Sức hút của bất động sản là rất lớn. Ảnh: Dũng Minh

Sức hút của bất động sản là rất lớn. Ảnh: Dũng Minh

2022: Thị trường địa ốc tiếp tục hút tiền

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Với sự chuyển biến tích cực của nền kinh tế cùng nhu cầu đầu tư tăng, thị trường bất động sản được dự báo vẫn sẽ là kênh hút tiền trong năm 2022.

Bất động sản được ưu tiên

Cuộc khảo sát về danh mục đầu tư năm 2022 do Công ty cổ phần Tập đoàn Đất Xanh (Dat Xanh Services) thực hiện mới đây cho thấy, có đến 64% người được khảo sát lựa chọn bất động sản là loại tài sản ưu tiên đầu tư trong năm 2022; 14,7% người lựa chọn đầu tư vào chứng khoán; 7,3% lựa chọn tiền điện tử; 3,7% lựa chọn gửi tiết kiệm và mua vàng; các loại hình khác chiếm 1,8%.

Không ngạc nhiên khi bất động sản vẫn là kênh được các nhà đầu tư quan tâm nhiều nhất, bà Phạm Minh Anh, Giám đốc Dịch vụ cho vay tài chính cá nhân, Ngân hàng TNHH MTV United Overseas Bank (Việt Nam) cho biết, xu thế này khá rõ nét từ nửa sau năm 2021 vì doanh số giải ngân của ngân hàng tăng mạnh do khách hàng có nhu cầu đầu tư vào bất động sản rất cao.

“Kênh gửi tiết kiệm vốn có chỉ số đầu tư tốt, nhưng 2 năm gần đây, do mặt bằng lãi suất giảm về mức thấp kỷ lục nhiều năm nên kênh này không còn hấp dẫn nhà đầu tư”, bà Minh Anh chia sẻ.

Còn ông Trần Ngọc Huy, Giám đốc Công nghệ, Công ty cổ phần iHouzz cho hay, trong quá trình cung cấp các nền tảng kinh doanh số cho các doanh nghiệp bất động sản, ông nhận thấy rằng, giao dịch trên thị trường bất động sản vẫn diễn ra ngay cả trong thời điểm dịch căng thẳng nhất và đặc biệt bật tăng mạnh ngay khi các lệnh giãn cách kết thúc cho thấy sức hút của loại tài sản này.

“Tiền điện tử cũng được quan tâm, nhưng do hành lang pháp lý chưa được hoàn thiện nên nhà đầu tư còn dè dặt. Theo quan sát của tôi, dòng tiền chảy vào bất động sản thời gian qua có lẽ chỉ đứng sau kênh chứng khoán”, ông Huy nói.

Dưới góc độ doanh nghiệp địa ốc, ông Nguyễn Lộc Hạnh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư bất động sản Ngọc Châu Á đưa ra dự báo rằng, giá bất động sản nhiều khả năng tiếp đà tăng trong năm 2022, đặc biệt tại khu vực phía Nam với tâm điểm là thị trường TP.HCM, nguyên nhân là do các chi phí đầu vào gồm chi phí quỹ đất, chi phí xây dựng, lãi vay... vẫn trong xu hướng tăng, tạo thành chi phí đẩy, khiến sản phẩm đầu ra (giá thành) chịu nhiều áp lực tăng giá.

Bên cạnh đó, nguy cơ lạm phát tăng cũng khiến cho giá bất động sản bị ảnh hưởng từ tâm lý đội giá. Việc bất động sản tăng giá có thể gây áp lực cho hoạt động đầu tư vì đòi hỏi dòng vốn ngày càng lớn hơn trước.

Ông Trần Khánh Quang, Tổng giám đốc Công ty Việt An Hòa đánh giá, năm 2022, thị trường nhiều khả năng thiết lập mặt bằng giá mới cao hơn năm 2021. Ngoài ra, những tác động nặng nề của đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ tư lên nhiều ngành nghề kinh doanh và nền kinh tế cũng khiến cho nhà đầu tư dịch chuyển dòng tiền vào nhóm tài sản nhà, đất và các loại hình bất động sản gắn liền với đất như là kênh trú ẩn an toàn trong thời gian tới.

Phân khúc nào sẽ nóng?

Theo ghi nhận của phóng viên, ngay khi các địa phương mở cửa trở lại nền kinh tế, mức độ quan tâm tìm kiếm đất nền và nhà ở của người dân tăng vọt. Theo bà Phạm Minh Anh, xu hướng hiện nay là đầu tư vào đất nền vùng ven do nguồn cung đất sạch khu vực trung tâm đã cạn kiệt. Hơn nữa, đất nền vốn có biên độ sinh lời cao, thanh khoản tốt, cho nên tỷ lệ đầu tư luôn cao hơn so với các phân khúc khác.

Đồng quan điểm, ông Trần Ngọc Huy cũng cho rằng, việc đầu tư đất nền ở vùng ven có 2 thuận lợi là tiềm năng tăng giá tốt do mặt giá còn chưa tăng cao, chi phí đầu tư cũng không quá lớn so với các sản phẩm shophouse, condotel, biệt thự.

Còn ông Vũ Trường Thắng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Winhousing Việt Nam nhấn mạnh, đất nền sẽ tiếp tục nhận được nhiều quan tâm của nhà đầu tư trong năm nay. “Đây vẫn là kênh giữ tiền cho người dân, tránh lạm phát, mất giá”, ông nói.

Cũng theo ông Thắng, các phân khúc bất động sản du lịch, bất động sản công nghiệp cũng sẽ được chú ý khi vắc-xin Covid-19 tiếp tục được phủ rộng hơn, tạo tâm lý yên tâm để đón đầu nhu cầu du lịch, giao thương… ngày một gia tăng. Thực tế, thị trường cũng đang ấm nóng trở lại bởi người dân chấp nhận sống chung với dịch để phát triển kinh tế.

Dưới góc độ là đơn vị nghiên cứu thị trường, ông Nguyễn Quốc Anh, Phó tổng giám đốc Batdongsan.com.vn nhấn mạnh, nhu cầu đầu tư địa ốc của người dân trong năm 2022 là rất lớn. Khảo sát nhanh 1.000 người mua nhà của trang tin này cho thấy, 92% số người phản hồi cho biết sẽ tiếp tục đầu tư vào bất động sản trong năm nay, trong đó 77% có mục đích sở hữu thêm nhà đất, chỉ 23% mua để thay thế; 44% sẽ đầu tư trong 1-2 năm tới và 32% đầu tư trong 3-5 năm nữa.

Về sản phẩm đầu tư, theo ông Quốc Anh, bên cạnh đất nền, chung cư cũng được quan tâm nhiều, bởi có mức độ phục hồi rất ấn tượng kể từ đầu năm 2021 và xu hướng này được dự báo sẽ còn duy trì trong năm 2022, khi nguồn cung và mặt bằng giá chung cư đều tăng.

Thực tế, giá chung cư đã tăng trung bình 2-8% ở mọi phân khúc trong năm qua. Dữ liệu của Batdongsan.com.vn cũng cho thấy, thời điểm cuối năm 2021, lượng người tìm kiếm thông tin quy hoạch tăng mạnh trở lại, đạt 80% so với hồi đầu năm - thời điểm thị trường xuất hiện cơn sốt đất. Việc giá nhà liên tục tăng trong năm 2021 tạo thành nền giá mới cho năm 2020.

Một nguyên nhân nữa khiến chung cư được nhiều người lựa chọn “bỏ tiền”, theo bà Minh Anh, còn do người mua không cần thanh toán ngay toàn bộ giá trị căn nhà mà theo tiến độ dự án, đồng thời tổng giá trị đầu tư cũng không quá lớn so với các sản phẩm khác như biệt thự, nhà phố.

Đưa ra lời khuyên cho nhà đầu tư khi tham gia thị trường bất động sản trong thời gian tới, TS. Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao, Savill Việt Nam cho rằng, với người mua nhà để thì thời điểm hiện tại là phù hợp, bởi mặt bằng lãi vay vẫn đang duy trì ở mức thấp và nhiều chủ đầu tư tung ra nhiều chương trình ưu đãi hấp dẫn.

Với nhu cầu đầu tư, theo ông Khương, người mua nhằm mục đích kiếm lời ngắn hạn cần tính toán kỹ lưỡng phương án kinh doanh và giảm bớt kỳ vọng lợi nhuận cao, bởi việc “lướt sóng” giai đoạn hiện nay không còn dễ dàng như những năm trước.

“Bất động sản nhà ở khó có thể giảm vì nguồn cung ở các đô thị lớn khan hiếm. Tất nhiên, cũng cần lưu ý đến tính thanh khoản, bởi khi rủi ro xảy ra thì tính thanh khoản của sản phẩm là quan trọng nhất. Do vậy, cần phải thận trọng khi lựa chọn sản phẩm và nên giảm thiểu sử dụng đòn bẩy tài chính để tránh áp lực trả nợ khi thanh khoản kém, bởi trên thực tế, nhiều trường hợp tiền lãi phải trả còn lớn hơn mức độ tăng giá”, ông Khương nói.

Tin bài liên quan