Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán tại Hội thảo “Phát triển thương mại Việt Nam giai đoạn 2016-2025”, do Viện nghiên cứu Thương mại (Bộ Công thương) tổ chức, ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho biết, mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng trong năm 2016, nhóm mặt hàng nông-thủy-hải sản tiếp tục duy trì mức tăng trưởng xuất khẩu tương đối khá so với mức tăng trưởng xuất khẩu chung của các lĩnh vực khác.
Số liệu ước tính của Bộ Công thương cho thấy, trong năm 2016, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 13,7 tỷ USD; nhóm hàng thuỷ sản là 6,4 tỷ USD và các mặt hàng lâm sản chính là trên 6 tỷ USD.
Theo đánh giá của Bộ Công thương, đây vẫn là các nhóm hàng đem lại giá trị lớn và lợi ích đặc biệt, trên nhiều phương diện, trong tổng thể hoạt động xuất khẩu. Do đó, nông-thủy sản tiếp tục là nhóm hàng được quan tâm và ưu tiên có các giải pháp xúc tiến đẩy mạnh xuất khẩu hàng đầu trong năm 2017 và những năm tới.
Cụ thể, theo ông Hải, trong năm 2016, mặc dù nhóm hàng nông sản có diễn biến ngược chiều so với những năm trước đây, khi kim ngạch xuất khẩu giảm, tốc độ tăng trưởng của một số mặt hàng chủ lực thấp, nhưng nổi lên là một số mặt hàng có giá trị kim ngạch và tốc độ tăng trưởng tốt như cà phê, hồ tiêu. Bên cạnh đó, xuất khẩu rau quả cũng đạt nhiều triển vọng tích cực, khi giá trị kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này bắt đầu vươn tới mốc 2 tỷ USD trong năm nay.
Ông Hải dự báo, đây sẽ là những mặt hàng có cơ hội xuất khẩu rất thuận lợi, đặc biệt là cà phê và hồ tiêu, sẽ tiếp tục giữ vững tốc độ tăng trưởng xuất khẩu và duy trì vị trí xuất khẩu hàng đầu trong nhóm hàng nông sản.
Còn theo ông Lê Huy Khôi, Trưởng Ban nghiên cứu và dự báo (Viện nghiên cứu Thương mại), xuất khẩu mặt hàng chè bắt đầu có nhiều tín hiệu khả quan. Các doanh nghiệp có cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng này nếu đáp ứng đầy đủ các quy chuẩn về an toàn vệ sinh, kiểm dịch của các thị trường nhập khẩu lớn.
Tuy nhiên, đối với mặt hàng xuất khẩu chủ lực từ trước tới nay là gạo, tình hình kém khả quan hơn, do xu hướng cạnh tranh trên thị trường khu vực và thế giới được dự báo sẽ lớn hơn khi có nhiều yếu tố cùng tác động. Theo phân tích của đại diện Bộ Công thương, nguyên nhân chính khiến xuất khẩu gạo suy giảm mạnh trong năm 2016 là do nguồn cung trên thị trường thế giới hiện nay đang vượt xa rất nhiều so với cầu.
“Trước đây, số nước xuất khẩu gạo không nhiều, trong đó chỉ có Ấn Độ là nước xuất khẩu với số lượng và giá trị kim ngạch lớn. Hiện nay, nước này đang trong xu hướng tăng mạnh xuất khẩu để giảm bớt lượng gạo dự trữ, nên đã trở thành quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới. Tương tự, Thái Lan thời qua cũng có lượng gạo dự trữ rất lớn và hiện cũng đang đẩy mạnh xuất khẩu, nên càng làm tăng mạnh nguồn cung trên thị trường. Ngoài ra, trong khu vực hiện cũng đang nổi lên nhiều nhà sản xuất và cung ứng tiềm năng khác nhu Myanmar và Campuchia”, ông Hải cho hay.
Trong khi đó, nhu cầu của các nước nhập khẩu gạo lớn như Philippines, Indonesia hay Malaysia lại giảm do có sự điều chỉnh trong chính sách lương thực. Do đó, xét về tổng thể, xuất khẩu gạo sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn trong năm 2017, khi cầu giảm mà nguồn cung vẫn tiếp tục tăng mạnh. Đó là chưa kể, gạo sản xuất của Việt Nam vẫn chỉ ở mức trung bình khá, những sản phẩm có chất lượng cao rất ít và chưa có thương hiệu, do đó, giá trị xuất khẩu không cao như các nước khác. Theo ông Hải, đây là những điểm bất lợi lớn, khiến cho việc xuất khẩu gạo càng thêm khó khăn.
Đối với ngành hàng thủy-hải sản, theo dự báo của Cục Xuất nhập khẩu, mặc dù vẫn có khó khăn ở một số thị trường lớn, khi các tiêu chuẩn và hàng rào về kỹ thuật ngày càng khắt khe (tiêu chuẩn về dư lượng thuốc kháng sinh, các hàng rào về phòng vệ thương mại, chống bán phá giá…), nhưng nhìn chung, xuất khẩu nhóm hàng này sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt trong năm tới, do nhu cầu nhập khẩu của các thị trường lớn tiếp tục tăng cao.
Tuy nhiên, để đảm bảo có nguồn cung ổn định, Cục Xuất nhập khẩu khuyến cáo các cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là các hiệp hội và doanh nghiệp, cần tập trung các biện pháp mang tính chất trung hạn và dài hạn để việc xuất khẩu nhóm hàng nông-thủy sản ổn định và bền vững, không bị phụ thuộc quá nhiều vào các yếu tố thiên nhiên, cũng như các yếu tố bên ngoài, dẫn tới sản lượng xuất khẩu sụt giảm mạnh như vừa qua.