2 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu nhóm nông, lâm, thuỷ sản ước đạt 2,95 tỷ USD, tăng 9,7%
Số liệu của Bộ Công thương cho thấy, tháng 2/2016, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 10,3 tỷ USD, tăng 8,4% so với cùng kỳ và giảm 22,9% so với tháng 1 năm 2016, trong đó xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) ước đạt 7,25 tỷ USD tăng 13,9% so với cùng kỳ.
Tính chung 2 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 23,66 tỷ USD, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm 2015.
Đáng lưu ý, 2 tháng đầu năm 2016, kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng công nghiệp chế biến tăng trưởng khoảng 5,4% so với cùng kỳ năm 2015, đây là mức tăng trưởng khá thấp so với năm 2015.
Trong số 42 nhóm mặt hàng thống kê xuất khẩu, có đến 21 nhóm mặt hàng có giá trị xuất khẩu giảm như thức ăn gia súc và nguyên liệu; hóa chất; phân bón các loại; chất dẻo nguyên liệu; clinker và xi măng...
Riêng kim ngạch xuất khẩu nhóm nhiên liệu, khoáng sản 2 tháng đầu năm ước 0,41 tỷ USD, giảm 51,7% so với cùng kỳ năm 2015 và chiếm tỷ trọng 1,7%.
Đặc biệt, một số nhóm mặt hàng lớn có tốc độ tăng trưởng khá trong năm 2015 là điện thoại các loại, linh kiện, máy vi tính, linh kiện điện tử, máy quay phim và linh kiện đang có xu hướng tăng trưởng chậm lại đã ảnh hưởng đến tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam.
2 tháng đầu năm xuất khẩu của xuất khẩu nhóm hàng nông lâm thuỷ sản có sự phục hồi so với cùng kỳ năm 2015, phần lớn xuất khẩu các mặt hàng nông sản, thuỷ sản đều tăng trưởng, trong đó có một số mặt hàng đạt tốc độ tăng trưởng khá như gạo, rau quả và nhân điều.
Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu nhóm nông, lâm, thuỷ sản ước đạt 2,95 tỷ USD, tăng 9,7% so với cùng năm năm 2015 và chiếm tỷ trọng 12,5% trong tổng kim ngạch xuất khẩu, trong đó một số mặt hàng có lượng xuất khẩu tăng cao như nhân điều, gạo, cà phê..
Kim ngạch xuất khẩu 2 tháng đầu năm 2016 của cả nước tăng thêm 667 triệu USD so với cùng kỳ năm 2015; trong đó, kim ngạch của khu vực FDI (không kể dầu thô) tăng khoảng 806 triệu USD, kim ngạch của khu vực trong nước giảm 288 triệu. Xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước vẫn còn nhiều khó khăn.
Nhập khẩu của cả nước giảm gần 1,6 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước, trong đó nhập khẩu của khu vực FDI giảm 1,13 tỷ USD, khu vực trong nước giảm 467 triệu USD. Trong đó, nhập khẩu của nhiều mặt hàng là nguyên liệu đầu vào của sản xuất giảm như: thủy sản, ngô, đậu tương, thức ăn gia súc, bông, xơ sợi, nguyên liệu dệt may da giày...