối cảnh có thể đảo ngược. Quan sát thị trường chứng khoán nhiều năm, ông Du đúc kết, sau các cú sập, thị trường đều đi lên mạnh mẽ hơn, song năm 2023, thanh khoản khó vượt năm 2022 nên khó có chuyện bùng nổ.

Chứng khoán Rồng Việt không kỳ vọng một sóng tăng lớn, thay vào đó là những đợt sóng nhỏ và nhịp đi xuống sẽ mang lại cơ hội tích lũy cổ phiếu với mức giá tốt.

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị FinPeace cũng cho rằng, trong ngắn hạn vẫn tồn tại nhiều rủi ro với thị trường chứng khoán, như nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu, kinh tế Việt Nam gặp thách thức khi lượng trái phiếu doanh nghiệp năm 2023 đáo hạn đạt mức cao, tiêu dùng bị ảnh hưởng bởi lạm phát, triển vọng tăng trưởng chậm lại…

“Thanh khoản thị trường hiện tại đang thấp so với đỉnh cao năm 2021, đầu năm 2022. Điều này cho thấy nhu cầu bán đã giảm thấp. Định giá giá trị tài sản bên bán đã coi đây là vùng giá hợp lý, tuy nhiên bên mua chưa thể hiện nhu cầu ở mức giá hiện tại”, ông Nguyễn Tuấn Anh đánh giá.

VN-Index có thể giảm điểm nhằm tiếp cận vùng giá cổ phiếu rẻ hơn vào quý I và đầu quý II, những điều chỉnh này sẽ diễn ra rất nhanh trước khi quay trở lại vùng giá hợp lý. Theo đó, nhà đầu tư phải có phương pháp, kỷ luật và phản ứng nhanh, nắm bắt cơ hội.

Vị chuyên gia dự báo, giai đoạn 5 tháng đầu năm, tức là trong mùa đại hội cổ đông 2023, thị trường sẽ trong xu hướng đi ngang. Tất nhiên, có thể sẽ xuất hiện một số doanh nghiệp “rớt đài, thủng đáy” trong tháng 4, tháng 5 do nhà đầu tư thất vọng về kết quả từ cuộc họp đại hội đồng cổ đông thường niên.

Kỳ vọng phục hồi tốt trong nửa cuối năm

Trong khi đó, ông Quản Trọng Thành, Giám đốc Phân tích Maybank dự phóng 2023 sẽ là “một năm trắc trở” của thị trường chứng khoán. Có ba kịch bản kinh tế được Maybank đưa ra.

Thứ nhất, trong kịch bản suy thoái kinh tế theo chu kỳ vừa phải (xác suất xảy ra 50%), Maybank giả định rằng lạm phát sẽ vượt nhẹ trên mức 4,5%, nhưng có thể được kiểm soát trong 6 tháng đầu năm và giảm dần áp lực trong nửa cuối năm. Thêm vào đó, thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ suy yếu dần trong năm, nhưng các nhà phát triển chất lượng vẫn có khả năng phát hành trái phiếu từ giữa năm.

Thứ hai, tại kịch bản suy thoái kéo dài theo chu kỳ (xác suất xảy ra 40%), lạm phát duy trì ở mức cao trong năm 2023, với chính sách thắt chặt tiền tệ.

Thứ ba, kịch bản xấu nhất: suy thoái cơ cấu. Maybank dự đoán sẽ có rất nhiều tổ chức phát hành trái phiếu phá sản, kể cả những nhà phát hành có uy tín cũng không thể huy động được vốn. Theo đó, nợ xấu gia tăng, niềm tin của nhà đầu tư cạn kiệt, lạm phát tăng trên 5% và lãi suất ở mức cao.

Theo Maybank, mức P/E thấp lịch sử hiện đã phản ánh gần như đầy đủ nguy cơ lạm phát sắp tới và sự suy thoái ở mức độ vừa phải của thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong kịch bản 1 và 2. VN-Index có thể sẽ chịu áp lực và có thể kiểm tra lại mốc 850 - 950 điểm trong nửa đầu năm 2023 bởi mối lo ngại về lạm phát và lợi nhuận doanh nghiệp kém khả quan, nhưng có thể phục hồi đáng kể lên mốc 1.150 - 1.400 điểm trong nửa cuối năm, với dự đoán rằng Chính phủ sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Trong khi đó, ông Nguyễn Tuấn Anh lại tin rằng thị trường có thể quay lại những ngưỡng khá cao trong 6 tháng cuối năm.

“Sóng tăng có thể bắt đầu xuất hiện từ tháng 6, tháng 7. Đó sẽ là thời điểm giải ngân thích hợp. Các điều kiện cần là xu hướng lãi suất được giữ ở mức ổn định, hoặc giảm. Điều kiện đủ thì phải dựa vào các tín hiệu từ phân tích kỹ thuật để tìm được đúng điểm mua chính xác”, ông Tuấn Anh nhấn mạnh.

Ông Hoàng Tùng, chuyên gia tài chính từ Singapore dự báo, chỉ số VN-Index có thể dao động trong 900 - 1.300 điểm trong năm 2023 và kết năm ở mức trên 1.200 điểm.

VN-Index sẽ chứng kiến năm sideway up, tức biến động rất mạnh nhưng dần đi lên theo chiều hướng tích cực.

Tin bài liên quan