19 rủi ro trong triển khai dự án điện gió ngoài khơi tại Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
Có 19 rủi ro đã được các nhà đầu tư cùng các bên cho vay liệt kê ra trong quá trình triển khai dự án điện gió ngoài khơi và nhà đầu tư đang chịu cả 19 rủi ro này.
19 rủi ro trong triển khai dự án điện gió ngoài khơi tại Việt Nam

Tại Hội thảo "Kinh tế Biển và Hải đảo: Công tác cấp phép khảo sát cho dự án điện gió ngoài khơi” diễn ra tại Hà Nội chiều 8/6/2022, ông Nguyễn Việt Long, Phó tổng giám đốc Ernst & Young Việt Nam (EY)- thay mặt cho nhóm tư vấn được tài trợ của Đại sứ quán Vương quốc Anh tại Việt Nam cho hay, sau khi phỏng vấn 3 nhà đầu tư trong nước, 2 nhà đầu tư nước ngoài, 5 bên cho vay trong nước và 7 bên cho vay quốc tế, nhóm đã liệt kê 19 rủi ro cần lưu ý trong quá trình triển khai dự án điện gió.

“EY đã tiến hành tham vấn cùng 17 đơn vị là các bên liên quan thuộc khu vực tư nhân để hiểu rõ hơn về những rủi ro mà họ bày tỏ quan ngại, khiến cho việc đầu tư vào các dự án điện gió ngoài khơi bị hạn chế. Để thúc đẩy việc huy động vốn nước ngoài và thu hút đầu tư cho các dự án điện gió ngoài khơi tại Việt Nam, các rủi ro chính mà các nhà đầu tư cùng các bên cho vay trong nước cũng như quốc tế quan ngại nhất cần được ưu tiên trong việc thực hiện các biện pháp giảm thiểu”, ông Long nhận xét.

19 rủi ro trong qúa trình triển khai dự án điện gió ngoài khơi được nhóm nghiên cứu liệt kê
19 rủi ro trong qúa trình triển khai dự án điện gió ngoài khơi được nhóm nghiên cứu liệt kê

Cụ thể, hiện các nhà đầu tư đang chịu cả 19 rủi ro, bên cho vay cũng chịu 14 rủi ro, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng chịu 5 rủi ro và Chính phủ cũng có 2 rủi ro.

Các rủi ro này cũng được chia theo quá trình triển khai dự án điện gió ngoài khơi. Đơn cử như trong giai đoạn chuẩn bị dự án, các nhà đầu tư chịu toàn bộ rủi ro dự án bao gồm: rủi ro liên quan đến hoạt động cấp phép (bao gồm cả giấy phép khảo sát) và phê duyệt; rủi ro lựa chọn vị trí thực hiện dự án; rủi ro tài nguyên gió; rủi ro thiết kế kỹ thuật; rủi ro huy động vốn.

Trong giai đoạn đầu tư, các nhà đầu tư và các bên cho vay cũng chia sẻ phần lớn rủi ro dự án. Các nhà đầu tư, các bên cho vay và EVN cũng chia sẻ rủi ro thoái vốn (và thay đổi quyền kiểm soát). Chính phủ chia sẻ một phần rủi ro chấm dứt hợp đồng trước thời hạn.

Tới giai đoạn vận hành, cơ chế phân bổ rủi ro cũng tương tự giai đoạn xây dựng. Ngoài ra EVN chia sẻ với các nhà đầu tư và các bên cho vay rủi ro chấm dứt hợp đồng trước thời hạn; rủi ro về giải quyết tranh chấp và rủi ro về bất khả kháng.

Trong giai đoạn kết thúc, hoàn trả mặt bằng, mặc dù các nhà đầu tư có nghĩa vụ thực hiện các biện pháp xử lý môi trường phù hợp khi hoàn trả khu vực biển được giao, tuy nhiên Chính phủ chịu phần lớn rủi ro còn lại liên quan đến việc hoàn trả mặt bằng nếu các nhà đầu tư không hoàn thành nghĩa vụ nêu trên.

Để thúc đẩy sự phát triển của thị trường điện gió ngoài khơi tại Việt Nam, nghiên cứu cũng cho rằng, Chính phủ đóng một vai trò vô cùng quan trọng; do vậy, cần cân nhắc thực hiện các hành động sau đây nhằm giải quyết các mối quan ngại của các nhà đầu tư cũng như các bên cho vay trong nước và quốc tế, đồng thời giảm thiểu rủi ro của họ liên quan đến việc phát triển và tài trợ vốn cho các dự án điện gió ngoài khơi.

Cụ thể là cải thiện khả năng huy động vốn của Hợp đồng mua bán điện bằng việc xây dựng cơ chế phân bổ rủi ro được chấp nhận bởi thông lệ quốc tế (trên cơ sở tham chiếu kinh nghiệm của Vương quốc Anh). Tiếp đó là xây dựng một khuôn khổ pháp lý chặt chẽ và minh bạch. Việc phát triển chuỗi cung ứng trong nước để hỗ trợ lĩnh vực điện gió ngoài khơi cũng được đặt ra và vấn đề tăng cường kế hoạch gia cố lưới điện và Quy hoạch điện VIII để hỗ trợ lĩnh vực điện gió ngoài khơi.

“Những khuyến nghị này sẽ giúp thúc đẩy việc huy động vốn nước ngoài và thu hút vốn đầu tư cho các dự án điện gió ngoài khơi tại Việt Nam với mức giá điện cạnh tranh”, ông Long nhận xét.

Tin bài liên quan