2015, một năm được cho rằng vẫn còn nhiều bất ổn tại các thị trường tài chính, đã bắt đầu. Ngay từ đầu năm, giá dầu tiếp tục giảm sau khi đã giảm hơn một nửa tính từ tháng 6/2014, giá cả hàng hóa ở mức thấp trong nhiều năm cùng với năng lực sản xuất dư thừa và nhu cầu chi tiêu yếu đã đẩy mức lạm phát tiêu dùng xuống thấp hơn 0% ở châu Âu. Trong khi đó, bất ổn chính trị tại châu Âu lại tăng lên khi nhiệm vụ của đảng cực tả mới lên nắm quyền tại Hy Lạp là đàm phán lại nợ của nước này.
Dù những bất ổn trên đang hiện diện, chúng tôi vẫn tương đối lạc quan về tăng trưởng kinh tế toàn cầu và giá trị tài sản đầu tư. Kinh tế Mỹ dự kiến sẽ tăng tốc trong năm 2015 bởi mùa đông khắc nghiệt bất thường trong quý I/2014 khó có thể lặp lại, và việc nhiều việc làm mới được tạo thêm trên thị trường lao động đang thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng trong nước. Châu Âu và Nhật Bản cũng có khả năng tăng trưởng mạnh hơn nhờ chi phí vay thấp kỷ lục và tình trạng các đồng tiền yếu đi.
Mối quan ngại chủ yếu là kinh tế Trung Quốc vì chúng tôi dự đoán tăng trưởng nước này có thể chững lại. Tuy nhiên, điều này đồng nghĩa với việc chính quyền Bắc Kinh phải tập trung vào các cải cách cần thiết nhằm biến nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới từ trung tâm xuất khẩu và đầu tư thành một thị trường tiêu thụ tại chỗ mạnh mẽ. Để có được thay đổi này, Trung Quốc phải đánh đổi mục tiêu ngắn hạn cho tăng trưởng dài hạn.
Giá dầu giảm được xem như có lợi cho nhiều nền kinh tế thế giới vì chi phí năng lượng giảm đồng nghĩa với thu nhập thật của người dân tăng, lợi nhuận doanh nghiệp tăng và giúp lạm phát ở mức tương đối dễ chịu. Lạm phát thấp cho phép các ngân hàng trung ương nới lỏng chính sách tiền tệ và cho đến nay đã có hơn 12 nước cắt giảm lãi suất. Lãi suất ngân hàng trung ương giảm giúp lãi suất đến tay người tiêu dùng và doanh nghiệp giảm. Cùng với đó, nới lỏng chính sách tiền tệ cũng hỗ trợ tốt cho giới đầu tư ở các tài sản tương đối rủi ro hơn như cổ phiếu và trái phiếu, giúp họ thu được lợi nhuận cao hơn.
Tuy nhiên, phải nói rõ rằng tình hình hiện tại sẽ không dễ chịu như 6 năm qua, giai đoạn mà chứng khoán toàn cầu đã tăng trưởng hơn gấp đôi. Trong năm 2015, lợi nhuận đầu tư từ những kênh truyền thống có thể thấp hơn so với những năm gần đây. Lợi nhuận trái phiếu đã làm giảm áp lực chống lạm phát rất nhiều, điều này có nghĩa mọi diễn biến bất ngờ mang tính tích cực về tăng trưởng hoặc lạm phát đều có thể làm giảm lợi nhuận trái phiếu. Đợt tăng lãi suất đầu tiên của Cục Dự Trữ Liên Bang Mỹ (Fed) có thể xảy ra vào khoảng giữa năm nay và đó chỉ là một giai đoạn đi cùng với biến động tăng của thị trường. Chúng tôi nghĩ không nên quá lo lắng về động thái này bởi lý do Fed dự định tăng lãi suất là bởi kinh tế Mỹ đã phục hồi đáng kể kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009. Thật vậy, trong năm 2014, số lượng nhân công tại các công ty Mỹ đã tăng lên so với mỗi năm trước đây (kể từ 2009). Tin mừng là Fed luôn có những bước đi thận trọng, vì vậy, mọi điều chỉnh tăng lãi suất đều có thể có dấu hiệu rõ ràng.
Lịch sử cho chúng ta thấy rằng các thị trường cổ phiếu thường tăng mạnh khi bước vào chu kỳ tăng lãi suất – thường kéo dài đến khi trọng tâm của Fed chuyển sang chống lạm phát hơn là hỗ trợ tăng trưởng. Do vậy, chúng tôi tin rằng chúng ta chưa ở gần giai đoạn cuối của thị trường cổ phiếu tăng đà phát triển và quá trình chuyển đổi còn cách chúng ta vài quý nữa, có thể sẽ là năm 2016, hoặc thậm chí năm 2017, chứ không phải năm nay.
Tuy nhiên, lợi nhuận thấp và môi trường nhiều biến động sẽ khiến nhiều mục tiêu đầu tư khó đạt được. Chính bởi vậy, nhà đầu tư cần mở rộng tầm nhìn đầu tư đến các khu vực ít người lui tới hơn. Cách thường áp dụng lâu nay là mua cổ phiếu đang xuống ở những thị trường phát triển và khu vực châu Á, đây chính là chiến lược chúng tôi hy vọng sẽ mang lại lợi nhuận cho Standard Chartered trong năm 2015. Chiến lược này cũng bao gồm các khoản đầu tư có chọn lọc, ví dụ đầu tư vào cổ phiếu có cổ tức cao và một số thị trường trái phiếu bằng nội tệ châu Á như Trung Quốc và Ấn Độ.
Cuối cùng, có rất nhiều chiến lược khác nhau (như chiến lược lấy lợi nhuận cổ phần hàng tháng) sẽ mang lại nhiều lợi nhuận hơn trong bối cảnh rủi ro của năm 2015 so với những cách đầu tư truyền thống. Tuy nhiên, điều này thường đòi hỏi phải có tư vấn đầu tư chuyên nghiệp.
Nhìn chung, chúng tôi lạc quan về các dạng đầu tư rủi ro dù các biến động vẫn hiện hữu và khả năng Fed sẽ tăng lãi suất lần đầu tiên kể từ 2006. Tuy nhiên, chúng tôi khuyến nghị nhà đầu tư nên xem xét thêm các khoản đầu tư cổ phiếu toàn cầu mà lâu nay mang lại ít lợi nhuận hơn.