Những ý tưởng điên rồ…
Giáo sư Stephen Hawking từng cảnh báo tương lai diệt vong của nhân loại, con người sẽ không thể tiếp tục sống ở Trái Đất với lý do như biến đổi khí hậu và cạn kiệt tài nguyên.
Tỷ phú Elon Musk thì cho rằn, nhân loại 9 tỷ người sẽ cần một “Trái Đất thứ hai” để tiếp tục tồn tại. Và ông đặt mục tiêu sẽ đưa 1 triệu người Trái Đất đầu tiên lên Sao Hỏa vào năm 2050. Một giấc mơ đẹp đầy hấp dẫn, nhưng cũng không dễ thuyết phục! Và chắc nhân loại sẽ chỉ tin Elon Musk khi những người đầu tiên đã thực sự đặt chân lên Sao Hỏa. Nhưng Elon Musk chưa từng bỏ cuộc.
Chúng tôi cố gắng thỏa mãn những nhu cầu thiết yếu mà mỗi gia đình Việt Nam đều phải có, đó là thực phẩm và đồ uống với chất lượng và giá cả hợp lý.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2015 của Masan Group, ông Danny Le, Tổng giám đốc Masan Nutri-Science (MNS) đã chia sẻ sứ mệnh của MNS là “làm sao để 90 triệu người tiêu dùng Việt Nam được ăn thịt với giá như người Mỹ”… Một giấc mơ cũng đẹp, đầy hấp dẫn, nhưng không dễ thuyết phục, vì hiện người Việt Nam đang phải trả gần gấp đôi so với người Mỹ.
Quay lại gần 15 năm về trước, Masan Consumer đã đặt ra mục tiêu được xem như là điên rồ vào thời đó: “Mỗi gia đình Việt Nam một sản phẩm của Masan”. Năm 2012, theo Kantar Worldpanel, 98% hộ gia đình Việt Nam có sử dụng ít nhất một sản phẩm của Masan.
Vì vậy, Masan là một cái tên thường gây tranh cãi, tò mò, chỉ trích và cả sự trầm trồ nể phục, bởi vì thành công mà Masan đã đạt được trong chưa đầy 20 năm hoạt động, từ một doanh nghiệp nhỏ đã trở thành tập đoàn tỷ đô hoạt động đa ngành.
Và đầu năm 2016, Masan lại tiếp tục gây tranh cãi khi xác lập mục tiêu xây dựng giá trị công ty 20 tỷ USD vào năm 2020, trong khi hiện tại con số đó đang chỉ là 2 tỷ USD.
Triết lý kinh doanh đằng sau niềm tin 20 tỷ USD là gì, Masan nói được, nhưng có làm được không?
Nói chuyện với các nhân viên và lãnh đạo của Masan về bí quyết thành công, làm sao mà với nước tương, nước mắm, mì ăn liền… lại có thể xây dựng được công ty tỷ đô? Câu trả lời đều giống nhau và khá đơn giản là: “Hàng ngày, chúng tôi nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người tiêu dùng Việt Nam, và chúng tôi làm điều đó với tình yêu như làm cho chính gia đình mình”.
Cụ thể hơn là gì? “Chúng tôi cố gắng thỏa mãn những nhu cầu thiết yếu mà mỗi gia đình Việt Nam đều phải có, đó là thực phẩm và đồ uống với chất lượng và giá cả hợp lý”.
Thực vậy, từ những ngày đầu tiên, Masan đã chỉ tập trung vào các sản phẩm mà mới nghe có vẻ rất bình thường, chỉ hiện diện trong mỗi góc bếp, nhưng lại là không thể thiếu được đối với các bà nội trợ để có được một bữa cơm gia đình ngon miệng, đủ đầy. Đó chính là nhu cầu lớn và không có giới hạn về nhu yếu phẩm hằng ngày cho 90 triệu người tiêu dùng Việt Nam. Đó là nước tương, nước mắm, mì ăn liền… trong căn bếp, đó là cà phê, bia, nước giải khát… ở phòng khách của mỗi gia đình.
Và không chỉ ngon là đủ. Ở Việt Nam, thu nhập đầu người còn thấp, nhưng họ đang phải chi trả nhiều hơn (70% thu nhập) với giá cao hơn cho các nhu yếu phẩm cơ bản hàng ngày và tiềm ẩn nguy cơ không an toàn.
Đáp ứng những nhu cầu lớn về nhu yếu phẩm hằng ngày chính là động lực để Masan đặt một mục tiêu nghe có vẻ “viển vông” là mang đến cho 90 triệu người tiêu dùng Việt Nam cơ hội tiết kiệm một nửa chi tiêu cho các nhu cầu cơ bản hàng ngày của mình.
Triết lý và mục tiêu kinh doanh đó vẫn không hề thay đổi kể cả khi Masan đã trở thành công ty tỷ đô sau khi niêm yết vào năm 2009. Masan không đầu tư vào bất động sản, hay hóa mỹ phẩm cao cấp… Vậy, có nhiều tiền rồi, Masan đã và sẽ làm gì tiếp theo?
“Cơm có thịt” - con đường tiếp theo để thực hiện mục tiêu 20 tỷ USD
Với mục tiêu “90 triệu người tiêu dùng Việt Nam được ăn thịt với giá như người Mỹ”, Masan đã thực hiện những bước đi chiến lược chắc chắn: Hiệu quả kinh doanh vượt trội thông qua việc nâng tầm quản lý điều hành tại Proconco và ANCO cùng với các innovation thành công như Bio-Zeem, trở thành cổ đông chiến lược của Vissan và gần đây nhất Masan đã hoàn thành mảnh ghép cuối cùng trong việc xây dựng chuỗi cung ứng đạm động vật 3F (“Food - Farm - Feed” - “Từ trang trại đến bàn ăn”), với lễ động thổ xây dựng trang trại chăn nuôi heo công nghệ cao đầu tiên tại tỉnh Nghệ An trong tháng 11/2016 vừa qua.
Những bước đi này không phải là “ngẫu nhiên” hay “liều lĩnh” như các nghi ngờ đặt ra khi Masan tham gia mua Vissan với mức giá cao hơn rất nhiều so với giá trị. Họ đã nhìn thấy một nhu cầu lớn tiếp theo của người tiêu dùng Việt mà Masan cần phải phụng sự. Đó là “cung cấp cho tất cả người Việt Nam các sản phẩm thịt sạch, truy xuất nguồn gốc rõ ràng, chất lượng, có thương hiệu và giá cả phù hợp, đảm bảo rằng mỗi người Việt sẽ được cung cấp đủ các nguồn dinh dưỡng từ đạm động vật cần thiết trong đời sống hằng ngày”.
Và chỉ sau 2 năm thành lập, MNS đã là công ty dẫn đầu Việt Nam về thức ăn chăn nuôi và cung cấp các sản phẩm đạm động vật có thương hiệu trong toàn chuỗi giá trị, trở thành động lực tăng trưởng về doanh thu và lợi nhuận của Masan.
Những bước đột phá tạo đà tăng trưởng liên tục
Khi Elon Musk sắp thử nghiệm thành công tên lửa không người lái SpaceX, còn Masan thì sắp xuất chuồng lứa heo đầu tiên trong chuỗi 3F của mình, và là công ty Việt Nam đầu tiên mang nước mắm Chin-Su Yod Thong đến với người tiêu dùng Thái Lan, thì thị trường vẫn nhìn Masan như một “sinh vật lạ”.
Và vì thế, ở trong nước, MSN chỉ được định giá ở mức 2 tỷ USD, còn các nhà đầu tư chiến lược như Singha (Thái Lan) đã định giá chỉ riêng mảng tiêu dùng của Masan là gần 4,2 tỷ USD bằng việc mua 25% cổ phần với giá 1,1 tỷ USD. Vậy, Masan “đáng giá” bao nhiêu? Đâu là giá trị thật của Masan?
Cùng với việc “cán đích” doanh thu năm 2016 ở mốc gần 2 tỷ USD, tăng trưởng hơn 40%, dự báo triển vọng doanh thu và lợi nhuận của Masan sẽ tiến lên một tầm cao mới và có thể bùng nổ trong những năm tiếp theo. Masan gần như có cơ hội trở thành một trong những doanh nghiệp dẫn đầu ngành hàng tiêu dùng Việt Nam.
Không dừng ở lại đó, cuối năm 2016, sau 12 tháng ký kết đối tác chiến lược với Singha (Singha Asia Holding Pte Ltd - Thái Lan), người ta bắt đầu hiểu hơn về Masan, thương vụ này không hẳn là thương vụ đầu tư thông thường, mà là một phần của chiến lược, để Masan thực hiện hóa giấc mơ “phụng sự các nhu yếu phẩm” của không chỉ 90 triệu người Việt, mà còn là 250 triệu người tiêu dùng “Inland ASEAN” (gồm Việt Nam, Thái Lan, Myanmar, Campuchia và Lào).
Rõ ràng, sự tăng trưởng của Masan trong ngành hàng tiêu dùng không phải là “nhà giàu buôn đất ăn may”. Cũng như các ông chủ ngành hàng tiêu dùng thế giới, hay ở Việt Nam có Vinamilk, Masan là đại diện cho tư duy quản trị hiện đại, cẩn trọng và khoa học trong một mô hình kinh doanh phức tạp.
...đến nhà đầu tư thông minh!
Ngoài “mảng kinh doanh cốt lõi”, Masan còn đóng vai trò là một nhà đầu tư thông minh. Một Masan “doing well by doing good” trong ngành hàng tiêu dùng và một Masan sắc sảo trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng được xem như là một “người đặc biệt”. Khoản đầu tư vào Ngân hàng Techcombank cũng là một câu chuyện đáng nói.
Năm 2016, thị trường đã chứng kiến cách mà Techcombank trở thành 1 trong 3 ngân hàng có lợi nhuận dẫn đầu ngành ngân hàng.
Và biết đâu, sự cộng hưởng giữa kinh nghiệm trong ngành hàng tiêu dùng và sự bùng nổ về nhu cầu tài chính cá nhân sẽ mang đến cho Techcombank những cơ hội đột phá mới?
Chưa gây ấn tượng trong năm 2016 do sự xuống giá toàn cầu về khoáng sản, nhưng Núi Pháo đã chứng tỏ không chỉ là mỏ Vonfram lớn nhất thế giới mà còn là mỏ có giá thành cạnh tranh nhất thế giới với các tiêu chuẩn vận hành quốc tế.
Không những vậy, Núi Pháo đang kiểm soát 36% thị phần Vonfram thế giới (ngoài Trung Quốc).
Với Núi Pháo, Masan đã chứng minh rằng, Việt Nam có thể tự hào chúng ta không chỉ đơn thuần là nơi cung cấp lao động và nguyên liệu chi phí thấp, mà còn là một nhà sản xuất hóa chất công nghệ cao và các sản phẩm giá trị gia tăng.
“Quà Tết” cho người đặt niềm tin
Những ai nghi ngại về Masan, chưa đặt niềm tin vào cổ phiếu MSN ắt hẳn sẽ tiếc nuối bởi đúng dịp Tết Đinh Dậu năm nay, những cổ đông đồng hành cùng Masan 3 năm qua đã nhận được “quà Tết” hậu hĩnh: mỗi cổ phần MSN được chia cổ tức 30%. Masan đã bỏ ra 2.277 tỷ đồng để tưởng thưởng cổ đông. Đặc biệt, sau đợt thanh toán cổ tức bằng tiền với tỷ lệ 30% này, Masan sẽ tiếp tục phát hành cổ phiếu thưởng với tỷ lệ 50% (nghĩa là cổ đông sở hữu 2 cổ phần sẽ được nhận 1 cổ phiếu thưởng).
Việc chi trả cổ tức này đã minh chứng rằng, Masan đã, đang và sẽ là một “mỏ vàng” cho những cổ đông có tầm nhìn, có niềm tin vào Masan.
Ngày 5/1/2017, thị trường UpCom đã chào đón thành viên mới MCH cũng có vốn hóa tỷ đô, nghịch lý là giá trị của MCH mà MSN đang sở hữu hơn 80% lại có giá vốn hóa cao hơn cả công ty mẹ, chưa kể những thành viên đẻ trứng vàng khác của MSN như MNS, MSR và TCB. Nhà đầu tư thông minh đã đặt niềm tin vào MSN chắc hẳn năm nay đón Tết lớn, vì vô hình chung họ đang sở hữu luôn 3 cổ phiếu vàng khác MCH, MSR và TCB gián tiếp thông qua việc sở hữu cổ phiếu MSN, với giá vốn thấp hơn giá trị thật rất nhiều.
Quay lại câu chuyện của Elon Musk, thành công của ông không phải đến từ mục tiêu kiếm ra bao nhiều tiền mà là sản phẩm của ông đã giải quyết những vấn đề gì của nhân loại, và tự bản thân ông lãnh nhận sứ mệnh đứng ra thực hiện trọng trách đó, cho dù người ta vẫn tiếp tục nghi ngờ tính khả thi.
Masan được định giá 20 tỷ USD vào năm 2020, cần thêm 4 năm nữa để trả lời câu hỏi “Masan có đạt được hay không?”.
Chúng ta có quyền nghi ngờ và cho rằng, đó là tham vọng điên rồ. Nhưng chắc chắn như Elon Musk, họ vẫn đang dấn bước trên con đường đã chọn để tìm cách đạt được điều đó. Và chúng ta hãy cùng xem…