2 tháng đầu năm, sản xuất điện toàn quốc giảm so với cùng kỳ năm 2022

2 tháng đầu năm, sản xuất điện toàn quốc giảm so với cùng kỳ năm 2022

0:00 / 0:00
0:00
Lũy kế 2 tháng đầu năm 2023, sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống đạt 38,61 tỷ kWh, giảm 2,2% so với cùng kỳ năm 2022.

Trong tháng 2/2023, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã đảm bảo cung cấp điện an toàn, liên tục, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của nhân dân. Đồng thời, đã hoàn thành tốt việc xả nước đổ ải vụ Đông Xuân 2022-2023 cho các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ.

Riêng tháng 2/2023, sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống đạt 20,22 tỷ kWh, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm 2022 vốn là có kỳ nghỉ Tết dài.

Tuy nhiên tính chung 2 tháng đầu năm 2023, sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống đạt 38,61 tỷ kWh, giảm 2,2% so với cùng kỳ năm 2022. Đây là điều đáng cảnh báo khi gần như hoạt động sản xuất – kinh doanh nào cũng cần đến điện.

Tỷ lệ huy động một số loại hình nguồn điện trên tổng sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống như sau:

+ Thủy điện đạt 10,57 tỷ kWh, chiếm 27,4%.

+ Nhiệt điện than đạt 16,47 tỷ kWh, chiếm 42,7%.

+ Tua bin khí đạt 4,32 tỷ kWh, chiếm 11,2%.

+ Năng lượng tái tạo đạt 6,45 tỷ kWh, chiếm 16,7% (trong đó điện mặt trời đạt 3,87 tỷ kWh, điện gió đạt 2,4 tỷ kWh).

+ Điện nhập khẩu đạt 735 triệu kWh, chiếm 1,9%.

Sản lượng điện truyền tải tháng 02/2023 đạt 16,1 tỷ kWh. Lũy kế 02 tháng năm 2023, sản lượng điện truyền tải đạt 30,53 tỷ kWh, tăng 0,2% so cùng kỳ năm trước.

Đối với các nguồn điện mới, EVN tiếp tục tập trung thi công các dự án thủy điện Hòa Bình mở rộng, Ialy mở rộng, nhiệt điện Quảng Trạch 1.

Riêng dự án thủy điện Trị An mở rộng hiện đang chờ được các cơ quản quản lý nhà nước có thẩm quyền và UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt chủ trương đầu tư dự án.

Còn Dự án thủy điện tích năng Bác Ái đang được tiếp tục hoàn thiện thiết kế kỹ thuật giai đoạn 2.

Cũng trong 2 tháng đầu năm 2023, EVN và các đơn vị đã khởi công 07 công trình và hoàn thành đóng điện, đưa vào vận hành 11 công trình lưới điện từ 110 kV đến 500 kV.

Cạnh đó tình hình tài chính của EVN tiếp tục khó khăn, không đảm bảo cân bằng tài chính. Nguyên do giá nhiên liệu đầu vào sản xuất điện tăng cao đột biến từ đầu năm 2022, trong khi giá bán lẻ điện vẫn duy trì từ 2019 đến nay và vẫn chưa có động thái nào về điều chỉnh giá sớm.

Dù hoàn cảnh tài chính khó khăn vậy nhưng đến hết tháng 2/2023, các đơn vị trong toàn EVN đã hoàn thành 97,18% kế hoạch thực hiện công tác chuyển đổi số. Trong đó các lĩnh vực kinh doanh và dịch vụ khách hàng và đầu tư xây dựng đã cơ bản hoàn thành 100%, một số lĩnh vực đã hoàn thành với tỷ lệ cao như quản trị nội bộ (99,93%), sản xuất (96%).

Tháng 03/2022, sản lượng tiêu thụ điện bình quân ngày toàn hệ thống dự kiến ở mức 743,5 triệu kWh/ngày.

Mục tiêu vận hành hệ thống cũng được EVN đặt ra là tiếp tục đảm bảo sản xuất, cung ứng điện cho hoạt động sản xuất kinh doanh và sinh hoạt người dân. Tiết kiệm triệt để thủy điện đa mục tiêu, khai thác các nhà máy thủy điện còn lại theo định hướng điều tiết tối ưu trong kế hoạch vận hành, đáp ứng ràng buộc lưới điện/nhu cầu hệ thống và yêu cầu cấp nước hạ du.

Huy động cao các nhà máy nhiệt điện than, tuabin khí để giữ nước các hồ thủy điện; huy động theo nhu cầu hệ thống các nhà máy than nhập khẩu, đảm bảo các ràng buộc chống quá tải lưới điện và chất lượng điện áp.

Đồng thời, để giảm bớt những khó khăn trong vận hành hệ thống điện trong các tháng mùa khô năm 2023, EVN tiếp tục khuyến cáo người dân, các cơ quan công sở và nơi sản xuất cần chú ý sử dụng điện an toàn, tiết kiệm.

Tin bài liên quan