20 bệnh viện thí điểm đặt lịch khám bệnh trực tuyến

0:00 / 0:00
0:00
Thời gian tới, 20 bệnh viện lớn sẽ thí điểm đặt lịch khám bệnh trực tuyến.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long phát biểu tại cuộc họp.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long phát biểu tại cuộc họp.

Ngày 9/4, Bộ Y tế tổ chức cuộc họp bàn với lãnh đạo các BV lớn để chuẩn bị triển khai thực hiện đặt lịch khám, chữa bệnh trực tuyến.

Trong những năm qua Bộ Y tế luôn tìm những giải pháp nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân. Một trong những nơi được quan tâm đầu tư nhất là khu vực phòng khám bệnh của các bệnh viện.

Nhiều năm qua, một số khoa khám bệnh của bệnh viện trong tình trạng chật chội, quá tải, điều kiện vệ sinh, điện nước chưa bảo đảm.

Việc hẹn giờ khám, chữa bệnh chưa được triển khai đồng bộ, toàn diện nên người bệnh phải đi sớm, xếp hàng nhiều khâu như chờ đăng ký khám bệnh, chờ nộp viện phí, chờ làm cận lâm sàng, chờ phát thuốc.

Ngoài ra, bệnh viện chưa chủ động điều hành nhân lực cho khu vực khám chữa bệnh, gây quá tải cho nhân viên y tế nhất là trong các vụ dịch cao điểm.

Để giải quyết những khó khăn, thách thức nêu trên, hoạt động đặt lịch khám, chữa bệnh trực tuyến dựa trên nền tảng công nghệ thông tin là giải pháp duy nhất để giải quyết những khó khăn, tồn tại nêu trên.

Thông tin cụ thể hơn về các biện pháp triển khai đặt lịch khám chữa bệnh trực tuyến TTND. Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho hay, hoạt động đặt lịch khám chữa bệnh trực tuyến được sử dụng tại tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh, áp dụng với tất cả các đối tượng người bệnh BHYT, khám dịch vụ theo yêu cầu.

Thực hiện điều này giúp người bệnh hạn chế phải xếp hàng, chủ động chọn giờ và bác sĩ khám, thanh toán viện phí không dùng tiền mặt và được tạm ứng trước, rút ngắn một nửa thời gian khám bệnh, chữa bệnh so với quy trình hiện tại.

Tuy nhiên, để thực hiện tốt, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh cho hay, các bệnh viện phải chủ động xây dựng kế hoạch nhân lực chuyên môn, cơ sở vật chất, trang thiết bị khám chữa bệnh cũng như công nghệ thông tin để phục vụ người bệnh tốt hơn.

Với việc tổ chức dịch vụ đặt khám qua mạng tại các cơ sở y tế theo ông Khuê gồm có các hình thức như qua số điện thoại tổng đài đặt khám, qua website, App, kios của bệnh viện (phổ biến với những bệnh nhân mạn tính đến khám, kê đơn và lĩnh thuốc theo hạn).

Về thời gian thực hiện, theo ông Khuê, giai đoạn thí điểm thực hiện từ khi Đề án được phê duyệt đến tháng 10/2021. Giai đoạn 2 tổ chức thực hiện tại tất cả cơ sở khám chữa bệnh trên toàn quốc.

Với những tiện ích khi áp dụng đề án này, yêu cầu đầu tiên Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đặt ra với hệ thống là người dân chỉ cần nhập số sổ BHYT vào hệ thống đặt lịch, lập tức hệ thống sẽ chuyển về nơi quản lý số BHYT nhằm đảm bảo khi đến cơ sở bệnh nhân sẽ biết được mấy giờ sẽ có mặt tại cơ sở đó, khám bác sĩ nào, phòng bệnh nào…

Về phía bác sĩ, khi bệnh nhân đến viện, bác sĩ chỉ cần mở phần mềm quản lý hồ sơ sức khoẻ điện tử và phần mềm quản lý bệnh viện ra thì tất cả hồ sơ sức khoẻ bệnh nhân (đăng ký đó) đã có trong phần mềm này, bao gồm lịch sử khám chữa bệnh, thậm chí kết quả chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm, đơn thuốc đã có trước đó).

Qua phần mềm đặt lịch khám, bác sĩ sẽ biết lịch sử khám chữa bệnh của bệnh nhân tại tất cả cơ sở y tế đã từng khám, điều trị, hạn chế được tình trạng có bệnh nhân 2 tháng đi khám BHYT tới 80 lần.

Bộ trưởng Bộ Y tế cũng cho hay, Bộ đã thống nhất với BHXH, từ 1/7 năm nay, khám chữa bệnh ngoại trú phải triển khai đặt lịch khám chữa bệnh trực tuyến để được thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT. Điều này có nghĩa là, nếu các cơ sở khám, chữa bệnh không triển khai thực hiện hệ thống mới này sẽ không được thanh toán chi phí dịch vụ khám chữa bệnh BHYT ngoại trú.

Ủng hộ thực hiện đề án nêu trên, ông Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, số lượng bệnh nhi khám BHYT vào đầu giờ sáng rất đông, bệnh viện thường xuyên phải bố trí lượng lớn nhân lực để làm các công việc liên quan tới thẩm định thẻ BHYT.

Dù vậy, do lượng lớn bệnh nhân dồn vào một thời điểm nên khó tránh việc bệnh nhi phải chờ đợi. “Nếu triển khai thành công đề án sẽ giúp ích lớn cho bệnh nhân, hạn chế thời gian chờ đợi đồng thời tránh nạn “cò mồi” bệnh viện”, lãnh đạo Bệnh viện Nhi Trung ương nêu.

Tuy vậy, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cũng nêu lên lo ngại khi triển khai thực hiện là chưa có nền tảng quốc gia về đặt lịch khám, không có kết nối thông tin giữa website đặt khám và phần mềm HIS của bệnh viện do vậy có thể mất thời gian nhập lại thông tin.

Về phía Bệnh viện K, PGS.TS Lê Văn Quảng, Giám đốc Bệnh viện mong muốn thời gian đầu, hệ thống nên triển khai đặt lịch khám qua điện thoại, tin nhắn trước thông tin về số thẻ BHYT qua tin nhắn trong trường hợp người bệnh không có điện thoại thông minh.

Đồng tình ý kiến này, GS.TS Lê Ngọc Thành, Giám đốc Bệnh viện E mong muốn hệ thống triển khai ở bệnh nhân ngoại trú trước, nội trú sau, tiếp theo sẽ triển khai thanh toán các chi phí dịch vụ khám chữa bệnh không dùng tiền mặt.

Ở một góc nhìn khác, ông Nguyễn Thanh Bình, Phó giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội thì cho rằng, dù tốt song không dễ để triển khai. Theo đó, thời gian qua BV đã triển khai dịch vụ đặt lịch khám, song tỉ lệ người bệnh chọn dịch vụ này vẫn chỉ dao động ở mức 18 đến 20%.

Vậy nên theo ông Bình, vấn đề cần thiết là bản thân hệ thống phầm mềm đã đáp ứng được yêu cầu hay chưa, bản thân người dân có sẵn sàng lựa chọn sử dụng dịch vụ đặt khám. "Và hiệu quả đặt khám trực tuyến tới đâu là câu hỏi mà các bệnh viện cần trả lời để người dân tin tưởng", ông Nguyễn Thanh Bình nêu.

20 bệnh viện thực hiện thí điểm là: BV Bạch Mai, BV Nhi Trung ương, BV K, BV Đại học Y Hà Nội, BV Việt Đức, BV E, BV Răng hàm mặt TW, BV Tai mũi họng TW, BV Mắt Trung ương, Bệnh viện Xanh Pôn, BV Đa khoa Đống Đa, BV Ung bướu Hà Nội, BV Đa khoa tỉnh Phú Thọ, BV Đa khoa tỉnh Bắc Ninh, BV Đa khoa tỉnh Hà Nam, BV huyện Nga Sơn- tỉnh Thanh Hoá, BV huyện Vĩnh Tường- tỉnh Vĩnh Phúc, BV tư nhân Tâm Anh, Hà Nội

Tin bài liên quan