2 quý cuối năm, doanh nghiệp dệt may khởi sắc

2 quý cuối năm, doanh nghiệp dệt may khởi sắc

(ĐTCK) Từ tháng 9 cho đến đầu năm sau, nhu cầu mua sắm phục vụ các dịp lễ, Tết và xuất khẩu dệt may tăng mạnh là cơ hội để các doanh nghiệp ngành dệt may có sự thay đổi ngoạn mục về kết quả kinh doanh.

Trong số các doanh nghiệp dệt may niêm yết, CTCP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (TCM) tiếp tục là doanh nghiệp có doanh thu quý II lớn nhất với 663,6 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm, giá bông thế giới biến động mạnh ở mức cao (khoảng 85 cent/pound) khiến biên lợi nhuận kinh doanh sợi của TCM khá thấp. Tuy nhiên, xu hướng giảm đã kéo dài trong vài tháng trở lại, hiện chỉ còn ở mức 63 cent/pound.

Trong buổi gặp gỡ nhà đầu tư vào trung tuần tháng 8, TCM cho biết đã mua vào khoảng 1.000 tấn bông với giá 62 cent/pound giao trong tháng 12/2014, đồng thời chốt được giá cho hợp đồng bán sợi đến tháng 8 ở mức khá cao, khoảng 3,23 - 3,25 USD/kg.

Theo đó, TCM kỳ vọng mảng kinh doanh sợi có thể đạt biên lợi nhuận gộp khoảng 8 - 9% trong 2 quý cuối năm (hiện mảng sợi chiếm 45% doanh thu của TCM), cao hơn mức 3 - 5% trong 2 quý đầu năm.

Ngoài ra, TCM đã điều chỉnh chiến lược thu mua nguyên liệu với cơ cấu các hợp đồng tương lai (40%) và các hợp đồng giao ngay (60%). Theo đánh giá của CTCK HSC, cơ cấu thu mua này tối ưu hơn và cho phép Công ty giữ chi phí nguyên vật liệu phù hợp hơn với xu hướng giá bông thế giới.

Trước những thuận lợi đó, TCM điều chỉnh kế hoạch lợi nhuận thuần tăng nhẹ 4,8% trong 6 tháng cuối năm. Cụ thể, doanh thu ước đạt 1.386 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 89 tỷ đồng. Nếu đạt kế hoạch này, cả năm TCM sẽ đạt khoảng 2.692 tỷ đồng doanh thu, 173 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng hơn 5,5% so với kế hoạch ban đầu. Chỉ tính riêng trong tháng 7, TCM đã đạt được kết quả đáng kể với doanh thu hơn 216 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hơn 17 tỷ đồng.

Tại CTCP Dệt may Sài Gòn (GMC), kết quả 6 tháng đầu năm cũng khả quan với 34 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Ông Lê Quang Hùng, Chủ tịch HĐQT GMC cho biết, thông thường, quý III là thời điểm cao điểm của sản xuất, GMC ước doanh thu xuất khẩu tháng 7 sẽ đạt 8,1 triệu USD. Dự kiến trong tháng 8 sẽ đạt khoảng 8 triệu USD. Hiện GMC đã chuẩn bị xong kế hoạch sản xuất đến tháng 5/2015.

CTCP Đầu tư và thương mại TNG (TNG) cũng đạt kết quả ấn tượng trong quý II nhờ nỗ lực cắt giảm chi phí tài chính gần 16%, chi phí bán hàng giảm 62,7%, chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 29%, giúp lãi sau thuế của TNG đạt hơn 16 tỷ đồng.

Luỹ kế 6 tháng, TNG đạt doanh thu thuần 525 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hơn 20 tỷ đồng, tăng mạnh 57% so với cùng kỳ. Năm nay, TNG đặt mục tiêu đạt 50 tỷ đồng LNST, tăng mạnh so với con số lãi ròng hơn 14 tỷ đồng của năm 2013.

Ngược xu hướng với các doanh nghiệp trên, CTCP Everpia Việt Nam (EVE) có mức giảm 7% doanh thu quý II do sự cạnh tranh khốc liệt từ đối thủ nước ngoài như Hanvico, Edina… Trong đó, doanh thu từ chăn ga, đệm tiếp tục giảm 25,2%.

Luỹ kế 6 tháng, lãi sau thuế EVE giảm 27% so với cùng kỳ, bằng 33% kế hoạch do khoản thưởng hoa hồng đột biến trong quý I. Tuy nhiên, theo kế hoạch, tháng 9 tới, EVE sẽ tung ra 4 loại sản phẩm nệm lò xo cao cấp mới, kỳ vọng sẽ đóng góp khoảng 5 - 7% vào tổng doanh thu và hỗ trợ một phần cho sự sụt giảm của mảng chăn ga gối đệm.

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan trong nửa đầu tháng 8, tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 12,36 tỷ USD, trong đó, nhóm hàng dệt may đạt giá trị lớn nhất và duy nhất có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, giá trị xuất khẩu đạt 1,07 tỷ USD.

Trước những yếu tố tích cực trên, CTCK Rồng Việt (VDSC) đánh giá, ngành dệt may trong những tháng cuối năm sẽ khả quan do được hưởng lợi từ việc giá bông thế giới giảm mạnh và nhu cầu mua sắm cuối năm.

Ngoài ra, tháng 9 sắp tới, phiên đàm phán Hiệp định Đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ tiếp tục diễn ra tại Hà Nội với kỳ vọng sẽ mang đến những bước tiếp cận gần hơn cũng như cơ hội mới cho nền kinh tế Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp dệt may nói riêng.

Tin bài liên quan