Thị trường địa ốc năm 2023 chưa thể bừng sáng. Ảnh: Dũng Minh

Thị trường địa ốc năm 2023 chưa thể bừng sáng. Ảnh: Dũng Minh

2023, doanh nghiệp bất động sản tiếp tục “thủ thế”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thị trường bất động sản năm 2023 được dự báo sẽ còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, buộc nhiều doanh nghiệp phải tiếp tục thận trọng với các kế hoạch kinh doanh.

Thay đổi kế hoạch ra hàng, tìm hướng đi mới

“Thị trường dự báo tiếp tục khó khăn, ngân hàng chưa nới ‘van’ tín dụng, lãi suất vẫn trong xu hướng tăng, tâm lý người mua nhà trong trạng thái chờ đợi… Vì vậy, trong thời gian tới, chúng tôi sẽ vẫn chỉ tập trung khai thác các dự án hiện hữu mà không ra mắt dự án mới”, ông Hoàng Văn Tuấn, đại diện một doanh nghiệp địa ốc chuyên kinh doanh đất nền tại Bình Dương chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán. Thận trọng cũng là tâm lý chung của nhiều doanh nghiệp địa ốc khác khi được hỏi về kế hoạch kinh doanh năm tới.

Theo ông Tuấn, hiện nay, phần lớn vốn đầu tư của các doanh nghiệp bất động sản dựa vào vốn vay ngân hàng. Do đó, khi tín dụng bị kiểm soát chặt, cộng thêm kênh huy động từ trái phiếu doanh nghiệp cũng bị siết đã làm tắc dòng vốn, gây khó khăn cho cả chủ đầu tư lẫn người mua nhà.

“Có rất nhiều dự án không thể triển khai trong năm 2022 mà phải lùi kế hoạch sang năm 2023 do thiếu vốn. Điều này khiến nguồn cung nhà ở càng trở nên khan hiếm hơn, kéo theo giá nhà đất vẫn tiếp tục tăng, bất chấp thị trường ảm đạm”, ông Tuấn nói.

Ghi nhận của phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán cho thấy, nhiều doanh nghiệp địa ốc “trở tay không kịp” khi các kênh huy động vốn quan trọng đồng thời bị chặn lại. Chính vì vậy, các doanh nghiệp buộc phải tính toán lại lộ trình ra hàng, mở rộng hoạt động kinh doanh để đa dạng hóa nguồn thu…

Đơn cử, Vạn Phúc Group đã dời kế hoạch mở bán dự án căn hộ cao cấp nằm trong Khu đô thị Vạn Phúc sang năm 2023, đồng thời tiếp tục tập trung hoàn thiện xây dựng các hạng mục tiện ích và dịch vụ còn dang dở, hạn chế đẩy mạnh bán hàng trong tháng cuối năm 2022 và kỳ vọng diễn biến thị trường sẽ tích cực hơn trong năm 2023 để bung hàng.

Tập đoàn Nam Long cũng lùi kế hoạch mở bán các dự án ở Đồng Nai và Cần Thơ. Cụ thể, tại Đồng Nai, giai đoạn 2 của Khu đô thị Izumi City và Paragon Đại Phước dự kiến mở bán vào quý I/2023, thay vì dịp cuối năm 2022. Sự kiện mở bán dự án khu dân cư tại Cần Thơ được chuyển sang năm 2023.

Tương tự, Tập đoàn An Gia có kế hoạch giới thiệu dự án The Gio Riverside (TP. Thủ Đức) vào cuối năm 2022, nhưng vì thị trường biến động nên buộc phải lùi sang năm 2023. Tập đoàn Đất Xanh cũng dời kế hoạch triển khai một số dự án sang năm 2023 như dự án căn hộ Lux Star (TP.HCM), Opal City View, DXH Park View (Bình Dương)…

Với Thắng Lợi Group, bên cạnh tập trung tái cấu trúc hoạt động, tiếp tục mở rộng quỹ đất để chuẩn bị sẵn nguồn lực khi thị trường sôi động trở lại, doanh nghiệp này còn có kế hoạch mở rộng kinh doanh sang lĩnh vực bất động sản nông nghiệp xanh.

Trước đó, để chuẩn bị cho hướng đi mới này, Thắng Lợi Group và Ban lãnh đạo tỉnh Long An đã có buổi làm việc, xúc tiến các hoạt động thương mại, đầu tư giữa tỉnh Long An và Nhật Bản, qua đó tổ chức các buổi tham quan, tìm hiểu mô hình hoạt động của một số đơn vị, tổ chức như Viện Nông lâm nghiệp Nhật Bản Tsukuba, Viện dưỡng lão Shiratori…

Nhiều dự án tiếp tục thi công, chờ ngày ra hàng. Ảnh: Dũng Minh

Nhiều dự án tiếp tục thi công, chờ ngày ra hàng. Ảnh: Dũng Minh

Thị trường chưa thể bứt phá trong ngắn hạn

Sở dĩ các doanh nghiệp thận trọng khi lên kế hoạch cho năm 2023 là bởi thị trường bất động sản được dự báo sẽ còn đối với mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong năm tới.

Theo bà Nguyễn Thái Hà, Tổng giám đốc Thang Long Real, sau những thông tin kém tích cực liên quan tới trái phiếu doanh nghiệp, cộng với động thái chặt chẽ hơn trong việc kiểm soát tín dụng bất động sản, tâm lý người mua nhà trở nên hoang mang, tác động tiêu cực lên thị trường địa ốc. Tuy nhiên, sau thời gian thanh lọc và ổn định lại tâm lý, thị trường được kỳ vọng nhanh chóng tích cực trở lại, nhất là những doanh nghiệp sớm định hướng phát triển bền vững.

“Thị trường bất động sản trong năm 2023 sẽ tiếp tục chứng kiến sự thanh lọc mạnh mẽ. Những dự án phát triển manh mún, không vụ nhu cầu thực sẽ bị thải loại và ngược lại, những dự án của chủ đầu uy tín, được quy hoạch bài bản, pháp lý đầy đủ và các sản phẩm thanh khoản cao đã được minh chứng qua thời gian sẽ tiếp tục nhận được sự chú ý của nhà đầu tư trong và ngoài nước”, bà Hà nói.

Thực tế, thị trường sẽ không thể mãi đi lên hoặc đi xuống. Do đó, sau thời gian biến động, các nhà đầu tư sẽ quay trở lại thị trường. Ở thời điểm hiện tại, nhà đầu tư sẽ cẩn trọng và khắt khe hơn trong việc lựa chọn các sản phẩm bất động sản, cho nên các yếu tố pháp lý, sự minh bạch và uy tín chủ đầu tư sẽ càng được quan tâm hơn. Đây là tín hiệu tích cực để các doanh nghiệp bất động sản nỗ lực hơn nữa trong việc hoàn thiện sản phẩm của mình, đáp ứng nhu cầu ngày một đa dạng của thị trường.

Ông Nguyễn Hoàng, chuyên gia nghiên cứu thị trường bất động sản phân tích, có nhiều yếu tố vĩ mô tác động tới thị trường bất động sản năm 2023 nên sẽ khó bứt phá. Tuy nhiên, việc thành lập tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ để bàn các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản tạo kỳ vọng sẽ có hướng đi mới cho thị trường, bên cạnh đó là hành lang pháp lý cho lĩnh vực này sẽ được hoàn thiện hơn, khi dự án sửa đổi các sắc luật như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản… được thông qua thời gian tới.

“Kinh tế vĩ mô năm 2023 còn nhiều thách thức, mức tăng trưởng dự đoán sẽ giảm so với năm 2022 do lạm phát tăng, lãi suất tiếp tục xu hướng đi lên…, do đó thị trường bất động sản sẽ còn trầm lắng”, ông Hoàng dự báo.

Còn ông Trần Khánh Quang, Tổng giám đốc Công ty Việt An Hòa cho hay, năm 2022 là năm đặc biệt đối với thị trường bất động sản khi đạt đỉnh vào quý II, trước khi rơi nhanh trở lại sau đó do ách tắc nguồn vốn, lệch pha cung - cầu…

“Từ đầu năm tới nay, phần lớn sản phẩm bất động sản tung ra thị trường không đáp ứng nhu cầu ở thực, hơn 80% mua để đầu tư. Đồng thời, thị trường dư thừa nguồn cung bất động sản cao cấp, hạng sang. Nhiều sản phẩm mang mác hàng hiệu “vội vã ra đời” làm giá bất động sản “ăn theo” tăng giá vô tội vạ. Cùng với đó, nguồn cung nhà ở trung cấp và dân khu vực nội đô vẫn rất hạn chế do pháp lý dự án bị siết chặt.

“Chính phủ chưa tận dụng khuyến khích tung ra thị trường nhà ở giá rẻ để đáp ứng nhu cầu đang rất lớn. Đồng thời, lãi suất tăng quá cao, room tín dụng cạn kiệt là hậu quả tất yếu dẫn đến sự trầm lắng của thị trường bất động sản. Vì vậy, năm 2023, thị trường bất động sản vẫn sẽ đối mặt với nhiều khó khăn, trước khi phục hồi dần từ quý II hoặc III/2023 và bứt phá từ năm 2025”, ông Quang dự báo.

Tin bài liên quan