Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. Ảnh: Tiến Trung.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. Ảnh: Tiến Trung.

20 năm, tín dụng chính sách vẫn là mô hình phù hợp với cấu trúc hệ thống chính trị và thực tiễn Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Cùng với mục tiêu tăng trưởng kinh tế, Nhà nước luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với công tác giảm nghèo, tạo cơ hội bình đẳng tiếp cận các nguồn lực để phát triển nâng cao thu nhập cho người nghèo và các đối tượng yếu thế, trong đó có giải pháp về tín dụng chính sách xã hội.

Nơi niềm vui không chỉ nhân đôi…

Ông Lý Văn Pao, thôn Khâu Bủng, xã Quyết Tiến, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang cho biết, sinh ra và lớn lên tại một bản đặc biệt khó khăn, xã cũng thuộc vùng khó khăn và huyện là một trong các huyện nghèo 30A của cả nước. Hoàn cảnh gia đình túng thiếu về mọi mặt, phải lo kiếm ăn từng bữa, không có việc làm, đặc biệt khó khăn lại chồng chất khi hai vợ chồng sinh con đầu lòng…

“Cuộc sống càng thiếu thốn, vất vả hơn, vợ chồng thường xuyên lục đục, cãi cọ nhau. Hàng đêm suy nghĩ làm sao để cái đói không còn theo mình… Nhiều lúc nghĩ cả hai vợ chồng cùng khỏe mạnh, cùng chăm chỉ làm mà sao cứ khổ, cứ nghèo mãi thế”, ông Pao nói.

Năm 2014, sau khi được Tổ tiết kiệm và vay vốn nhất trí bình xét, ông Pao được vay vốn theo chương trình cho vay hộ nghèo tại Ngân hàng Chính sách xã hội, với số tiền ban đầu là 30 triệu đồng đầu tư chăn nuôi 2 con bò sinh sản. Qua 8 năm vay vốn, ngoài việc chăn nuôi bò, lợn ra, hiện nay vườn cây lấy quả của gia đình ông Pao đang phát triển tốt và đã cho thu hoạch hàng năm.

“Do vậy, đến nay lao động gia đình đủ việc làm, mức thu nhập bình quân năm của gia đình được 70 - 90 triệu đồng/năm, tích lũy mua sắm được một số vật dụng, nhà cửa khang trang hơn”, ông Pao nói.

Không chỉ ở vùng sâu, vùng xa mà ngay tại thành phố lớn cũng có những hoàn cảnh khó khăn. Bà Ngô Thị Lan, khu 6 xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội chia sẻ, chồng mất từ khi 3 con còn nhỏ và gia đình thuộc diện Hộ nghèo. Bà Lan được tiếp cận nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Đông Anh với số tiền 15 triệu đồng để đầu tư chăn nuôi bò từ nguồn vốn chương trình cho vay Hộ nghèo.

Đặc biệt, đến năm 2007, khi Chính phủ có chính sách cho vay đối với học sinh, sinh viên đi học, con gái lớn của bà Lan sau khi thi đỗ vào trường Đại học Y Hà Nội đã được vay tổng tiền qua các năm là 47,6 triệu đồng. Năm 2009, người con thứ hai thi đỗ vào khoa Công nghệ thông tin, trường Cao đẳng Bách khoa Hưng Yên, bà Lan tiếp tục vay tiền cho con đi học với tổng số tiền vay qua các năm là 30,1 triệu đồng. Đến năm 2011, con gái thứ ba của của bà Lan đã đỗ Đại học Sư phạm Hà Nội cũng được bình xét vay vốn từ Ngân hàng chính sách xã hội với tổng số tiền vay qua các năm là 40 triệu đồng.

“Nhờ chịu khó làm ăn, các cháu chăm ngoan, chịu khó học tập nên gia đình tôi đã thoát nghèo, các cháu có công việc làm, thu nhập ổn định, hiện gia đình đã trả hết nợ tổng số tiền vay cho các con đi học Đại học là 117.800.000 đồng”, bà Lan nói.

Những thành quả trên cho thấy, trên chặng đường 20 năm hoạt động và phát triển (2002-2022), tín dụng chính sách xã hội tại Ngân hàng Chính sách xã hội là một cấu phần quan trọng trong chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, góp phần tạo nên sự chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện ở các gia đình nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Tập trung ưu tiên nguồn vốn góp phần tạo sinh kế

Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến Tổng kết 20 năm thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 4/10/2002 của Chính Phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác diễn ra sáng ngày 29/12, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) kiêm Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh, hoạt động tín dụng chính sách xã hội luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước. Đồng thời là sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành Trung ương, cấp ủy, chính quyền địa phương; sự phối hợp chặt chẽ của các tổ chức chính trị - xã hội.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) kiêm Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội Nguyễn Thị Hồng phát biểu tại Hội nghị

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) kiêm Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội Nguyễn Thị Hồng phát biểu tại Hội nghị

“Vì vậy, 20 năm qua, Ngân hàng Chính sách Xã hội đã xây dựng được mô hình tổ chức, phương thức quản lý tín dụng phù hợp với cấu trúc hệ thống chính trị và thực tiễn Việt Nam. Tập trung huy động nguồn lực, tổ chức thực hiện hiệu quả việc cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, góp phần quan trọng thực hiện thành công mục tiêu giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới”, bà Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đánh giá cao Ngân hàng Chính sách xã hội và những kết quả đạt được qua 20 năm triển khai chính sách tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, góp phần tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện mục tiêu xoá đói giảm nghèo, giải quyết việc làm và đảm bảo an sinh xã hội.

Đồng thời, Phó Thủ tướng Chính phủ đề nghị Ngân hàng tiếp tục nâng cao năng lực quản trị, thực hiện hiệu quả mô hình tổ chức, phương thức quản lý tín dụng chính sách đặc thù; tập trung huy động các nguồn lực tài chính theo phương châm “Nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân cùng làm”, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu cho vay vốn người nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Bên cạnh đó, triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội, tạo điều kiện để người dân sản xuất kinh doanh; tăng cường quản lý, giám sát nguồn vốn vay, không để cho vay sai đối tượng, sai mục đích; tiếp tục củng cố, kiện toàn, tinh gọn tổ chức bộ máy; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số...

Đặc biệt, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, quyết định số 1630/QĐ-TTg ngày 28/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ, xác định nhiệm vụ chỉ đạo, triển khai thực hiện chính sách tín dụng xã hội là nội dung công tác thường xuyên.

“Ngân hàng Chính sách xã hội cần rà soát, đánh giá để đề xuất các sản phẩm tín dụng phù hợp theo hướng tăng định mức và mở rộng đối tượng được vay. Trong đó, tập trung ưu tiên nguồn vốn đầu tư cho đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng đặc biệt khó khăn. Đối tượng vốn vay cần hướng đến các dự án sản xuất, kinh doanh với quy mô lớn, sản phẩm được tạo ra theo chuỗi giá trị, góp phần tạo sinh kế, nâng cao thu nhập và thực hiện tốt an sinh xã hội”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Tin bài liên quan