Ông Trần Như Trung, Phó giám đốc Savills Hà Nội nhận định như trên trong cuộc trò chuyện với phóng viên Đầu tư Bất động sản.
Điểm nổi bật nhất của thị trường bất động sản năm 2012 là mất tính thanh khoản. Theo ông, nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng này?
Nguyên nhân cơ bản nhất là vẫn đang tồn tại một khoảng cách rất lớn giữa kỳ vọng của bên bán hàng và khả năng hấp thụ sản phẩm của bên mua. Đối với bên bán hàng, những trói buộc trong quá khứ bằng các thỏa thuận giữa nhiều bên, khiến chủ đầu tư không thể dễ dàng thay đổi một cách linh hoạt với thị trường. Chúng tôi cho rằng, các chủ đầu tư cũng đã nhận thức rất rõ khó khăn của thị trường, nhưng những thỏa thuận trước đó khiến họ không thể thay đổi được.
Ông đánh giá gì về động thái các doanh nghiệp và nhà đầu tư khi liên tục giảm giá vào đầu năm 2013 này?
Sau 1 năm khó khăn như đã nói ở trên, có lẽ các bên trong những thỏa thuận trước đó đã nhận ra vấn đề và nhận thức được rằng, cần phải thay đổi để tồn tại, nên giảm giá là dễ hiểu, nhất là cuối năm 2012 đã có nhiều dự án chuyển chủ hoặc tìm được đối tác mới.
Liên quan đến tín dụng bất động sản, hiện nhiều ngân hàng tung ra gói cho vay mua nhà đất, song mức độ hấp thụ thấp. Nguyên nhân vì sao, thưa ông?
Vừa qua, Chính phủ đã có động thái tăng cường tín dụng cho cả nền kinh tế, trong đó đặc biệt là bất động sản. Tuy nhiên, dòng vốn tín dụng thật sự được đổ vào bất động sản theo tôi là không nhiều. Rào cản lớn nhất ngăn chặn dòng vốn này là tính khả thi của các dự án chứ không phải là việc cho vay với tỷ lệ bao nhiêu.
Trong số những giải pháp được Chính phủ đưa ra gần đây, theo ông, đâu là giải pháp thực sự cần triển khai sớm và có tính khả thi thời điểm này?
Các giải pháp được đưa ra thời gian qua tựu trung lại có 2 nội dung, đó là phát triển nhà ở xã hội và khai thông nguồn vốn cho thị trường. Theo tôi, khả thi nhất là nhóm giải pháp tập trung phát triển nhà ở xã hội. Nhưng vướng mắc nhất ở đây là ai muốn làm nhà ở xã hội khi lợi nhuận rất hạn chế? Vì vậy, ai đã quyết tâm làm nhà ở xã hội thì đừng “nhìn” sang lĩnh vực nhà ở thương mại thì mới làm được. Còn các giải pháp khai thông vốn thì phải có thời gian mới vận hành được.
Ông có thể nhận xét như thế nào về giá bất động sản của Việt Nam so với các nước trong khu vực?
Những năm 2007 - 2008, giá thuê văn phòng ở Việt Nam cao ngất ngưởng, ở Hà Nội khoảng 70 USD/m2 và TP. HCM khoảng 100 USD/m2, trong khi tại Băng Cốc (Thái Lan) là 25 - 30 USD/m2. Đến nay, giá thuê văn phòng tại Việt Nam đang trở nên hợp lý hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài muốn đến làm ăn ở Việt Nam.
Ông có dự báo gì về diễn biến thị trường năm 2013?
Tôi cho rằng, thị trường bất động sản năm 2013 vẫn nằm trong xu thế điều chỉnh giảm và sẽ còn kéo dài xu hướng này trong 1 - 2 năm tới. Tuy nhiên, với các yếu tố đột biến như tác động của chính sách, có thể hết quý II/2013, thị trường sẽ có những tín hiệu ban đầu. Trong bối cảnh đó, tôi đặt hy vọng vào sự chuyển động tích cực của phân khúc văn phòng cho thuê và nhà ở. Lĩnh vực nhà ở bao gồm căn hộ, đất nền là những sản phẩm cơ bản mà người dân có nhu cầu thật, nên có nhiều khả năng phát triển nhất. Còn phân khúc văn phòng thì phụ thuộc vào khả năng phục hồi của nền kinh tế.
Ông có những lưu ý gì cho chủ đầu tư, cũng như người mua nhà?
Tôi cho rằng, muốn thành công thì các chủ đầu tư cần chú trọng tới khâu thẩm định và phân tích dự án xem có khả thi không rồi hãy làm. Để làm được việc này, cần phải có những đơn vị thẩm định độc lập để đưa ra những phân tích khách quan cho chủ đầu tư. Trước đây, thiếu hoạt động này, nhưng do thị trường đang bùng nổ nên có chủ đầu tư vẫn thành công, tuy nhiên, đến khi thị trường trầm lắng, thì nhiều chủ đầu tư mới nhận ra sự thiếu hụt những thông tin này.
Về phía người mua nhà, những ai có nhu cầu thực và muốn mua nhà trong thời điểm này thì nên ưu tiên lựa chọn đầu tiên là vị trí và cơ sở hạ tầng, thứ đến mới là tiến độ triển khai dự án, cũng như năng lực tài chính của chủ đầu tư. Còn đối với các nhà đầu tư “lướt sóng” thì hiện tại không còn nhiều, nhưng lời khuyên của tôi là không nên tham gia vào thời điểm này.