VASEP cho rằng, trong ngắn hạn, xuất khẩu cá tra khó lòng thoát khỏi tăng trưởng âm.
“Nốt trầm” của cá tra Việt
Sau khi công bố mức thuế chống bán phá giá sơ bộ POR15 xuống còn 0% vào tháng 10/2019, Mỹ cũng đã chính thức công nhận hệ thống kiếm soát an toàn thực phẩm cá da trơn của Việt Nam, tạo thuận lợi cho việc xuất khẩu mặt hàng cá tra sang thị trường này.
Thế nhưng, từ mức đỉnh là 33.500 đồng/kg (tháng 10/2018), chỉ vài tháng sau đó, giá cá tra giảm mạnh.
Ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam đã chỉ ra nguyên nhân của sự sụt giảm đó là do, sau khi giá lập đỉnh, người dân đổ xô đầu tư nuôi cá tra. Hệ quả là nguồn cung dư thừa vì tiêu thụ nội địa chỉ chiếm 10% sản lượng.
Phân tích của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP) cho thấy, cùng với giá giao dịch giảm mạnh, thì thực trạng xuất khẩu cá tra sang một số thị trường lớn như Mỹ, Brazil, Colombia… tiếp tục “chìm sâu trong tăng trưởng âm” đã khiến tổng giá trị xuất khẩu cá tra chỉ đạt 1,64 tỷ USD, giảm 10% so với cùng kỳ năm 2018.
Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến hết tháng 10/2019, xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ - thị trường lớn nhất của cá tra Việt chỉ đạt 232,9 triệu USD, giảm tới 45,8% so với cùng kỳ năm 2018 và đây là mức giảm mạnh nhất trong 5 năm trở lại đây.
Ngoài ảnh hưởng từ việc giá giảm, theo VASEP, kết quả xuất khẩu giảm còn có nguyên nhân từ việc nhiều nước cũng bắt đầu nuôi cá tra nên tạo ra áp lực cạnh tranh đối với cá tra Việt Nam. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Việt Nam đang có sản lượng cá tra 1,3 triệu tấn, Ấn Độ cũng đã có 650.000 tấn, Bangladesh 450.000 tấn, Indonesia 110.000 tấn và Trung Quốc là 10.000 tấn.
Từ phân tích trên, VASEP cho rằng, xuất khẩu cá tra năm 2019 có thể sẽ giảm khoảng 15% so với 2018 và trong ngắn hạn, xuất khẩu cá tra khó lòng thoát khỏi tăng trưởng âm.
Giải cứu ngành cá tra
Để giải cứu ngành cá tra, theo ông Trần Văn Công, Phó cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), việc đầu tiên ngành cá tra cần làm là ứng dụng kỹ thuật cao trong khâu nuôi để thay vì sản phẩm đạt trọng lượng từ 800g - 1kg/con, giờ có thể nuôi thành 3 - 4 kg/con để xuất khẩu theo đơn đặt hàng của đối tác.
Bên cạnh đó, là sự thích ứng với thị trường, cần phải tuân thủ các quy định, khuyến cáo của cơ quan chuyên môn, quản lý nhà nước để sản xuất đúng theo nhu cầu thị trường.
Cũng theo ông Công, để phát triển ngành hàng cá tra trong thời gian tới, nông dân và doanh nghiệp phải tăng cường cải thiện chất lượng cá giống, cá nguyên liệu, quy trình chế biến, môi trường. Cùng với đó, cần thúc đẩy cạnh tranh và tái cấu trúc ngành cá tra, nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng hình ảnh và thương hiệu cá tra Việt Nam.
Trong khi đó, VASEP cho rằng, khối doanh nghệp ngành cá tra cần nắm bắt cơ hội đẩy mạnh vào thị trường Mỹ khi mức thuế chống bán phá giá sơ bộ POR15 xuống còn 0% và Bộ Nông nghiệp Mỹ đã công nhận hệ thống kiểm tra, kiểm soát sản phẩm cá và cá da trơn xuất khẩu của Việt Nam.
Ngoài ra, VASEP phân tích thêm, nếu các doanh nghiệp tận dụng được các hiệp định thương mại tự do (FTA) sẽ tạo nên cú hích lớn, giúp đa dạng hóa thị trường đối với thủy sản Việt Nam. Đặc biệt là đối với EVFTA, khi mức cam kết trong trong hiệp định này có thể coi là mức cao nhất mà Việt Nam đạt được trong các FTA đã được ký kết cho tới nay.
Với CPTPP, VASEP nhận định, “doanh nghiệp xuất khẩu cá tra có thể lạc quan về cơ hội tại một số thị trường tiềm năng như Mexico, Nhật Bản và Chile”.