Trong 27 mã được thêm mới có 10 cổ phiếu Việt Nam gồm INN, DSN, NDN, SGN, ITA, TVC, TEG, NSC và 2 cổ phiếu chứng khoán IVS, TCI.
Câu chuyện nâng hạng thị trường mang lại nhiều kỳ vọng, ở góc độ dòng tiền, thì cổ phiếu chứng khoán được cho là hưởng lợi nhiều (khi thanh khoản tăng mạnh và có nhiều sản phẩm mới được triển khai – tác động tích cực tới các mảng hoạt động của CTCK).
Trong danh sách thêm mới kể trên, cả 2 mã chứng khoán IVS của Chứng khoán Guotai Junan (Việt Nam) và TCI của Chứng khoán Thành Công đều có kế hoạch tăng năng lực tài chính thông qua tăng vốn. Cụ thể, IVS muốn tăng vốn từ 340 tỷ đồng lên 693,5 tỷ đồng thông qua việc bán hơn 69 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 1:1. Phần lớn số tiền thu về được dùng cho mảng cho vay margin.
Chứng khoán Guotai Junan (Việt Nam) thuộc tập đoàn Guotai Junan International có trụ sở chính tại Hong Kong (Trung Quốc). Tiền thân của công ty là Chứng khoán VNS được thành lập vào năm 2007.
Năm 2011, Chứng khoán VNS đổi tên thành CTCP Chứng khoán Đầu tư Việt Nam và tiếp tục đổi tên thành CTCP Chứng khoán Guotai Junan (Việt Nam) vào năm 2022. Hiện, Guotai Junan Securities nắm gần 51% vốn IVS. Với hậu thuẫn mạnh từ tập đoàn mẹ, các chuyển biến trong chiến lược, hiệu quả kinh doanh của Chứng khoán Guotai Junan (Việt Nam) đang được thị trường quan sát.
Với Chứng khoán Thành Công (TCI), cổ phiếu TCI đăng ký giao dịch trên UPCoM và mới được niêm yết trên sàn HOSE trong tháng 1/2024, với vốn điều lệ hơn 1.000 tỷ đồng. Bước ngoặt của TCI là trở thành thành viên của SaiGon 3 Group năm 2018.
Cơ cấu cổ đông của TCSC bao gồm Công ty TNHH Đầu tư Sài Gòn 3 Capital sở hữu 54,79% vốn điều lệ; Công ty TNHH Sài Gòn 3 Jean sở hữu 2,97% vốn điều lệ; và còn lại 42,24% vốn điều lệ thuộc về cổ đông sở hữu dưới 5% vốn điều lệ. Trong đó, Công ty TNHH Đầu tư Sài Gòn 3 Capital là công ty con của Sài Gòn 3 Group (mã chứng khoán SGI - UPCoM).
Theo chia sẻ từ TCSC, Công ty vẫn sẽ có kế hoạch trình tăng vốn, trong đó có thể chào đón đối tác từ bên ngoài để hỗ trợ công ty không chỉ về nguồn lực tài chính, mà còn gia tăng giá trị hơn cho công ty thông qua quản trị công ty, công nghệ…
Không riêng 2 CTCK này có kế hoạch tăng vốn, hầu hết các công ty chứng khoán đều đang trong công cuộc gia tăng nguồn lực tài chính thông qua tăng vốn. Động thái này được cho là bước chuẩn bị cần thiết để có thể gia tăng năng lực phục vụ nhu cầu tăng lên đột biến khi thị trường được nâng hạng, đồng thời cũng là điều kiện để có thể tham gia khi có thêm các sản phẩm mới.
Quay lại với danh mục MSCI Frontier Markets Small Cap Index, chiều ngược lại, trong 6 mã bị loại ra cũng có 3 đại diện từ Việt Nam là EVG, TCM và VNE.
Sau đợt review tháng 5, danh mục MSCI Frontier Markets Small Cap Index có tổng cộng 370 mã. Tại ngày 30/4/2024, cổ phiếu Việt Nam đang chiếm tỷ trọng cao nhất trong rổ chỉ số với tỷ lệ 31,48%, nhưng top 10 cổ phiếu chiếm tỷ trọng cao nhất không có đại diện nào từ Việt Nam.
Trong khi đó, với rổ chỉ số quan trọng nhất của thị trường cận biên MSCI Frontier Markets Index thì trong kỳ review này thêm mới 9 cổ phiếu và loại ra 5 cổ phiếu. Sau đợt review, danh mục MSCI Frontier Market Index có tổng cộng là 213 mã. Trong đó, Việt Nam không có thêm đại diện nào, nhưng bị loại 1 mã là NLG.
Các thay đổi sẽ có hiệu lực từ ngày 3/6/2024. Lần review tiếp theo sẽ diễn ra vào ngày 12/8/2024 theo giờ CEST (múi giờ UTC +1, giờ châu Âu), tức rạng sáng ngày 13/8/2024 theo giờ Việt Nam.
Tại thời điểm cuối tháng 3/2024, cổ phiếu thị trường Việt Nam chiếm tỷ trọng cao nhất trong rổ MSCI Frontier Market Index, với tỷ lệ 28,57%. Top 10 cổ phiếu chiếm tỷ trọng cao nhất thời điểm này có 3 cổ phiếu Việt Nam, gồm HPG (2,91%) cùng 2 cổ phiếu "họ" Vingroup VIC (1,85%) và VHM (2,21%).
Hiện có rất nhiều quỹ lớn, quy mô hàng trăm triệu USD đang phân bổ vào các thị trường cận biên (bao gồm Việt Nam) dựa trên rổ MSCI Frontier Markets Index.