Thị trường châu Á ảm đảm
Các quỹ đầu cơ (hedge funds) tập trung vào thị trường châu Á thua lỗ 1,8% trong tháng cuối năm 2018, theo số liệu của Eurekahedge, kéo dài mức sụt giảm năm 2018 lên 8,7%, màn biểu diễn tệ nhất kể từ năm 2008. Nguyên nhân của tình trạng này xuất phát từ việc tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp yếu hơn, tiến trình nâng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FeD), tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại và mối lo ngại về căng thẳng thương mại giữa Mỹ - Trung Quốc.
Năm 2018, chưa tới 1/3 số quỹ đầu cơ tập trung tại thị trường châu Á kiếm được lợi nhuận. Kết quả yếu kém của các quỹ này khiến đà giảm của các quỹ đầu tư tại các thị trường khác trên thế giới trở nên mờ nhạt hơn. Thực tế, năm 2018 đã trở thành một trong những năm tồi tệ nhất từ trước đến nay của ngành quỹ đầu cơ.
Theo dữ liệu từ chỉ số HFRX Global Hedge Fund Index, các quỹ đầu cơ trên toàn cầu thua lỗ bình quân 6,7% trong năm 2018, so với mức giảm 4,4% của chỉ số S&P 500 của thị trường chứng khoán Mỹ.
Trong số các quỹ tập trung vào thị trường châu Á, quỹ chịu tổn thương nặng nề nhất là Quantedge Capital Pte, khi lợi suất giảm 29% năm 2018, bao gồm mức giảm 6,3% trong tháng cuối năm. Ðây là kết quả gây sốc khi Quantedge luôn tăng trưởng ổn định với tỷ suất sinh lời trung bình hàng năm khoảng 20% kể từ khi thành lập vào năm 2006.
“Trong 30 năm qua, chỉ có 2 năm mà cả 4 loại tài sản đầu tư đều đi xuống, đó là 2015 và 2018. Việc giá trị danh mục đầu tư giảm là không thể tránh khỏi, dù đã thực hiện các chiến lược đa dạng hóa danh mục, bởi động lực tăng trưởng của mọi loại tài sản đều kém trong bối cảnh hiện tại”, thông báo của Quantedge cho biết.
Quantedge không phải quỹ duy nhất trong tình trạng “thê thảm”. Chỉ số theo dõi màn biểu diễn của các quỹ đầu cơ tập trung tại Trung Quốc đã giảm 15% trong năm 2018. Trong đó, quỹ Golden China Fund giảm tới 23%, mức tệ thứ hai trong lịch sử 15 hoạt động của hãng. Ðối với PruLev Global Macro Fund, dù đã hồi phục 9% trong tháng 12/2018, nhưng nỗ lực này vẫn là chưa đủ, khi cả năm 2018, lợi suất của quỹ giảm tới 16%.
Lợi suất của các quỹ đầu cơ tại châu Á và toàn cầu
giai đoạn 2000 - 2018.
Hàng trăm quỹ “sập tiệm”
Ngành công nghiệp quỹ đầu cơ đã chịu nhiều tổn thất năm 2018, khi các khách hàng rút hàng chục tỷ USD ra khỏi các quỹ này. Hàng trăm quỹ phải đóng cửa, vì việc đánh cược vào cổ phiếu công nghệ và dầu mỏ đều không mang lại kết quả khả quan.
Các tài sản nằm dưới sự quản lý của quỹ đầu cơ đã giảm 88 tỷ USD năm 2018, theo nghiên cứu của eVestment, hãng cung cấp dữ liệu cho các nhà đầu tư tổ chức.
Ðây là mức sụt giảm giá trị lớn nhất kể từ khủng hoảng tài chính cách đây một thập kỷ. Ðáng chú ý, với việc dòng vốn bị rút ra, không ít quỹ đầu tư đã lựa chọn trả lại tiền cho nhà đầu tư và đóng cửa. Cụ thể, trong 3 quý năm 2018, có hơn 400 quỹ đầu cơ đã tiến hành thanh toán mọi khoản để ngừng kinh doanh. Thực tế, đây không phải là xu hướng mới, khi có gần 3.000 quỹ đầu cơ đã đóng cửa kể từ đầu năm 2015 tới nay.