Ảnh Internet

Ảnh Internet

2019 căng thẳng cung điện

(ĐTCK) Có nhiều yếu tố từ cả nguồn cung và sức cầu được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đưa ra để dự báo cho nguy cơ thiếu điện trong năm 2019. Khả năng tăng giá điện là khó tránh.    

Tại Hội nghị tổng kết năm 2018 và triển khai nhiệm vụ năm 2019 của EVN tổ chức mới đây, lãnh đạo tập đoàn này đã chia sẻ những khó khăn, thách thức trong việc đảm bảo cấp điện và hoạt động sản xuất - kinh doanh của Tập đoàn cũng như các đơn vị thành viên trong năm 2018 khi nhu cầu tiêu thụ điện tăng cao hơn so với kế hoạch 2,4 tỷ kWh.

2019 căng thẳng cung điện  ảnh 1

 Biểu đồ dự báo tăng trưởng cung - cầu điện.

Cụ thể, ở miền Nam, thiếu hụt nguồn cung điện trầm trọng do sản lượng khí cấp năm 2018 thấp hơn so với kế hoạch gần 450 triệu m3, tương ứng 2,5 tỷ kWh. Việc cấp than trong nước cũng không đáp ứng được nhu cầu sản xuất điện, đặc biệt trong 3 tháng cuối năm. Ðể đảm bảo an ninh cung cấp điện, EVN đã phải tăng huy động các nhà máy thủy điện, làm giảm mức nước dự trữ để cấp điện năm 2019, tương đương với 2,56 tỷ kWh.

Ðáng chú ý, ông Nguyễn Tài Anh, Phó tổng giám đốc EVN cho biết, trong năm 2018, chi phí đầu vào của ngành điện tăng cao (giá than nhập khẩu, dầu tăng, cộng với biến động tỷ giá) làm chi phí mua điện của Tập đoàn tăng 7.011 tỷ đồng. Ðiều này cộng với chênh lệch tỷ giá đánh giá lại cuối kỳ các khoản mục vay ngoại tệ tăng trên 4.000 tỷ đồng so với cùng kỳ 2017, tạo sức ép lên kết quả sản xuất - kinh doanh của Tập đoàn.

Cũng theo ông Tài Anh, việc thu xếp vốn đầu tư các dự án điện gặp khó khăn, đặc biệt nguồn vốn ODA và vốn vay nước ngoài, công tác giải phóng mặt bằng để đầu tư các dự án nguồn, lưới điện ngày càng khó khăn, phức tạp ảnh hưởng đến tiến độ các dự án cũng là những nguyên nhân gia tăng tình trạng thiếu hụt nguồn cung.

Ðánh giá về nhu cầu điện năm 2019, EVN dự báo tiếp tục tăng trưởng cao. Vấn đề đảm bảo cung ứng điện toàn quốc, ngoài nỗ lực của EVN, còn phụ thuộc rất nhiều các nhà máy điện ngoài EVN. Tính đến cuối năm 2018, nhiều hồ thủy điện, đặc biệt tại miền Trung không tích đủ nước, dẫn tới sản lượng thủy điện thiếu hụt khoảng 2,56 tỷ kWh.

Trong khi đó, việc đảm bảo nhiên liệu cho phát điện tiềm ẩn nhiều rủi ro: Khả năng cấp than trong nước thấp hơn nhu cầu gần 8 triệu tấn và phải nhập khẩu; nguồn khí trong nước đã suy giảm mạnh nhưng chưa có nguồn bổ sung. Ðặc biệt, ông Tài Anh đưa ra một số yếu tố đáng lo ngại khi các yếu tố thị trường đầu vào của sản xuất điện biến động theo xu hướng bất lợi, giá than, giá khí trong bao tiêu dự kiến sẽ tăng trong năm 2019.

“Trong bối cảnh này, năm 2019, EVN dự kiến sẽ phải huy động nguồn điện chạy dầu khoảng 2,4 - 7 tỷ kWh. Ðây sẽ là thách thức lớn đối với tình hình tài chính của Tập đoàn. Trong khi đó, nhu cầu vốn các dự án điện rất lớn, nhưng việc thu xếp vốn tiếp tục khó khăn, quá trình tái cơ cấu, sắp xếp các đơn vị, bố trí lại lực lượng lao động... sẽ diễn ra ở nhiều đơn vị và trong các khâu sản xuất, truyền tải, phân phối điện, nhưng không được ảnh hưởng tới nhiệm vụ đảm bảo sản xuất cung ứng điện”, lãnh đạo EVN cho hay.

Nguy cơ thiếu điện trên thực tế đã được nhiều chuyên gia, tổ chức lên tiếng cảnh báo. Báo cáo phân tích tăng trưởng ngành điện của CTCP Chứng khoán FPT cho thấy, tốc độ tăng trưởng của nhu cầu tiêu thụ điện cả nước trong giai đoạn 2011 - 2016 luôn tăng gấp đôi so với tốc độ tăng trưởng của GDP và vẫn đang có xu hướng tăng mạnh.

Tốc độ tăng trưởng của sản lượng điện giai đoạn vừa qua dù vẫn đạt mức 9 - 10%/năm qua từng năm, song nguy cơ thiếu điện căng thẳng hơn khi nguồn cung không theo kịp sự gia tăng của sức cầu.

Theo nhận định của FPTS, năm 2019, tốc độ tăng trưởng về tiêu thụ điện đạt khoảng 11%, giá điện có thể tiếp tục tăng do cung không bắt kịp nhu cầu điện.

Ngân hàng Thế giới (World Bank) cũng dự báo, nhu cầu tiêu thụ điện dự kiến trong các năm tới sẽ tăng dần khoảng 11 - 13%/năm khi tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam liên tục duy trì ở mức trên 6,5% giai đoạn này.          

Tin bài liên quan