Ảnh: Dũng Minh

Ảnh: Dũng Minh

2023, doanh nghiệp địa ốc "đi nhẹ, nói khẽ"

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nhiều doanh nghiệp bất động sản lên kế hoạch kinh doanh năm 2023 thận trọng, ưu tiên tiết kiệm chi phí, giãn tiến độ xây dựng dự án… nhằm ổn định dòng tiền trong thời khó.

“Chỉ mấy tháng nữa là đến mùa đại hội cổ đông thường niên 2023, thế nhưng hiện tại, chúng tôi vẫn chưa xác định cụ thể kế hoạch hoạt động năm nay để trình các cổ đông, lý do bởi chưa biết căn cứ vào đâu để đề ra mục tiêu doanh thu và lợi nhuận phù hợp”. Đó là lời bộc bạch của lãnh đạo một doanh nghiệp địa ốc tại TP.HCM trong buổi trò chuyện với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán dịp đầu Xuân Quý Mão.

Vị này cho biết, trong năm qua, hầu hết các chỉ tiêu kinh doanh đều không đạt, với doanh thu và lợi nhuận chỉ thực hiện được lần lượt 30 và 18% kế hoạch đề ra. Hiện tại, công ty ưu tiên việc cắt giảm chi tiêu, tái cấu trúc sản phẩm, dịch vụ và tăng trích lập dự phòng rủi ro.

“Nếu như trước đây chỉ tập trung vào việc phát triển dòng sản phẩm nhà phố và chung cư ở phân khúc trung cấp, thì trong thời gian tới sẽ ưu tiên các sản phẩm nhà ở giá rẻ có giá dưới 2 tỷ đồng, bởi đây là sản phẩm được quan tâm nhiều nhất”, vị này nói và cho biết thêm, tất nhiên đây là mục tiêu dài hạn, ít nhất trong 3-4 năm, còn trước mắt, việc giảm mục tiêu tăng trưởng là khó tránh.

Thực tế cho thấy, kể từ đầu quý IV/2022 đến nay, hàng loạt doanh nghiệp bất động sản lớn nhỏ tại TP.HCM buộc phải cắt giảm nhân sự, giảm lương để giảm chi phí, duy trì hoạt động, mức giảm phổ biến là 30-40% lương tùy cấp bậc và khoảng 50% số lượng nhân sự, chỉ giữ lại các vị trí trọng yếu. Hiện tại, công suất làm việc tại nhiều doanh nghiệp địa ốc chỉ duy trì ở mức 20-40% so với bình thường, việc 1 người làm thay công việc của 2-3 người diễn ra khá phổ biến.

Bà Nguyễn Hương, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đại Phúc Land chia sẻ, qua cơn bĩ cực sẽ đến hồi thái lai, do đó cộng đồng doanh nghiệp phải chấp nhận thay đổi, thậm chí là “chịu đau” để tái cấu trúc toàn diện từ nhân sự cho đến nguồn vốn, sản phẩm, dịch vụ.

“Thời của dòng tiền khó như hiện nay khiến doanh nghiệp không thể đầu tư dàn trải. Để vượt qua khó khăn, doanh nghiệp phải hướng đến những gì thị trường cần, khách hàng cần. Có như vậy, thanh khoản sản phẩm mới đảm bảo, câu chuyện ra hàng mới được giải quyết”, bà Hương nói.

Cùng góc nhìn, bà Võ Thị Khánh Trang, Phó giám đốc Savills Việt Nam cho rằng, trong bối cảnh hiện tại, các doanh nghiệp địa ốc phải có chiến lược rõ ràng thì mới có thể sống sót được trên thị trường, trong đó cần chuyển đổi phân khúc đầu tư, từ phân hạng cao cấp xuống phân hạng thấp hơn để mở rộng danh mục sản phẩm, đa dạng hóa nguồn khách hàng, từ đó tăng khả năng tạo dòng tiền.

“Thị trường khó khăn buộc các chủ đầu tư phải cơ cấu lại sản phẩm, dịch vụ theo hướng dài hạn và phục vụ nhu cầu ở thực. Hiện nay, có khá nhiều dự án quy mô lớn, phát triển song song bất động sản hạng sang và dòng sản phẩm vừa túi tiền vốn đang có nhu cầu rất lớn. Đây vừa là lợi thế cạnh tranh, vừa là hướng đi phù hợp trong tương lai”, bà Trang nhấn mạnh, đồng thời chia sẻ thêm, năm 2023 là năm bản lề cho sự hồi phục của thị trường bất động sản, sản phẩm cần tránh đưa ra một cách ồ ạt và phải là những sản phẩm đáp ứng nhu cầu của số đông.

Tin bài liên quan