Trong một ghi chú được công bố vào thứ Sáu (15/5), Goldman Sachs đã nhấn mạnh 4 xu hướng chính của mùa báo cáo lợi nhuận quý I/2020 và đưa ra 2 kịch bản tiềm năng cho sự hồi phục lợi nhuận của doanh nghiệp.
4 xu hướng chính của mùa báo cáo quý I
1. Lợi nhuận của S&P 500 không chịu ảnh hưởng quá nghiêm trọng nhờ các cổ phiếu vốn hoá lớn và các ngành công nghiệp phi chu kỳ
Theo Goldman Sachs, bản chất các cổ phiếu vốn hoá lớn và có trọng số lớn trong chỉ số S&P 500 như các cổ phiếu lĩnh vực công nghệ và chăm sóc sức khoẻ đã góp phần hỗ trợ chỉ số tránh khỏi đợt sụt giảm sâu hơn.Lợi nhuận của S&P 500 giảm gần 14% trong quý I, nhưng chủ yếu đến từ các công ty nhỏ (chiếm đến 90%) như đại diện bởi chỉ số Russel 2000.
2. Các nền tảng trực tuyến và mô hình kinh doanh thay đổi sẽ bù đắp một phần doanh thu giảm trong tiêu dùng cá nhân
Với việc người tiêu dùng chiếm tới 70% nền kinh tế Mỹ, tăng trưởng đã bị tổn hại đáng kể do các biện pháp phong toả khiến người tiêu dùng không thể mua sắm. Tuy nhiên, không phải tất cả chi tiêu của người tiêu dùng đều bốc hơi mà nó chỉ chuyển sang trực tuyến.
Goldman Sachs nói rằng, đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy sự chuyển đổi sang thương mại điện tử, bằng chứng là Wayfair tăng gần gấp đôi doanh thu tháng 4 và Target báo cáo doanh số kỹ thuật số tăng gần 300%.
3. Chi phí gia tăng liên quan đến việc duy trì hoặc tiếp tục hoạt động kinh doanh sẽ tiếp tục gây áp lực lên tỷ suất lợi nhuận
Các công ty đang báo cáo sự gia tăng chi phí liên quan đến Covid-19 khi tỷ suất lợi nhuận ròng S& P500 giảm hơn 1% trong quý vừa qua. Chi phí gia tăng chủ yếu tập trung vào các nhà bán lẻ bao gồm tăng lương cho nhân viên của mình và vệ sinh các cửa hàng và trung tâm phân phối. Amazon nói riêng, họ dự kiến sẽ phải chịu 4 tỷ USD chi phí bổ sung liên quan đến Covid-19.
4. Sự sụt giảm doanh thu của một số công ty đã nhanh chóng lấy lại mặt bằng ổn định trở lại thay vì lao dốc như trước đó và bắt đầu cải thiện trở lại trong quý II
Sự cải thiện trở lại đặc biệt trong các lĩnh vực được thúc đẩy bởi chi tiêu tiêu dùng như lĩnh vực tiêu dùng, công nghiệp và công nghệ.
“Bắt đầu thấy sự dịch chuyển từ giai đoạn ổn định sang giai đoạn bình thường hoá giống trước khi có dịch ở một vài lĩnh vực”, Mastercard cho biết.
Theo dữ liệu của Goldman Sachs, tiêu dùng của Mỹ đã giảm 30% trong đầu tháng 4 và sau đó dần cải thiện và chỉ còn giảm 20% vào cuối tháng 4.
2 kịch bản phục hồi của phố Wall
Nhìn vào tương lai, Goldman Sachs cho rằng, sẽ có hai kịch bản hồi phục cho chỉ số S&P 500.
Về kịch bản tích cực, ngân hàng này dự báo, EPS chỉ số S&P 500 sẽ ghi nhận mức 170 USD/cổ phiếu vào cuối năm 2021, cao hơn một chút so với cuối năm 2019 là 165 USD/cổ phiếu.
Phần lớn sự phục hồi sẽ đến từ lĩnh vực không chịu ảnh hưởng bởi chu kỳ kinh tế, trong khi EPS của cổ phiếu chu kỳ sẽ không có khả năng phục hồi cho tới năm 2021 như trước khi có dịch xuất hiện.
Về kịch bản tiêu cực, EPS chỉ số S&P 500 giảm 70 USD về mức 115 USD/cổ phiếu vào cuối năm 2021. Kịch bản này dựa trên giả định sự hồi phục diễn ra chậm hơn và có tác động tiêu cực của đại dịch kéo dài làm ngăn chặn đà hồi phục.
Biểu đồ ước tính EPS chỉ số S&P 500 của Goldman Sachs