Tín dụng ngoại tệ tăng sẽ gây áp lực tới thanh khoản ngoại tệ
Đổ xô vay ngoại tệ trước giờ G
Ông Vũ Nhật Lâm, Phó tổng giám đốc OceanBank cho biết, từ khi OceanBank triển khai chương trình vay USD ưu đãi, số lượng khách hàng hỏi vay ngoại tệ của ngân hàng này tăng mạnh. Thực tế, không chỉ OceanBank, mà tình trạng doanh nghiệp đổ xô vay ngoại tệ xảy ra ở hầu hết các ngân hàng thời gian gần đây.
Theo các ngân hàng, việc NHNN ban hành Thông tư 29/2013/TT-NHNN có hiệu lực từ đầu năm 2014 là một trong những nguyên nhân khiến tín dụng ngoại tệ tăng mạnh, bởi Thông tư đã mở rộng danh sách các nhóm doanh nghiệp được vay vốn bằng ngoại tệ. Theo đó, các tổ chức tín dụng có thể tài trợ ngoại tệ cho một số lĩnh vực được khuyến khích sau khi có sự chấp thuận của NHNN. Khoản vay có thể được chuyển đổi thành VND để sử dụng và có thể không cần đảm bảo bởi nguồn thu ngoại tệ như trước.
Quy định trên, cộng với tỷ giá ổn định, lãi suất USD hấp dẫn khiến doanh nghiệp đổ xô vay ngoại tệ. Tính đến ngày 22/9, tín dụng ngoại tệ tăng trên 20,77%, cao gấp 5 lần tín dụng tiền đồng.
Ông Nguyễn Cảnh Hồng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nhựa châu Âu (Eurowindow) khẳng định, năm 2014, tỷ giá ổn định và lãi suất thấp đã khiến doanh nghiệp tiết giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh, tiếp tục phát triển.
Dĩ nhiên, tín dụng ngoại tệ “được mùa” không chỉ có lợi cho doanh nghiệp, mà còn giúp nhiều ngân hàng vớt vát được phần nào lợi nhuận trong dịp cao điểm cuối năm. Tuy nhiên, điều khiến cả ngân hàng và doanh nghiệp băn khoăn là ngày 31/12/2014, Thông tư 29 sẽ hết hiệu lực, đồng nghĩa với việc cho vay ngoại tệ có thể sẽ bị siết lại.
Đại diện Hiệp hội Chế biến xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho hay, vay vốn ngoại tệ lãi suất thấp giúp doanh nghiệp có điều kiện đầu tư, quay vòng vốn kinh doanh. Nếu bị siết, doanh nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn bởi lãi vay tiền đồng vẫn đứng ở mức cao. Theo tính toán của vị này, một doanh nghiệp quy mô vừa, nếu được vay vốn bằng ngoại tệ, sẽ tiết kiệm mỗi năm 20-50 tỷ đồng so với tiền đồng.
Trong khi đó, các ngân hàng cũng rất kỳ vọng NHNN sẽ tiếp tục gia hạn các quy định “nới” về cho vay ngoại tệ trong năm 2015. Trong báo cáo kiến nghị NHNN mới đây, Nhóm công tác ngân hàng cũng đề nghị NHNN làm rõ chủ trương về cho vay bằng ngoại tệ đối với các khoản vay trong nước trước khi Thông tư 29 sắp hết hiệu lực.
Sẽ tiếp tục “nới” vay ngoại tệ?
Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Đầu tư về việc sẽ nới hay siết cho vay ngoại tệ trong năm 2015, bà Nguyễn Thu Hà, Phó vụ trưởng phụ trách Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) cho hay, vấn đề này đang được NHNN xem xét và sẽ đưa ra quy định cụ thể thời gian sắp tới.
Trong khi đó, đa phần chuyên gia kinh tế ủng hộ việc “nới” cho vay ngoại tệ thêm một thời gian nữa. TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng, trong bối cảnh kinh tế chậm phục hồi, tín dụng tăng trưởng chậm như hiện nay, tín dụng – dù là ngoại tệ hay tiền đồng - tăng mạnh đều là dấu hiệu đáng mừng.
Còn theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, tín dụng ngoại tệ tuy tăng mạnh, nhưng chỉ chiếm khoảng 15% tổng tín dụng. Nếu tính cả các khoản tiền gửi ngoại tệ trong nước và nguồn vốn nước ngoài, thì hệ số sử dụng vốn ngoại tệ khá thấp, chỉ khoảng 50 - 60%. Ngoài ra, xuất khẩu, kiều hối, FDI và dự trữ ngoại tệ đều tăng mạnh sẽ giúp tỷ giá thời gian tới tiếp tục ổn định, ngay cả khi tín dụng ngoại tệ tiếp tục tăng.
Mặc dù vậy, một số chuyên gia cũng cho rằng, tín dụng ngoại tệ tăng mạnh sẽ gây áp lực nhất định với thanh khoản ngoại tệ. Mặt khác, việc cho phép ngân hàng được vay ngoại tệ, sau đó chuyển đổi sang tiền đồng sẽ gây ra những nguy cơ tiềm ẩn về tỷ giá, khi các khoản vay này đến kỳ đáo hạn.
Trước những ý kiến khác nhau, TS. Trần Hoàng Ngân, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cho rằng, hiện thanh khoản ngoại tệ của hệ thống ngân hàng và dự trữ ngoại hối của NHNN khá dồi dào. Do đó, trong giai đoạn trước mắt, NHNN có thể tiếp tục “nới” cho vay ngoại tệ, song về lâu dài, phải kéo mặt bằng lãi suất tiền đồng xuống thấp hơn nữa. Khi đó, doanh nghiệp sẽ tăng vay vốn tiền đồng thay vì vay vốn ngoại tệ.